| Hotline: 0983.970.780

Dịch tả lợn châu Phi - hiểm họa không nhỏ với châu Á

Thứ Sáu 14/09/2018 , 09:08 (GMT+7)

Theo dự kiến, hôm nay 14/9, Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật vụ Thu Đông và ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo dịch tả lợn Châu Phi lan mạnh tại Trung Quốc và sẽ ảnh hưởng tới các nước châu Á khác dù cho nước sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới đang nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này.

Theo FAO, Trung Quốc phát hiện ca nhiễm virus cúm lợn Châu Phi đầu tiên tại tỉnh Liêu Ninh chỉ mới đầu tháng Tám vừa qua nhưng dịch đã lan ra 18 trang trại hoặc lò mổ ở 6 tỉnh, có nhiều trường hợp nhiễm bệnh cách xa nhau hàng nghìn km. Trước tình hình dịch bệnh lan rộng về phía Nam Trung Quốc đã tiêu hủy khoảng 38.000 con lợn nuôi và cấm vận chuyển lợn sống và các sản phẩm từ lợn từ 10 khu vực giáp với 6 tỉnh có các trường hợp có dịch. Động thái này được dự báo sẽ khiến nguồn cung thịt lợn tại nước này trở nên khan hiếm và đẩy giá thịt lợn tăng cao.

Trong khi đó, Nhật Bản cho biết đã tiêu hủy và chôn lấp 546 con lợn và tạm dừng xuất khẩu thịt lợn để ngăn ngừa sự lây nhiễm sau khi dịch tả lợn tại một trang trại ở thành phố Gifu thuộc tỉnh Gifu được xác nhận hồi đầu tháng Chín. Tới ngày 12/9 Chính phủ Nhật Bản đã cho phép xuất khẩu trở lại toàn bộ sản phẩm thịt lợn (trừ từ tỉnh Gifu). Kim ngạch xuất khẩu thịt lợn của Nhật Bản đạt 9 tỷ USD trong năm 2017. 

Dịch tả lợn là căn bệnh đặc trưng của châu Á, song đây là lần đầu tiên phát hiện ca nhiễm bệnh tại Nhật Bản kể từ khi dịch này bùng phát tại tỉnh Kumamoto vào năm 1992. Nhật Bản sau đó đã tuyên bố loại bỏ hoàn toàn virus gây bệnh vào năm 2007.

Trong một diễn biến khác, để bảo vệ và ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi lây lan, Lào đã tạm thời ngừng nhập khẩu thịt lợn, lợn giống, lợn con và tất cả các loại sản phẩm thịt lợn từ Trung Quốc, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và không cho phép nhập khẩu các sản phẩm thịt lợn, bao gồm cả việc cấm các cá nhân, hành khách đưa về để sử dụng.

Tuy không lây sang người nhưng dịch tả lợn Châu Phi sẽ khiến lợn nuôi và lợn hoang bị sốt xuất huyết và hầu hết đều bị chết. Hiện chưa có vacxin phòng bệnh hay thuốc trị bệnh và phương pháp phòng ngừa duy nhất là tiêu hủy đàn lợn được xác nhận là nhiễm dịch. Dịch tả lợn Châu Phi lây lan qua đường tiếp xúc với những con lợn nhiễm bệnh, ve hoặc các loài động vật hoang khác và có thể gây ra thiệt hại nặng nề với ngành nông nghiệp.

Thịt lợn là thực phẩm rất phổ biến tại các quốc gia châu Á nên việc virus có thể lây lan sang các quốc gia láng giềng của Trung Quốc là gần như tất yếu, nhất là thông qua việc phân phối các sản phẩm từ thịt lợn nhiễm virus cúm. Việc dập dịch càng khó khăn hơn khi loại virus này có thể tồn tại trong các sản phẩm thịt nhiễm bệnh, thức ăn chăn nuôi và thức ăn dạng lỏng cho lợn vài tháng.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Chuyển đất lúa kém hiệu quả trồng tràm năm gân

NINH BÌNH Việc chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng tràm năm gân giúp người dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình gia tăng giá trị sản xuất và thu nhập.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.