| Hotline: 0983.970.780

Điểm sáng xử lí rác thải tại gia

Thứ Năm 08/06/2017 , 07:25 (GMT+7)

Với mục tiêu ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và suy thoái môi trường nông thôn, qua đó thay đổi tập quán, nhận thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường...

Từ một địa phương được đánh giá là “nhức nhối” về rác thải, sau khi xây dựng và đưa vào vận hành dự án xử lí rác thải, nước thải, đến nay xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đã cơ bản giải quyết được vấn đề về rác. Môi trường trong sạch, nhân dân phấn khởi trong khi dự án được đánh giá là khả quan, có thể nhân rộng.

07-51-11_img_7474
Một mô hình xử lý rác thải tại gia

Với mục tiêu ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và suy thoái môi trường nông thôn, qua đó thay đổi tập quán, nhận thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là ở địa bàn có trên 96% tổng dân cư là bà con dân tộc Thái, xã Châu Cường đã xây dựng đề án mô hình xử lí rác thải, nước thải sinh hoạt trên địa bàn toàn xã, vừa tạo nguồn phân hữu cơ cho cây trồng, vừa nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường.

Theo đó, từ năm 2016, xã Châu Cường đã giao cho Đoàn Thanh niên chủ trì, tiến hành xây dựng đề án xử lý rác thải, với hệ thống xử lý rác tại gia, trong đó từng hộ gia đình sẽ được cấp kinh phí để xây dựng các hố xử lý rác thải và nước thải theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật được thiết kế. Cùng với đó, tại các xóm bản trung tâm, sẽ tiến hành lắp biển báo, pa-nô truyên truyền, đồng thời xử lí các phụ phẩm hóa chất, thuốc BVTV ngoài đồng ruộng.

Theo dự toán của chủ đầu tư là UBND xã Châu Cường, thì dự án có tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng. Đề án sau khi trình lên, đã được đoàn công tác của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) Trung ương thẩm định, phê duyệt kinh phí với số tiền 400 triệu đồng, UBND tỉnh Nghệ An hỗ trợ 100 triệu đồng để thực hiện giai đoạn 1. Ngay sau khi được phê duyệt, UBND xã Châu Cường đã tổ chức tập huấn cho hàng trăm hộ trong toàn xã về các biện pháp phân loại, xử lý chất thải, rác thải trong sinh hoạt.

Đồng thời, thực hiện việc xây dựng và lắp đặt hệ thống xử lí rác thải, nước thải tại 5 xóm bản, với 311 hố xử lí rác thải và 300 hố ga chứa nước thải, được đặt tại các hộ gia đình, trong đó có 2 cái tại trạm y tế và khuôn viên trụ sở UBND xã Châu Cường. Trong đó, đối với rác hữu cơ, sau khi đốt, xử lí sẽ tận dụng lấy tro ủ làm phân bón thay cho phân chuồng và các loại phân độc hại khác. Đối với rác vô cơ thì tiến hành thu gom, chôn lấp.

Để giúp người dân, dự án cũng đã hỗ trợ cho các hộ dân kinh phí để triển khai. Theo đó, mỗi hộ dân khi xây dựng hố rác thải và hố xử lí nước thải, được hỗ trợ 420.000 đồng. Đến thời điểm hiện nay, giai đoạn 1 của dự án đã triển khai cơ bản đến tất cả các hộ dân thuộc 5 xóm bản. Để mục sở thị, Chủ tịch UBND xã Châu Cường Lưu Xuân Điểm đã đưa chúng tôi đi thị sát tại một số hộ gia đình ở bản Đồng Tiến và bản Nhang.

Ông Vi Thanh Toàn, trú tại bản Đồng Tiến cho biết gia đình ông được cấp thiết bị, hỗ trợ tiền nên đã triển khai xây xong hố xử lí rác thải, đã đưa vào sử dụng. Hiện ông đang tiếp tục xây dựng 2 hố ga xử lí nước thải ngay trong khuôn viên gia đình. “Dự án rất hiệu quả, trước đây rác vứt bừa bãi khắp nơi, từ trong nhà ra ngõ, gom lại cũng chẳng biết đổ ở đâu. Từ khi xây dựng và đưa vào vận hành điểm xử lí rác, mọi vấn đề đã được giải quyết”, ông Toàn phấn khởi cho biết. Theo đó, cứ khoảng 3 - 5 ngày, ông tổ chức đốt một lần để lấy tro bón ruộng.

Không chỉ xây dựng tại các hộ gia đình, trên các tuyến đường liên thôn, liên xóm và đường dẫn ra cánh đồng, dự án còn lắp đặt hệ thống thùng gom rác để bà con tự nguyện bỏ rác vào, sau đó tổ liên gia sẽ tiến hành thu gom, tiêu hủy. "Dự án cũng đã giải quyết được các vỏ chai, vỏ bao bì thuốc BVTV trên các cánh đồng. Trước đây, sau khi phun thuốc xong, bà con vứt các loại bao, chai lọ ra. Nay thông qua việc đặt các thùng gom rác, mọi người đã tự nguyện bỏ rác vào nên đồng ruộng rất sạch sẽ sau mỗi mùa vụ”, ông Lưu Xuân Điểm cho biết thêm.

Được biết, dự án xử lí rác thải, nước thải trên địa bàn xã Châu Cường, được Văn phòng điều phối xây dựng NTM Trung ương phê duyệt kinh tế kĩ thuật và hỗ trợ kinh phí để tổ chức thực hiện. Theo đánh giá, mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, sau khi triển khai có hiệu quả sẽ nhân rộng ra nhiều địa phương khác.

 

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hỗ trợ vật tư cho vùng măng tây lớn nhất Ninh Thuận

NINH THUẬN 08 hộ dân thực hiện mô hình trồng thâm canh cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ tại xã An Hải (huyện Ninh Phước) được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV...