| Hotline: 0983.970.780

Điểm sáng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Sáu 11/11/2022 , 07:58 (GMT+7)

Hiện nay, đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Vĩnh Long ngày càng được nâng cao, với 3/5 vùng được công nhận có trình độ kinh tế xã hội phát triển.

Tỉnh Vĩnh Long đã 3/5 vùng được công nhận vùng đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ kinh tế xã hội phát triển (vùng 1). Đó là các xã Đông Bình, Đông Thành (thị xã Bình Minh) và Loan Mỹ (huyện Tam Bình). Những năm qua, tỉnh có nhiều chính sách nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Qua đó, nhiều vùng đã có sự đổi thay vươn lên mạnh mẽ, trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Đường sá được đầu tư khang trang, các em học sinh đi học thuận tiện. Ảnh: Minh Đảm.

Đường sá được đầu tư khang trang, các em học sinh đi học thuận tiện. Ảnh: Minh Đảm.

Trở lại ấp Phù Ly 1 thuộc xã nông thôn mới Đông Bình, ấp có 301 hộ với 1.090 nhân khẩu, trong đó, đồng bào Khmer chiếm gần 95%, chúng tôi cảm nhận được sự trở mình của vùng đất khó ngày nào. Đường sá bây giờ rộng rãi, sạch đẹp. Tuyến đường liên xã là lộ nhựa trên 3m. Còn tuyến đường liên ấp, xóm cũng được bê tông hoá từ 2m đến 3,5m. Trường học tiểu học Phù Ly 1 rộng rãi, khang trang đáp ứng nhu cầu học tập của con em địa phương.

Nói về sự đổi thay của ấp, ông Vi Ti Va Lay, Trưởng ban nhân dân ấp cho hay: “Xây dựng nông thôn mới đã từng bước thay đổi diện mạo của địa phương. Cái dễ thấy nhất, giờ đây ít còn nhà dột. Hầu như nhà tường kiên cố hết. Công tác chăm lo nhà ở cho người dân địa phương rất được tỉnh quan tâm. Năm 2022, tỉnh mới vừa hỗ trợ ấp xây 7 căn nhà đại đoàn kết, mỗi căn hỗ trợ 50 triệu đồng. Người dân có chỗ ở ổn định đã tạo điều kiện chí thú làm ăn vươn lên trong cuộc sống”.

Nhà đại đoàn kết tỉnh Vĩnh Long vận động Tập đoàn Trung Nam hỗ trợ cho đồng bào dân tộc khó khăn về nhà ở. Ảnh: Minh Đảm.

Nhà đại đoàn kết tỉnh Vĩnh Long vận động Tập đoàn Trung Nam hỗ trợ cho đồng bào dân tộc khó khăn về nhà ở. Ảnh: Minh Đảm.

Hộ ông Thạch Thiên là một trong những hộ dân mới vừa được hỗ trợ xây dựng lại ngôi nhà mới. Nhà rộng 4m, dài 12, xây tường, mái lợp tôn khang trang. Anh Thiên vui mừng chia sẻ: “Gia đình không có đất sản xuất. Tôi làm hò ngày kiếm được hơn 200 ngàn đồng. Vợ thì làm dọn dẹp trong công ty ở gần cầu Cần Thơ. Thu nhập cũng chỉ đủ ăn, lo cho hai con ăn học còn thiếu thốn. Vợ chồng có được ngôi nhà nên mừng lắm”.

Còn ông Thạch Xa được biết đến là một trong những gương điển hình ở địa phương về tích cực sản xuất, chí thú làm ăn. Ra ở riêng nay đã trên 20 năm, từ 2 công ruộng ban đầu vợ chồng ông Xa đã thực hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả như: vay tiền mua máy cày cày thuê; lên rẫy trồng dưa leo; nuôi bò. Nhờ đó, gia đình tậu được cửa hàng kinh doanh gas, sửa sang lại ngôi nhà tường khang trang kiên cố. Hiện tại, ông Xa còn tự tìm tòi học hỏi mô hình sinh sản lươn giống với quy mô khoảng 6.000 con.

Cũng theo ông Vi Ti Va Lay cho biết thêm: “Bà con đang tích cực thực hiện các mô hình chuyển đổi sản xuất ngày càng hiệu quả hơn như: trồng chanh không hạt, trồng màu trên đất ruộng, mít…”. Hiện nay, ấp Phù Ly 1 chỉ còn 5 hộ nghèo, 35 hộ cận nghèo. Dự kiến cuối năm nay có 2 hộ được hỗ trợ thoát nghèo. Điện, nước đến từng hộ, không ai thiếu thốn. Qua đó có thể thấy đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao, rất phấn khởi.

Nông dân Thạch Xa (trái) được biết đến là một trong những gương điển hình ở địa phương về tích cực sản xuất, chí thú làm ăn. Ảnh: Minh Đảm.

Nông dân Thạch Xa (trái) được biết đến là một trong những gương điển hình ở địa phương về tích cực sản xuất, chí thú làm ăn. Ảnh: Minh Đảm.

Tỉnh Vĩnh Long có hơn 22 nghìn đồng bào Khmer, 5.000 đồng bào Hoa. Trong đó, đời sống của đồng bào Khmer ngày càng được nâng lên. Theo ông Thạch Dương, Trưởng ban dân tộc tỉnh Vĩnh Long cho biết: Những năm qua, công tác phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhất là, công tác hỗ trợ nhà ở, qua công tác xã hội hoá, đến nay cơ bản đã đáp ứng. Vùng đồng bào dân tộc cơ bản đã đáp ứng được vấn đề hạ tầng: đường sá, trường học, trạm y tế,… đã đạt chuẩn.

Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Vĩnh Long đã cụ thể Quyết định 1719 của Thủ tướng Chính phủ bằng Quyết định số 1494/QĐ-UBND để phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, với nguồn vốn trên 65 tỷ đồng (ngân sách trung ương gần 52 tỷ đồng). Qua đây, tỉnh sẽ thực 8 dự án nhằm giải quyết tình trạng thiếu nhà ở, nước sinh hoạt; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống người dân; phát triển giáo dục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Gạo ST25 được phân hạng tiềm năng OCOP 5 sao

Sóc Trăng Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức chấm điểm, phân hạng OCOP 5 sao đối với sản phẩm Gạo thơm ST25 của huyện Trần Đề.