| Hotline: 0983.970.780

Dịch tả lợn Châu Phi quét tan hoang Bắc Kạn: [Bài 2] Nước mắt chủ trang trại

Thứ Ba 09/07/2024 , 09:15 (GMT+7)

Bán ô tô, máy xúc dồn tiền đầu tư nuôi lợn bản địa, nhưng dịch tả lợn Châu Phi ập đến khiến anh Tuân trắng tay, không biết khi nào mới vực dậy được.

Đàn lợn bản địa trước khi bị dịch tả lợn Châu Phi của gia đình anh Phan Văn Tuân. Ảnh: Ngọc Tú. 

Đàn lợn bản địa trước khi bị dịch tả lợn Châu Phi của gia đình anh Phan Văn Tuân. Ảnh: Ngọc Tú. 

Nuôi lợn bản địa cũng trắng tay

Trang trại nuôi lợn đen bản địa của anh Phan Văn Tuân, xã Trần Phú, huyện Na Rì (Bắc Kạn) thường xuyên có khoảng 300 con. Ngoài nuôi lợn thịt, anh Tuân có 30 lợn nái sinh sản. Trước khi xảy ra dịch tả lợn Châu Phi, mỗi năm trang trại có doanh thu khoảng 800 triệu đồng.

Anh Tuân cho biết, trước đây gia đình mua ô tô, máy xúc đi làm công trình, san ủi mặt bằng, chở hàng trong huyện. Năm 2020, nhận thấy địa phương có đất đai rộng, khí hậu mát mẻ, nhu cầu thị trường lớn nên anh chuyển sang nuôi lợn bản địa.

Hai năm đầu, công việc làm ăn thuận lợi, lợn của trang trại nuôi theo mô hình khép kín, kiểm dịch đầy đủ nên lợn giống đủ điều kiện cung cấp cho các dự án hỗ trợ xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện.

“Trước đây, mỗi lứa trang trại cung cấp khoảng 300 con lợn giống cho bà con trong huyện, chủ yếu phục vụ các dự án chăn nuôi thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. Nhờ đó thu nhập từ nuôi lợn khá ổn định”, anh Tuân chia sẻ.

Những ngày đầu tháng 7/2024, khi trang trại đang ăn nên làm ra dịch tả lợn Châu Phi ập đến. “Buổi sáng như thường lệ, mình ra chuồng chăm đàn lợn thấy mấy đàn lợn con lờ đờ, bỏ ăn, mình đã thấy dấu hiệu chẳng lành. Đến trưa, 3 con lợn con lăn đùng ra chết, mình vội vàng báo chính quyền, ngay lập tức mang lợn đi chôn và phun khử khuẩn chuồng trại”, anh Tuân nói.

Trai trại của anh Tuân khá biệt lập, cách xa khu dân cư hàng cây số, do chỉ có tuyến đường độc đạo vào trang trại nên có rất ít người đi lại. Trang trại của anh Tuân cũng áp dụng các biện pháp phòng dịch khá nghiêm ngặt, thường xuyên vệ sinh chuồng, sử dụng đệm lót sinh học.

Đàn lợn chết dần chết mòn đến nay chỉ còn vài con. Ảnh: NT.

Đàn lợn chết dần chết mòn đến nay chỉ còn vài con. Ảnh: NT.

Nhìn đàn lợn chết dần chết mòn, anh Tuân ngán ngẩm, bao nhiêu công sức, tiền bạc anh dồn vào nuôi lợn, năm nay sẽ trắng tay. Trước khi bị dịch tả lợn Châu Phi, trang trại của anh Tuân có khoảng 300 con lợn, trong đó có 30 lợn nái sinh sản, 4 lợn đực, 100 lợn thịt, còn lại là lợn giống đã đến tuổi xuất bán.

Trang trại biệt lập nên cũng không nghĩ dịch tả lợn Châu Phi len lỏi vào tận đây, vừa đi thăm chuồng, anh Tuân nhẩm tính thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Riêng lợn chết mất khoảng 700 triệu, nếu hết dịch, toàn bộ thảm lót sinh học phải bỏ đi mua mới cộng với tiền vệ sinh chuồng trại mua con giống mới cũng vài trăm triệu đồng.

“Khổ nhất là hơn 30 con lợn bố mẹ, lúc mua rất đắt mà phải đi tuyển chọn ở nhiều nơi, cả ở trung tâm bảo tồn gen, bây giờ chết hết khó mà khôi phục lại, mà cũng chưa biết bao giờ dịch mới đi qua”, anh Tuân buồn bã nói.

Ở xóm nhỏ nơi anh Tuân đặt trang trại, dịch tả lợn Châu Phi cũng đang quét qua khiến nhiều gia đình lâm cảnh lao đao. Trước đây, HTX Trần Phú do anh Tuân làm giám đốc liên kết với hàng trăm hộ, HTX chủ yếu cung ứng con giống, sau khi lợn xuất bán sẽ mua lại mang đi tiêu thụ. Nay dịch tả lợn Châu Phi ập đến, chuỗi lên kết cũng đứt gãy, các hộ tham gia liên kết cũng không có con giống để nuôi, lợn đã lớn cũng không thể bán được.

“Lâu lâu vẫn thấy thương lái mang ô tô đến khu vực lân cận mua lợn, nhưng mình không bán, toàn bộ lợn chết sau khi báo chính quyền địa phương đều mang đi chôn. Nghề nuôi lợn gắn bó với mình nhiều năm nên mình ý thực được việc bán lợn chết, lợn bệnh sẽ làm dịch lan rộng, thịt lợn chết ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”, anh Tuân chia sẻ thêm.

Từ chủ một trang trại có tiếng tại Bắc Kạn, những ngày này anh Tuân thất nghiệp, dãy chuồng trại vài trăm con giờ chỉ còn 1 con lợn mẹ và hơn chục con lợn con. Nhưng với anh Tuân, vài con lợn này cũng sẽ chẳng tồn tại được mấy hôm, rồi anh cũng sẽ phải đào hố để chôn nốt những con lợn này. Một năm làm ăn thất bát, viễn cảnh trắng tay đang hiển hiện trước mắt. 

Theo anh Tuân, lợn chết nhiều đến mức lực lượng phòng dịch của xã cũng chán không muốn xuống hỗ trợ tiêu hủy. Ảnh: NT. 

Theo anh Tuân, lợn chết nhiều đến mức lực lượng phòng dịch của xã cũng chán không muốn xuống hỗ trợ tiêu hủy. Ảnh: NT. 

Phá chuồng, chuyển nghề!

Phương Viên là xã thuần nông của huyện Chợ Đồn, nuôi lợn nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình đã gắn bó với người dân. Nuôi lợn nhỏ lẻ tuy không giàu nhưng cũng mang lại thu nhập ổn định cho nhiều nông hộ.

Cũng như nhiều thanh niên trong bản, anh Chu Văn Khải, thôn Bản Lanh (xã Phương Viên) cũng nuôi lợn nhưng quy mô lớn hơn, mỗi lứa khoảng 100 con. Mô hình nuôi lợn của anh Khải một thời từng là điểm sáng trong phát triền kinh tế của thanh niên trong xã.

“Gia đình nấu rượu thủ công nên bỗng rượu rất nhiều, vài năm trước vợ chồng quyết định đầu tư hơn 300 triệu đồng xây chuồng trại nuôi lợn. Lúc đầu mình nuôi vài chục con, sau mấy lứa thấy có lợi nhuận nên nuôi nhiều hơn, mỗi lứa khoảng 100 con lợn siêu nạc. Mỗi năm gia đình cũng có lãi vài chục triệu đồng từ tiền bán lợn”, anh Khải chia sẻ.

Anh Khải phá bỏ khu chuồng trại nuôi lợn chuyển sang đào ao thả cá. Ảnh: Ngọc Tú. 

Anh Khải phá bỏ khu chuồng trại nuôi lợn chuyển sang đào ao thả cá. Ảnh: Ngọc Tú. 

Anh Khải cho biết, đang làm ăn thuận lợi, đầu tháng 5/2024, một số hộ trong thôn bị dịch tả lợn Châu Phi, thời điểm đó ngày nào cũng có lợn bị chết nên rất lo lắng. Thời điểm đó, dịch mới bắt đầu xuất hiện tại tỉnh Bắc Kạn nên thương lái vẫn đến mua lợn, mình tranh thủ bán tống bán tháo hết đàn lợn, giá rẻ nhưng cũng phải bán thu lại được đồng nào hay đồng đấy. Riêng việc bán lợn giá rẻ, gia đình thiệt hại hơn 100 triệu đồng.

Với người chăn nuôi như anh Khải, thiệt hại do dịch bệnh giáng đòn chí tử, buộc anh phải chuyển sang nghề khác. Dù đã đầu tư nhiều tiền để xây chuồng, mua máy móc nhưng vài năm nay nuôi lợn bấp bênh nên anh Khải quyết định phá khu chuồng trại để tập trung nấu rượu, đào ao thả cá.

“Gia đình nấu rượu nên nguồn thức ăn chăn lợn rất dồi dào, nếu không xảy ra dịch, nuôi lợn chiếm phần lớn thu nhập của gia đình, nhưng nay dù rất tiếc nhưng cũng phải phá hết chuồng trại. Bây giờ trong xã cũng rất ít người nuôi lợn, bỗng rượu cũng không biết bán cho ai nên thiệt đơn, thiệt kép. Nếu dịch kéo dài, kinh tế người dân sẽ còn bị ảnh hưởng rất lớn”, anh Khải than thở.

Những ngày này, anh Khải đang dọn dẹp ao cá, dự tính sẽ nuôi cá rô phi đơn tính, mọi thứ đã sẵn sàng, nhưng không nuôi lợn anh Khải cũng chưa biết sẽ lấy nguồn thức ăn ở đâu cho cá. Dịch tả lợn Châu Phi ập đến, với anh Khải không chỉ là chuyện thiệt hại trước mắt mà cả chuỗi giá trị mà anh xây dựng nhiều năm đều bị ảnh hưởng. Thu nhập người dân giảm kéo theo mọi hoạt động sản xuất của gia đình đều gặp khó khăn.

Từ đầu năm 2024 đến nay, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 96/108 xã, phường, thị trấn của tỉnh Bắc Kạn. Dịch bệnh lan rộng tàn phá ngành chăn nuôi của địa phương này đẩy nhiều nông hộ, gia trại nuôi lợn lâm cảnh khó khăn.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.