Môi giới chuyển nghề
Việc môi giới bất động sản thất nghiệp, chuyển sang nghề khác có lẽ chưa bao giờ nhiều như hiện nay. Covid-19 hoành hành khiến thị trường đóng băng, dự án bung ra không khách nào ngó đến, môi giới bất động sản trở nên thừa thãi. Cầm cự mãi không được, nhiều môi giới đành chuyển sang chạy Grab, bán trà đá, hải sản hoặc kinh doanh online để kiếm thêm thu nhập.
Nguyễn Thị Tân, môi giới bất động sản cho một sàn bất động sản lớn tại Hà Nội chia sẻ, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến giao dịch, trong 3 tháng đầu năm khi dịch bùng phát lần 1, giao dịch đã rất ảm đạm, thi thoảng mới có 1, 2 cái. Còn hơn 10 ngày trở lại đây, khi dịch bùng phát lần 2, khách mua nhà vắng bóng.
Theo môi giới này, ngoài việc nhắn tin, gọi điện thường xuyên để mời chào khách, chị cũng chiều khách hết lòng như đến tận nơi tư vấn- điều mà không bao giờ có ở thời hoàng kim, khi môi giới nhà đất nghe điện thoại thôi cũng không xuể.
Thế nhưng, hẹn được khách đã khó, để khách gật đầu thời điểm này còn khó hơn. Hầu hết đều hẹn Tân qua dịch sẽ tính toán tiếp.
Hiện nhóm của Tân đã “ra đi hơn một nửa”, số còn ở lại thì trong trạng thái “cầm chừng” để chờ dịch qua.
"Nhưng nếu dịch còn kéo dài thì có lẽ khó cầm cự được. Vừa rồi tưởng dịch đã được dập, ai ngờ bùng phát lại dữ dội hơn. Trên thế giới cũng chưa có tín hiệu nào khả quan", Tân lo lắng nói.
Lê Văn Học (30 tuổi), nhân viên môi giới bất động sản tại sàn giao dịch có tiếng ở Hà Nội cũng than thở, từ đầu năm đến nay Học chỉ bán được…2 căn chung cư.
Trước đây, trung bình 1 tháng học có thể bán được 2 - 3 căn, thu nhập vài chục triệu đồng tiền hoa hồng môi giới. Nhưng từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhu cầu mua bán nhà hầu như không có, ảnh hưởng lớn tới nghề môi giới bất động sản.
Học kể, mặc dù chỉ bán được 2 căn chung cư, hoa hồng tầm 30 triệu đồng, nhưng chi phí cho quảng cáo mỗi tháng cũng gần 10 triệu đồng. Hàng không bán được, tiền quảng cáo quá lớn khiến Học phải suy nghĩ đến chuyện bỏ nghề.
“Em đang tham gia bán hàng cho một dự án nhà quận Hoàng Mai. Sau đợt dịch lần 1, nghĩ vẫn túc tắc tìm được khách nên em đầu tư chạy quảng cáo. Ai ngờ, tốn gần chục triệu đồng quảng cáo mỗi tháng, tìm được khách nhưng hẹn gặp tư vấn thì khách từ chối vì dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát. Như vậy là mất cả chì lẫn chài”, Học thở dài.
Theo Học, tại sàn giao dịch bất động sản nơi Học làm việc cũng như nhiều sàn khác, đa số nhân viên môi giới đều đã nghỉ việc và phải chuyển nghề để duy trì cuộc sống, thậm chí về quê ăn bám gia đình. Một số ít ở lại Hà Nội duy trì hoạt động môi giới nhưng không mấy hiệu quả, còn lỗ tiền chạy quảng cáo, điện thoại tìm khách.
Trần Nguyệt Ánh, một môi giới bất động sản tại Hà Nội tâm sự, khi dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu năm, Ánh quyết định về quê chờ hết dịch để lên đi làm lại. Nhưng dịch hết chưa được bao lâu lại bùng phát trở lại, nên Ánh quyết định bán hàng online để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.
“Dịch bệnh kéo dài nên nghề môi giới gặp khó khăn, tôi buộc phải chuyển sang bán hải sản online. Ban đầu chưa quen vất vả lắm, vừa tìm khách bán nhà vừa buôn hải sản kết hợp nên càng vất vả.
Gần đây, tìm được mối gửi xe khách lên nên nhàn hơn. Chưa bỏ hẳn nghề môi giới bất động sản vì còn đam mê nhưng hiện tại, không biết lúc nào có cơ hội quay lại”, Ánh chia sẻ.
Nhà đầu tư mắc kẹt
Nhiều nhà đầu tư ôm bất động sản để lướt sóng đã phải ngậm trái đắng khi thị trường liên tiếp trải qua 2 đợt bùng phát dịch Covid-19.
Bà Trần Thị Huệ (Hà Nội) chia sẻ, trong rổ hàng bị chôn vốn của bà hiện còn 2 căn hộ ở Bắc Ninh, 1 căn nhà phố tại Quảng Ninh và 2 lô đất nền ở Bắc Giang.
2 căn hộ ở Bắc Ninh giá khoảng 2 tỷ đồng, đã đóng 70%, đang xây dựng và đóng tiền theo tiến độ. Nhưng vì khó khăn tài chính nên bà đã rao bán 7 tháng nay song không ai mua dù bà đã bán giá gốc. Do không xả được hàng nên cứ 3 -4 tháng, bà Huệ lại phải chật vật lo chạy tiền đóng theo tiến độ dự án.
Trong khi đó, căn nhà phố tại Quảng Ninh có giá hơn 5 tỷ đồng, bà đã thanh toán 50% nhưng hiện dự án này đang chậm tiến độ nên đã chào bán nửa năm nay vẫn không có ai mua.
Còn 2 lô đất nền tại Bắc Giang, mỗi lô có giá khoảng 1,5 tỷ đồng, bà Huệ đã đóng 50% mỗi lô, dù bán giá gốc nhưng cũng không có người mua.
“Do dịch bệnh nên thị trường đóng băng, các căn hộ của tôi không thể giao dịch được. Nếu không có khách mua, cứ đà này, 3 tháng nữa tôi phải xoay hơn 1 tỷ đồng mới có thể đóng theo đúng tiến độ được. Vốn cạn kiệt tôi đang không biết xoay sở bằng cách nào, chỉ mong bán được, dù phải lỗ”, bà Huệ chia sẻ.
Bà Huệ càng lo lắng hơn khi Covid-19 tái bùng phát sau một thời gian ngắn im ắng. Theo bà, cơ hội xả hàng của bà càng ít đi, nhiều mối mới liên hệ với bà đã lập tức dừng ý định mua đất sau khi dịch bệnh quay lại. Phần lớn đều lấy lý do tiết kiệm chi tiêu khi tình hình Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Giống như bà Huệ, chị Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng đang đau đầu khi mắc kẹt tại 1 dự án ở Gia Lâm (Hà Nội).
Chị Hà cho biết, chị không lường trước được tình hình dịch diễn biến kéo dài như hiện nay nên chị đã đầu tư 4 lô đất nền tại 1 dự án ở Gia Lâm. 2 trong số 4 lô đã sang tay khách mới khi dịch Covid-19 được kiểm soát từ tháng 4 đến tháng 7. Nhưng 2 lô còn lại chị đã rao bán 4 tháng nay vẫn chưa có người mua.
Chị Hà chia sẻ, mỗi lô đất nền tại dự án này có giá 3,8 - 4 tỷ đồng/lô, hiện chị mới đóng 30%, còn nửa tháng nữa sẽ đóng tiếp đợt tiếp theo là 30%, tương đương với gần 2,4 tỷ đồng.
“Dịch bệnh bùng phát trở lại thế này, không biết bao giờ tôi mới có thể thoát được hàng. Nếu không bán được, tôi không biết lấy tiền đâu để đóng vào 2 lô còn lại kia”, chị Hà lo lắng nói.
Giao dịch sụt giảm
Theo nhiều chuyên gia bất động sản, từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, thị trường bất động sản giảm sút rõ rệt.
Savills Việt Nam xác nhận, hiện nay phân khúc nhà ở thương mại tại TP. HCM đang gặp nhiều khó khăn. Dịch bệnh làm sụt giảm và hạn chế mọi nhu cầu của người dân, trong đó có cả việc giảm sức mua nhà ở do thu nhập đi xuống.
Thêm vào đó, nhiều rào cản về pháp lý và giấy phép các dự án nhà ở vẫn tồn đọng hoặc kéo dài cũng là chướng ngại vật rất lớn tác động đến tâm lý người mua bất động sản. Tuy bức tranh thị trường địa ốc chuyển sang màu xám, đơn vị này đánh giá trong thách thức luôn có cơ hội.
Ông Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc bộ phận kinh doanh Nhà ở Savills Việt Nam cho biết, dù đà giảm tốc của thị trường bất động sản diễn ra ngày càng rõ rệt ở nguồn cung và sức mua, đây có thể được coi là thời điểm vàng đối với một số nhà đầu tư có năng lực trên thị trường trong việc cân nhắc các cơ hội mới.
Theo dữ liệu của đơn vị này, trong nửa đầu năm 2020, nguồn cung căn hộ trên thị trường sơ cấp giảm 52% theo năm, với hơn 9.100 căn, mức thấp nhất trong 5 năm qua. Nguồn cung đất nền lao dốc 53% theo năm, rổ hàng biệt thự, nhà phố giảm 23%.
Lượng giao dịch căn hộ nửa đầu năm cũng giảm 55% theo năm, chỉ đạt hơn 6.800 căn - mức thấp nhất trong nửa thập niên trở lại đây. Lượng giao dịch biệt thự, nhà phố giảm 34% theo năm. Đối với đất nền, sự sụt giảm các nhà đầu cơ do Covid-19 đã khiến doanh số giảm 67% theo năm.