| Hotline: 0983.970.780

Dịch tả lợn Châu Phi quét tan hoang Bắc Kạn: [Bài 1] Nhiều xã không còn lợn

Thứ Hai 08/07/2024 , 06:00 (GMT+7)

Bệnh dịch tả lợn Châu Phi quét qua 96 xã thuộc 8 huyện, thành phố của Bắc Kạn, trong đó nhiều xã hoàn toàn không còn con lợn nào.

Một cơ sở chăn nuôi lợn tập trung tại địa bàn xã Mỹ Thanh cửa đóng then cài không cho người lạ vào bên trong trại thời điểm đang có dịch. Ảnh: K.Trung.

Một cơ sở chăn nuôi lợn tập trung tại địa bàn xã Mỹ Thanh cửa đóng then cài không cho người lạ vào bên trong trại thời điểm đang có dịch. Ảnh: K.Trung.

Xã có đàn lợn lớn nhất huyện dính dịch

Hầu hết, đàn lợn nuôi nông hộ trong tất cả các xã trên toàn tỉnh Bắc Kạn đều bị mắc dịch tả lợn châu Phi. Nhiều xã trắng không còn lợn vì đã chết và tiêu hủy hết. Một số trang trại chăn nuôi lợn tập trung quy mô lớn còn giữ được nhớ đóng cửa chống dịch.

Xã Mỹ Thanh (huyện Bạch Thông) nằm ở đúng vị trí tích nước của nhà máy thủy điện Thác Giềng xây dựng trên đoạn sông Cầu chảy qua. Bí thư Đảng ủy xã Đinh Văn Bình không giấu giếm: Vì ở vị trí bị chặn dòng nên mỗi năm Mỹ Thanh phải hứng khá nhiều xác gia súc, gia cầm từ nơi khác trôi về theo dòng chảy. Vì thế, khi xảy ra dịch bệnh đối với vật nuôi, điều này tăng thêm mối lo ngại cho chính quyền cơ sở, bởi đó chính là nguồn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Từ đầu năm cho tới nay, dịch tả lợn Châu Phi quét qua xã Mỹ Thanh đã hầu như xóa sổ đàn lợn nuôi nhỏ lẻ của các nông hộ, đặc biệt cao điểm vào tháng 4/2024. Tháng 5, cơ quan thú y tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, sau hai ngày có kết quả dương tính với dịch, Mỹ Thanh là xã đầu tiên của huyện Bạch Thông công bố xã có dịch và cũng là xã có số lượng lợn chết dịch mang đi tiêu hủy nhiều nhất.

“Thống kê tới thời điểm hiện tại, tổng đàn lợn của xã bị dịch tả lợn Châu Phi là 262 con, tổng trọng lượng gần 9,5 tấn thuộc 84 hộ nuôi, trong đó thôn Phiêng Kham bị dịch nhiều nhất”, ông Đinh Văn Bình thông tin.

Mỹ Thanh là xã có đàn lợn lớn nhất huyện Bạch Thông với nhiều hộ chăn nuôi quy mô nông hộ. Trên địa bàn xã có một cơ sở chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại. Tổng đàn gia súc, gia cầm của xã là 21.136 con, trong đó đàn lợn 8.650 con, là xã có đàn lợn lớn nhất huyện Bạch Thông.

Năm 2023, Mỹ Thanh cũng dính dịch tại 6/7 thôn (gồm các thôn Nà Cà, Phiêng Kham, Bản Châng, Bản Luông, Khau Ca và Cây Thị), tổng trọng lượng tiêu hủy trên 3 tấn/99 con, trong đó 53 con thuộc Dự án lợn sinh sản.

UBND xã đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các hộ dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, phân công các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm thăm nắm, kiểm tra và thống kê toàn bộ đàn vật nuôi trên địa bàn từng thôn.

Cán bộ thú y tỉnh Bắc Kạn kiểm đếm lợn chết vì dịch bệnh trước khi đưa đi tiêu hủy. Ảnh: Ngọc Tú.

Cán bộ thú y tỉnh Bắc Kạn kiểm đếm lợn chết vì dịch bệnh trước khi đưa đi tiêu hủy. Ảnh: Ngọc Tú.

Bỏ hoang chuồng nuôi

Gương mặt u buồn, anh Triệu Phú Y là một trong những hộ có đàn lợn nuôi thuộc loại lớn nhất xã gồm 2 con lợn nái đẻ gây giống và gần chục con lợn thịt. Thời điểm tháng 4, đàn lợn gia đình anh bắt đầu có dấu hiệu bỏ ăn. Một thời gian sau, hai con lợn nái bị dịch chết phải đưa đi tiêu hủy. Hiện, gia đình anh Y đang nín thở chăm đàn lợn con được 3 tháng tuổi, vừa chăm vừa theo dõi.

“Sau khi có kết quả mẫu phân tích dương tính dịch tả lợn Châu Phi, tôi chủ động đi mua vacxin về tiêm đàn lợn con, một liều có giá 600.000 đồng tiêm được 10 mũi. Ngoài ra, gia đình tiến hành vệ sinh chuồng trại, rắc vôi bột, phun hóa chất khử khuẩn theo hướng dẫn và theo kinh nghiệm”, anh Y cho hay.

Cùng câu chuyện như gia đình anh Y, anh Triệu Văn Ngọc (thôn Phiêng Kham) có 3 con lợn thịt nuôi trong hai chuồng có vách ngăn riêng biệt, cũng mới bị chết, phải tiêu hủy để chống dịch. Khi chúng tôi đến, hai chuồng nuôi của gia đình anh Ngọc vẫn trắng xóa vôi bột.

“Chúng tôi vẫn chưa dám tái nuôi, để nghe ngóng xem tình hình như thế nào, bao giờ hết dịch mới dám nuôi trở lại. Hiện tại, chuồng nuôi lợn vẫn bỏ trống, làm chỗ nhốt mấy con gà”, vợ anh Ngọc cho hay.

Nhiều gia đình tại Bắc Kạn nuôi tạm vài con gà trong lúc chờ chưa biết khi nào dịch tả lợn Châu Phi kết thúc. Ảnh: Kiên Trung.

Nhiều gia đình tại Bắc Kạn nuôi tạm vài con gà trong lúc chờ chưa biết khi nào dịch tả lợn Châu Phi kết thúc. Ảnh: Kiên Trung.

Mỹ Thanh là xã thuần nông. Diện tích đất nông nghiệp chia theo khẩu rất ít, chăn nuôi mới chỉ mang tính chất tăng gia, tận dụng các phụ phẩm thừa và lấy phân chuồng để trồng trọt, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã vẫn còn ở 2 con số. Với những khó khăn trên, dịch tả lợn Châu Phi quét qua các thôn xóm của Mỹ Thanh khiến các hộ chăn nuôi điêu đứng.

“Không có gia đình nào không tuân thủ phương án phòng chống dịch do xã đề ra cả. Bà con chăn nuôi có lợn bị chết do dịch đều báo chính quyền để tổ công tác tới lập biên bản, đưa vào danh sách thống kê, cấp phát thuốc khử khuẩn, vôi bột… để vệ sinh chuồng trại, ngừa dịch, đào hố chôn tiêu hủy vật nuôi bị chết dịch theo đúng quy định. Bà con đều hiểu, nếu không báo cáo, tự ý thả trôi sông, vứt bỏ ra ngoài vừa ô nhiễm môi trường, vừa không nhận được tiền đền bù hỗ trợ của nhà nước về sau này”, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thanh Đinh Văn Bình xác nhận.

Không riêng Mỹ Thanh, nhiều xã trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đều đang điêu đứng vì dịch tả lợn Châu Phi càn quét. Hầu hết đàn nuôi của các hộ dính dịch đều đã chết và đưa đi tiêu hủy theo quy định, rất nhiều xã trắng không còn lợn nuôi. Lãnh đạo một số xã và người dân khi được hỏi đều chung một câu trả lời: “chưa biết bao giờ hết dịch”, và “chừng nào chết hết đàn lợn chừng đó… không còn dịch”.

Nhân viện Trạm kiểm dịch động vật phun thuốc khử khuẩn các phương tiện chở vật nuôi ra vào địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: K.Trung.

Nhân viện Trạm kiểm dịch động vật phun thuốc khử khuẩn các phương tiện chở vật nuôi ra vào địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: K.Trung.

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Mục (huyện Chợ Mới) Đinh Văn Huấn cho biết, địa phương này cũng là xã công bố có dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn từ tháng 5/2024. Theo đó, bệnh dịch phát hiện trên đàn lợn của các hộ nuôi từ cuối tháng 4 và lây lan sang các thôn bản. Tính đến đầu tháng 6, tổng số lợn dịch đưa đi tiêu hủy là 72 con, tương đương trên 3,6 tấn.

Báo cáo mới nhất của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn, 6 tháng đầu năm 2024, bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 2.830 hộ, 598 thôn, 96 xã thuộc 8 huyện, thành phố làm 13.087 con lợn chết, tiêu hủy với khối lượng 513.274kg. Số xã đã qua 21 ngày theo dõi kể từ khi có dịch là 10, số xã chưa qua 21 ngày gồm 84 xã, trong đó có 6 xã mắc lại lần 2. Hiện có hai xã duy nhất là Cốc Đán, Bằng Thành công bố hết dịch.

“Đến giờ, về cơ bản trong xã không còn con lợn nào. Xã làm tờ trình lên huyện xin cấp hóa chất, vôi bột để khử trùng, vệ sinh chuồng trại, đồng thời khuyến cáo người dân khi nào hết dịch mới tiếp tục tái nuôi để đảm bảo không bị thiệt hại về tài sản”. Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Mục Đinh Văn Huấn cho hay.

Xem thêm
Ngành chăn nuôi vẫn canh cánh nỗi lo 'xuất khẩu'

HÀ NỘI Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang canh cánh việc chưa thể xuất khẩu được nhiều sản phẩm.

Phòng trừ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ

SƠN LA Thiệt hại do sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây ra có thể lên tới 80 - 100% nếu không có các biện pháp quản lý hiệu quả.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...