Năm 2021, ngành nông nghiệp Hà Nội đã tập huấn cho 2.000 nông dân trực tiếp sản xuất về tác hại của chuột, quy luật hoạt động, đặc tính, thói quen của chuột và hướng dẫn các biện pháp diệt chuột. Bên cạnh đó, Chi cục cũng tiến hành phổ biến nông dân cách đặt bẫy bán nguyệt không cần mồi, cách làm mồi và đặt mồi bằng thuốc có chứa hoạt chất Warfarin....
Kết quả, vụ xuân 2021 này, Hà Nội đã diệt được gần 2,5 triệu con chuột. Nhờ vậy, trước diệt chuột, diện tích cây trồng bị chuột gây hại trên 594 ha, nhưng sau khi diệt chuột giảm còn 146ha, giảm 24,6%.
Theo ông Nguyễn Văn Thuần, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội, thực hiện Chỉ thị số 9864/CT-BNN-BVTV của Bộ NN-PTNT và Kế hoạch số 110/KH-UBND của UBND TP. Hà Nội về kế hoạch diệt chuột bảo vệ sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, Sở NN-PTNT Hà Nội đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV xây dựng kế hoạch số 2155/KH-TTBVTV ngày 14/12/2020 về việc diệt chuột bảo vệ sản xuất vụ xuân năm 2021.
Ngay sau đó, Chi cục trồng trọt và BVTV Hà Nội đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức công tác diệt chuột bảo vệ sản xuất nông nghiệp và sức khỏe cộng đồng trên địa bàn thành phố.
Chi cục cũng tiến hành tham mưu Sở NN-PTNT kế hoạch, thời gian, tổ chức mua thuốc diệt chuột cấp phát cho các địa phương thực hiện các đợt diệt chuột. Ban hành công văn số 480/SNN-TTBVTV ngày 1/3/2021 về việc chủ đông phòng trừ chuột hại cây trồng vụ xuân 2021.
Đến nay, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã ban hành hướng dẫn biện pháp phòng trừ chuột vụ xuân năm 2021. Chỉ đạo các trạm, nhân viên trạm trồng trọt và BVTV cấp huyện, xã tham mưu UBND huyện, xã xây dựng kế hoạch, ban hành quyết định thành lập ban chỉ đạo công tác diệt chuột năm 2021.
Bên cạnh đó, tuyên truyền các thời điểm, biện pháp diệt chuột an toàn, hiệu quả và tổ chức thực hiện các đợt diệt chuột đồng loạt theo sự chỉ đạo của thành phố bằng thuốc chết chậm có hoạt chất Warfarin, các thời điểm khác áp dụng nhiều biệt pháp diệt chuột thủ công như bẫy bán nguyệt, đào bắt, đập, vợt…
Tất cả 23/23 quận, huyện, thị xã có sản xuất nông nghiệp đều đã ban hành kế hoạch và quyết định thành lập ban chỉ đạo về công tác diệt chuột bảo vệ sản xuất nông nghiệp năm 2021.
Trong chiến dịch diệt chuột đã có trên 5.000 người được tập huấn và 787 giờ phát trên loa truyền thanh về thời điểm diệt chuột và hướng dẫn các biện phát diệt chuột an toàn, hiệu quả.
Năm 2021 này, Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội tiếp tục triển khai 40 lớp tập huấn nâng cao nhận thức trong công tác phòng trừ chuột cho người trực tiếp sản xuất tại 23 quận, huyện, thị xã có sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội, công tác chỉ đạo diệt chuột của Hà Nội rất thuận lợi bởi sự quan tâm từ thành phố đến cơ sở. Các địa phương đều chủ động xây dựng kế hoạch và đầu tư kinh phí để thực hiện công tác diệt chuột.
Hệ thống nhân viên BVTV cấp xã là lực lượng chính tham mưu với chính quyền địa phương, phối hợp với HTX tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn và thực hiện các chiến dịch diệt chuột.
Tuy nhiên, do vụ đông xuân 2020-2021 ấm, điều kiện thuận lợi cho chuột chuyển nguồn từ năm trước tích lũy số lượng gây hại cây trồng ở năm sau. Thời vụ gieo trồng của các địa phương không tập trung là điều kiện thuận lợi cho chuột di cư và phục hồi quần thể nhanh.
Bên cạnh đó, một số huyện, xã chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa gắn trách nhiệm của các hộ sản xuất đa canh, của các doanh nghiệp với công tác diệt chuột. Diện tích đất thu hồi làm dự án, khu công nghiệp, khu đô thị bị bỏ trống, đất xen kẹp, chuyển đổi sang sản xuất đa canh, diện tích đất nông dân bỏ hoang không gieo cấy ngày càng tăng là nơi thuận lợi cho chuột cư trú và phát triển bầy đàn. Mội số địa phương rải mồi bả không đúng kỹ thuật dẫn đến hiệu quả diệt chuột không cao.
Do đó, Chi cục Trồng trọt và BVTV kiến nghị Thành phố Hà Nội tiếp tục hỗ trợ thuốc, mồi làm bả cho các chiến dịch diệt chuột đồng loạt toàn thành phố cùng một thời điểm.
Tổ chức mô hình diệt chuột bằng bẫy bán nguyệt ở những xã có diện tích xen kẹt, bỏ hoang, chuyển đổi sang đa canh lớn trên địa bàn thành phố. Tăng cường công tác tập huấn cho nông dân trực tiếp sản xuất về tác hại của chuột.
Ngoài các đợt diệt chuột tập trung, Chi cục kiến nghị nên tiến hành diệt chuột bằng bẫy bán nguyệt trong khu dân cư và tại các diện tích sản xuất đa canh để hạn chế thiệt hại do chuột gây ra.