| Hotline: 0983.970.780

Dịch còn phức tạp, dân vẫn 'đánh liều' họp chợ tự phát

Thứ Hai 04/10/2021 , 16:46 (GMT+7)

Hầu hết chợ truyền thống tại TP.HCM vẫn chưa được phép hoạt động trở lại. Trong bối cảnh đó, tại nhiều khu dân cư, hàng loạt chợ 'chồm hổm', chợ 'tự phát' đã mọc lên…

Sợ chứ, nhưng đói quá rồi!

Theo ghi nhận của PV NNVN, tại các khu vực chợ Thanh Đa, Bà Chiểu, Thị Nghè thuộc quận Bình Thạnh, TP.HCM, rất nhiều nhóm chợ tự phát mọc lên. Hầu hết những người ra bán đều đang rất khó khăn, như lời họ tâm sự là “không trụ nổi nữa” nên mới liều ra bán, mặc dù chính quyền chưa cho phép. Tuy nhiên, họ cho biết, cũng đã tiêm đủ 2 mũi vacxin phòng Covid-19 nên mới dám ra ngoài.

Tại khu vực cư xá Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh, chợ truyền thống còn đóng cửa im ỉm, nhưng bên ngoài, tại các đường nội bộ giữa hai dãy chung cư và khu vực ngoài bờ kênh Thanh Đa, những khu chợ tự phát đã mọc lên, cảnh mua bán nhộn nhịp.

Anh Dũng, 43 tuổi, có xe bán rau củ quả tại đây cho biết: “Chúng tôi ở nhà mấy tháng liền, đói quá rồi, phải ra kiếm đồng ra đồng vào chứ. Nhà 5 miệng ăn, bao nhiêu năm nay chỉ trông vào cái sạp rau củ của hai vợ chồng, trong khi mỗi tháng tốn 3,5 triệu đồng tiền thuê nhà, chưa kể điện nước. Cả nhà tôi tiêm đủ hai mũi phòng Covid-19 rồi, thẻ xanh đây. Nhưng anh thấy đấy, ở đây mọi người vẫn tuân thủ 5k, khẩu trang, kính chắn đầy đủ”.

Chị Tâm, 32 tuổi, có nghề bán cá ở chợ cư xá Thanh Đa, nói: “Hai vợ chồng tôi có hai đứa con, đứa lớn 9 tuổi, đứa nhỏ 5 tuổi, ở nhà thuê, mỗi tháng 2 triệu đồng tiền nhà rồi. Xưa nay cũng chỉ kiếm ăn bằng nghề bán cá, từ mấy tháng nay không buôn bán được, phải vay mượn hơn chục triệu rồi. Giờ biết là tình hình dịch còn căng lắm, nhưng chúng tôi đã tiêm vacxin đủ rồi, nên cố gắng ra bán, được đồng nào đỡ đồng ấy. Chứ không trụ nổi nữa. Mấy tháng nay, may có gói cứu trợ của nhà nước, được mấy chục ký gạo, mấy triệu nữa, chứ nếu không thì chẳng biết xoay xở thế nào.

Biết giờ ra ngoài là nguy hiểm, sợ đấy, nhưng đói quá rồi! Nên tôi cũng đeo khẩu trang, giữ khoảng cách chứ không dám tiếp xúc gần”.

Tại khu vực chợ lề đường trên đường Nguyễn Xí, phường 12, quận Bình Thạnh, Chị Hiền, có sạp bán trứng nhỏ, cho biết: “Tôi tiêm đủ hai mũi rồi, mới bày ra bán từ hôm qua. Cán bộ phường ra bảo chưa cho bán, sau đó đuổi. Nếu đuổi thì chạy. Chứ giờ khổ quá!”.

Còn tại khu vực chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, trong khi chợ chính vẫn đóng cửa, rào chắn khá kỹ, thì tại các con đường quanh chợ như Bùi Hữu Nghĩa, Vũ Tùng, khung cảnh mua bán tấp nập, chẳng khác gì những ngày không có giãn cách. Ngoài ra, ngay con hẻm bên hông chợ, là các sạp bán hoa quả, trái cây, nhìn từ phía ngoài đường Bạch Đằng vào, thấy các sạp vẫn mở bán bình thường.

Ông Huỳnh Thanh Trường, Trưởng Ban Quản lý chợ Bà Chiểu cho biết, kế hoạch mở cửa chợ phải theo chỉ đạo của UBND TP.HCM và Sở Công Thương TP.HCM. Trong đó, tiểu thương phải đáp ứng điều kiện đã tiêm 2 mũi vacxin phòng Covid-19, có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và tuân thủ quy định 5K. 

“Đến thời điểm này, phần đông người dân đã tiêm đủ 2 mũi vacxin phòng Covid-19, nhưng nguy cơ lây nhiễm vẫn cao. Mặt khác, do tình hình kinh tế khó khăn, nên công việc kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng, chắc chắn số lượng người mua sẽ hạn chế so với trước khi có dịch.

Trong kế hoạch mở cửa, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch để bảo đảm an toàn cho cả tiểu thương lẫn người dân”, ông Huỳnh Thanh Trường khẳng định.

Ông Trường cũng cho biết thêm, căn cứ vào tình hình thực tế và phê duyệt của chính quyền, chợ Bà Chiểu sẽ thống nhất số lượng gian hàng nhằm bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch vừa đáp ứng phục vụ bà con nhân dân.

Đến nay, có trên 30 tiểu thương tại chợ đã đăng ký hoạt động trở lại, Ban Quản lý chợ vẫn đang rà soát nhu cầu để báo cáo về quận. Chợ dự kiến mở 30% gian hàng thiết yếu trên tổng số 1.300 gian hàng và sẽ căn cứ tình hình thực tế để mở cửa theo lộ trình trong thời gian tới”, ông Trường nói.

200 tiểu thương vui mừng khi chợ Bình Thới được hoạt động trở lại

Từ sáng sớm, nhiều hộ kinh doanh tại chợ Bình Thới, quận 11 đã chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng phong phú, sắp xếp gọn gàng, mỗi hộ kinh doanh đều được ngăn bằng nilong để đảm bảo khoảng cách giữa người mua hàng và người bán, cũng như giữa các sạp kinh doanh với nhau.

Các hộ kinh doanh tại chợ Bình Thới đã chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng thực phẩm tươi sống.

Các hộ kinh doanh tại chợ Bình Thới đã chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng thực phẩm tươi sống.

Theo ghi nhận của PV NNVN, đa phần người dân đến mua sắm tại chợ cũng như các tiểu thương đều thực hiện khai báo y tế, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay trước khi vào chợ, đeo kính chống giọt bắn.

Chị Nguyễn Thanh Hương, ngụ quận 11 cho biết, mấy tháng nay chị phải nhờ phường hỗ trợ "đi chợ thay", khi hay tin TP.HCM được nới lỏng, mọi người đã tiêm vacxin đều được đi ra ngoài thì mừng lắm. "Nhất là khi chợ Bình Thới được mở trở lại, tự mình đi lựa chọn những thực phẩm ngon nhất về cho gia đình, được trả giá, được cầm món hàng thì không còn gì "sung sướng" bằng giữa thời dịch bệnh", chị Hương bày tỏ.

Thực phẩm tại đây được bán giá bình ổn.

Thực phẩm tại đây được bán giá bình ổn.

Chị Nhung, kinh doanh mặt hàng đồ khô, trứng gia cầm tại chợ Bình Thới cho biết, khi nhận được thông báo mở lại chợ, chị và các hộ kinh doanh khác rất vui mừng vì được gặp lại mọi người. Tuy nhiên, chị cũng khá lo sợ về dịch bệnh, do đó chị luôn thực hiện nghiêm yêu cầu của Ban Quản lý chợ, vừa bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như người dân đến chợ mua hàng hóa.

Về giá cả, chị Nhung cho hay: “Tất cả mọi người vì dịch bệnh đều khó khăn như nhau, do đó, chúng tôi cũng chỉ bán giá bình ổn để làm sao người dân mua được hàng vừa túi tiền. Ai cũng khổ lắm rồi”.

Tiểu thương tại đây phải thực hiện nghiêm yêu cầu của Ban Quản lý chợ.

Tiểu thương tại đây phải thực hiện nghiêm yêu cầu của Ban Quản lý chợ.

Ông Đỗ Phước Tiến, Phó ban quản lý chợ Bình Thới (quận 11) cho biết, trong thời gian qua theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, Chợ Bình Thới đã có kế hoạch trình UBND quận 11 thông qua, trong phương án này chợ Bình Thới sẽ mở lại trong hai giai đoạn.

Giai đoạn 1 (từ 1/10 đến 22/10), sẽ có khoảng 200 hộ kinh doanh (chiếm 50%) gồm các hộ kinh doanh mặt hàng thiết yếu và không thiết yếu được mở lại. "Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở bà con thực hiện nguyên tắc 5K, trong thời gian qua hầu như trên 90% hộ kinh doanh đã tiêm 2 mũi vacxin phòng Covid-19, và một số hộ đã tiêm 1 mũi, đang chờ tiêm mũi thứ hai.

Ở giai đoạn này, chợ sẽ mở bán đến 12 giờ trưa, sau đó sẽ thực hiện khử khuẩn toàn chợ", ông Tiến nói.

Còn ở giai đoạn 2 (từ 22/10 đến 22/11), theo ông Tiến, nếu tình hình dịch bệnh qua đi thì chợ Bình Thới sẽ mở lại 100% hộ kinh doanh.

"Khi chợ mở lại, đa số hộ kinh doanh tại chợ đều vui mừng, tuy nhiên họ cũng rất cảnh giác thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K trong thời gian vào chợ. Tiểu thương cũng chủ động nhắc nhở người tiêu dùng về việc giãn cách, đeo khẩu trang. Về giá cả tại chợ tương đối ổn định, không tăng", ông Tiến thông tin.

Theo thống kê của Sở Công Thương TP.HCM, hiện nay trên toàn địa bàn Thành phố có khoảng 240 chợ truyền thống. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hầu hết các chợ đã đóng cửa.

Hiện chợ truyền thống sẽ lên kế hoạch mở lại chợ với phương án phòng dịch cụ thể và do UBND các phường, xã, thị trấn đánh giá đảm bảo đủ trong Bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch Covid-19 đối với chợ truyền thống thì được phép hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới.

Chợ truyền thống phải bảo đảm các tiêu chí như: đối với người lao động và khách hàng, tùy theo từng đối tượng phải có “thẻ xanh Covid-19”, “thẻ vàng Covid-19”. Đồng thời, đảm bảo quy định khoảng cách an toàn, phương án bố trí lối ra vào, tổ chức kiểm tra, giám sát, trang bị dung dịch sát khuẩn, vệ sinh môi trường, công tác khử khuẩn; công tác tuyên truyền phòng, chống dịch, thông tin liên lạc...

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

2 người ở Hà Giang bị thương do thiên tai

Mưa lớn kèm gió lốc đêm 4, ngày 5/5 trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã khiến 2 người bị thương và 378 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng.