| Hotline: 0983.970.780

Điện gió Amaccao vùi lấp ruộng lúa, chính quyền cần thể hiện trách nhiệm với dân

Thứ Hai 16/05/2022 , 17:43 (GMT+7)

Dự án Nhà máy điện gió Amaccao của Công ty CP Điện gió Khe Sanh vùi lấp đất lúa nhưng UBND thị trấn Khe Sanh không thống kê, báo cáo cấp trên.

Câu chuyện trên đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền các địa phương tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Thực chất, có bao nhiêu đất sản xuất của người dân đã bị ảnh hưởng từ các dự án điện gió nói chung và Dự án Điện gió Amaccao nói riêng?

Trên 2,7 ha ruộng lúa, rau màu, ao cá tại khóm 6 thị trấn Khe Sanh bị Dự án Điện gió Amaccao vùi lấp. Ảnh: Võ Dũng.

Trên 2,7 ha ruộng lúa, rau màu, ao cá tại khóm 6 thị trấn Khe Sanh bị Dự án Điện gió Amaccao vùi lấp. Ảnh: Võ Dũng.

Ruộng lúa, ao cá bị vùi lấp

Con đường dẫn đến ruộng lúa của người dân khóm 6 thị trấn Khe Sanh (Hướng Hóa, Quảng Trị) vốn dĩ đã khó đi lại nay lại càng khó khăn hơn bởi trận mưa trái vụ cuối tháng 3, đầu tháng 4 kéo theo đất, đá từ chân các trụ điện gió của Dự án Điện gió Amaccao tràn lấp. Chân các trụ điện gió của Amaccao sau khi thi công không được trồng cây, phủ lưới chống xói mòn như cam kết, gây xói lở nghiêm trọng các tuyến đường. Đất đá tràn xuống vùi lấp ruộng lúa và ao nuôi cá của 38 hộ dân khóm 6 với tổng diện tích trên 2,7 ha.

Suối La Va bị vùi lấp, những đập tràn không còn đủ nước lấy vào ruộng lúa. Ảnh: Võ Dũng.

Suối La Va bị vùi lấp, những đập tràn không còn đủ nước lấy vào ruộng lúa. Ảnh: Võ Dũng.

Phía trên các ngọn đồi, các tuabin điện gió vẫn quay vù vù. Trong khi đó, người dân đang đứng trước nguy cơ mất hết tư liệu sản xuất và ảnh hưởng đến sinh kế lâu dài.

Với địa hình miền núi phức tạp, chia cắt, đất sản xuất hiếm hoi, lâu nay đồng bào các dân tộc Bru Vân Kiều, Cơ Tu tận dụng diện tích nằm dọc khe suối La Va để trồng lúa, hoa màu và nuôi cá. Thời điểm đầu tháng 5, lúa đã trỗ đòng nhưng bị đất đá trôi xuống sau trận mưa trái vụ cuối tháng 3 đầu tháng 4/2022 vùi lấp ngang cổ bông. Nhiều thửa ruộng bị xóa sổ hoàn toàn, tạo thành hào, rãnh ngay giữa chân ruộng. Trước đây, người trồng lúa ngăn dòng suối La Va để lấy nước vào ruộng nhưng con suối trong xanh hiền hòa ngày nào nay cũng bị vùi lấp. Những dòng nước chảy le re đỏ đục men theo chân núi không đủ để dẫn vào ruộng phục vụ sản xuất. Nhiều lần người dân đã nạo vét nhưng sau những trận mưa, mặt suối lại bị san phẳng. Vì thế, những ruộng lúa dù ở cạnh khe suối đang trỗ bông nhưng vẫn khô khốc, nứt nẻ.

Một người dân nhặt một con lươn đã chết nói với chúng tôi, ngày trước khe suối này rất nhiều tôm cá nhưng nay gần như tuyệt diệt. Mặt suối bị san phẳng kéo theo đất đá khiến các vòi dẫn nước vào ruộng cũng bị lấp tịt, năng suất lúa vì thế được dự đoán sẽ giảm sút; cái ăn trước mắt của nhiều hộ dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nước chảy vào các ao nuôi cá cũng đầy cát sạn, vùi lấp nhiều diện tích.

Theo thống kê của UBND thị trấn Khe Sanh, trong đợt mưa lũ cuối tháng 3 đầu tháng 4/2022, 38 hộ dân khóm 6 đã bị vùi lấp 2,7919 ha ruộng lúa, hoa màu và ao nuôi cá. Đây đều là diện tích đất nông nghiệp được chia theo Nghị định 64 của Chính phủ, nằm ngoài phạm vi Dự án Điện gió Amaccao. Thực trạng này đang đặt người dân trước những khó khăn, hệ lụy về sinh kế lâu dài.

Có những thửa ruộng bị san phẳng. Ảnh: Võ Dũng.

Có những thửa ruộng bị san phẳng. Ảnh: Võ Dũng.

Nhưng liệu đó đã phải là con số thống kê cuối cùng về diện tích đất sản xuất bị vùi lấp bởi Dự án Điện gió Amaccao của Công ty CP Điện gió Khe Sanh?

Chính quyền thiếu trách nhiệm với miếng cơm manh áo của người dân

Mặc dù UBND huyện Hướng Hóa đã gửi công văn đề nghị các xã, thị trấn thống kê thiệt hại sau đợt mưa lũ cuối tháng 3, đầu tháng 4 nhưng theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hướng Hóa, chỉ có một vài đơn vị báo cáo và đều không có thiệt hại gì.

Những thửa ruộng khô khốc, lúa trỗ le te vì thiếu nước. Ảnh: Võ Dũng.

Những thửa ruộng khô khốc, lúa trỗ le te vì thiếu nước. Ảnh: Võ Dũng.

Thế nhưng, UBND thị trấn Khe Sanh lại có danh sách chi trả, hỗ trợ hoa màu, lúa, ao cá với giá chi trả, hỗ trợ là 8 nghìn đồng/m2 cho thiệt hại của năm 2020 và 2021. Theo đó, 38 hộ dân được chi trả tổng số tiền 223.355.200 đồng.

Một số hộ dân cho rằng, đây không phải là hỗ trợ mà là đền bù những thiệt hại do Dự án Điện gió Amaccao gây ra năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, những thiệt hại trong năm 2022 thì ai sẽ là người đền bù? Giá đền bù như vậy, theo các hộ dân là quá thấp. Điều quan trọng là Công ty CP Điện gió Khe Sanh phải khắc phục để sau này không xẩy ra sự việc tương tự. Chính vì suy nghĩ như vậy, một số hộ dân đã không đồng ý và đến nay vẫn chưa ký nhận tiền.

Ông Nguyễn Xuân Hữu, Chủ tịch UBND thị trấn Khe Sanh đổ lỗi cho các thôn bản không báo lên: “Đúng là có sự sơ suất khi thị trấn không báo lên huyện về tình hình thiệt hại của địa phương. Tuy nhiên, đây là do các thôn, bản không báo lên nên khi chúng tôi đi nắm tình hình mới biết. Thời điểm này báo lên huyện thì đã muộn”.

Khi chúng tôi hỏi, mất tư liệu sản xuất, người dân sẽ lấy gì để phát triển kinh tế và lo cho cái ăn trước mắt? Ruộng lúa, ao cá, hoa màu bị vùi lấp. Số tiền hỗ trợ đó chỉ đủ để cải tạo lại ruộng lúa. Nhưng khi cải tạo xong, mưa lũ lại tiếp tục san lấp thì người dân sẽ mất hết tư liệu sản xuất, sinh kế của người dân sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Ông Hữu ấp úng không trả lời được.

Đất, đá từ các chân cột điện gió Amaccao vẫn không ngừng tràn xuống những ruộng lúa dọc suối La Va. Ảnh: Võ Dũng.

Đất, đá từ các chân cột điện gió Amaccao vẫn không ngừng tràn xuống những ruộng lúa dọc suối La Va. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Hoàng Đình Bình, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hướng Hóa rất bất ngờ vì trên địa bàn có thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp trong đợt mưa lũ vừa qua: “Ngày 4/4 chúng tôi đã có công văn gửi UBND các xã, thị trấn yêu cầu kiểm tra, thống kê thiệt hại do mưa lũ nhưng chỉ được một vài đơn vị báo cáo và không có thiệt hại gì. Nếu xã, thị trấn nào có thiệt hại mà không báo cáo thì trách nhiệm thuộc về địa phương thôi (xã, thị trấn – PV), chúng tôi cũng không thể biết được ở dưới địa phương họ bị thiệt hại như thế nào nếu không nhận được báo cáo”.

Điều khiến ông Bình lo lắng là với cách “hỗ trợ, chi trả” của Amaccao nhưng chưa khắc phục các sự cố thì việc sạt lở, vùi lấp vẫn sẽ tiếp tục. Mặc dù diện tích bị vùi lấp nằm ngoài phạm vi dự án nhưng khi người dân đã nhận tiền “hỗ trợ, chi trả” thì những mùa sau nếu tiếp tục bị vùi lấp liệu có được nhận tiền tiếp hay không?

Chân cột điện gió không được trồng cây, không phủ lưới như cam kết là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xói mòn, gây vùi lấp ruộng lúa. Ảnh: Võ Dũng.

Chân cột điện gió không được trồng cây, không phủ lưới như cam kết là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xói mòn, gây vùi lấp ruộng lúa. Ảnh: Võ Dũng.

Khi nhắc đến trách nhiệm trong việc bồi thường, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dự án do Công ty CP Điện gió Khe Sanh đang triển khai, ông Đặng Trọng Vân, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cũng lắc đầu ngán ngẩm.

Theo ông Vân, với việc sinh kế của người dân bị ảnh hưởng do các dự án điện gió gây ra, thời gian tới, UBND huyện sẽ cố gắng để lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ người dân khôi phục và phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

Bao nhiêu đất nông nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi các dự án điện gió?

Tại Hướng Hóa đã và đang triển khai 31 dự án điện gió, trong đó có 19 dự án đã vận hành. Với việc thông tin thiệt hại do Dự án Điện gió Amaccao bị dấu bặt, chính quyền và ngành chức năng nắm lơ mơ, thiếu trách nhiệm, dư luận đặt câu hỏi, liệu con số thiệt hại do các dự án điện gió gây ra là bao nhiêu và ảnh hưởng như thế nào đến đời sống, sinh kế lâu dài của người dân?

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất