| Hotline: 0983.970.780

Diệt chuột từ đầu vụ

Thứ Tư 24/06/2020 , 09:10 (GMT+7)

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định, tập trung diệt chuột ngay từ đầu vụ là việc làm cần thiết của ngành nông nghiệp và các địa phương.

Người dân Nam Định diệt 'giặc' chuột bằng phương pháp thóc đã qua ngâm ủ, để nảy mầm trộn với thuốc diệt chuột. Ảnh: Mai Chiến.

Người dân Nam Định diệt "giặc" chuột bằng phương pháp thóc đã qua ngâm ủ, để nảy mầm trộn với thuốc diệt chuột. Ảnh: Mai Chiến.

Kế hoạch vụ mùa 2020, toàn tỉnh Nam Định gieo cấy 73.300ha lúa với cơ cấu giống như lúa lai (gồm CT16, Bắc ưu 903 KBL, TX 111…), lúa thuần (gồm TBR 279, BC 15 kháng đạo ôn, M1-NĐ, LP 5, Nếp 97, Lộc Trời 183…), lúa đặc sản (gồm Nếp bắc, Tám xoan, Dự, Nếp cái hoa vàng).

Nam Định đặt mục tiêu năng suất bình quân ≥ 50 tạ/ha. Sản lượng ước đạt 376.000 tấn, trong đó có 250.000 tấn lúa chất lượng cao.

Vụ mùa năm nay, bên cạnh việc thực hiện tốt phương châm gieo cấy “càng sớm - càng tốt” để tránh mưa, bão thì việc xử lý “giặc” chuột ngay từ đầu vụ cũng đang được các địa phương thực hiện ráo riết.

Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định cho biết, chuột là đối tượng sinh sản nhanh, kết hợp điều kiện biến đổi khí hậu nhiệt độ trung bình có xu hướng tăng; cây trồng đa dạng xen canh, gối vụ cùng với tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp ngày càng nhiều là điều kiện thuận lợi cho chuột sinh sản phát triển quần thể nhanh, khả năng gây hại mạnh trong vụ mùa 2020.

Các địa phương trong tỉnh đã tích cực tổ chức diệt chuột trong vụ mùa 2019, nhưng vẫn có 522ha lúa bị chuột gây hại, cao hơn gấp 4 lần so với vụ mùa 2018, trong đó diện tích hại nặng là 47ha. Do vậy, tập trung diệt chuột ngay từ đầu vụ là việc làm cần thiết của ngành nông nghiệp và các địa phương.

Để chủ động phòng chống, giảm tới mức thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra, bảo vệ SX nông nghiệp vụ mùa 2020; Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định yêu cầu các địa phương thực hiện diệt chuột thường xuyên nhưng cần xác định các đợt cao điểm (nhất là đợt diệt chuột ở đầu vụ) để phát động chiến dịch diệt chuột đồng loạt nhằm đạt hiệu quả cao.

Diệt chuột bằng nhiều hình thức; kết hợp nhiều biện pháp (hoá học, sinh học, thủ công), trong đó biện pháp sinh học (sử dụng bả diệt chuột sinh học Biorat) vả thủ công (sử dụng các loại bẫy kẹp vạn năng, bẫy sập, bẫy hom, bẫy dính hoặc soi đèn, đào bắt, hun khói, đổ nước…) là chủ yếu.

Ngoài ra, vệ sinh đồng ruộng, phát quang bờ, bụi rậm, gò đống, ruộng bỏ hoang… phá nơi cư trú của chuột. Tuyệt đối không dùng thuốc cấm, dùng điện và các biện pháp dễ gây nguy hiểm cho người, vật nuôi để diệt chuột.

“Tập trung diệt chuột vào 2 đợt: Khi đưa nước vào làm đất đến khi gieo cấy lúa (từ ngày 20/6 - 5/7) và sau khi gieo cấy xong đến khi lúa đứng cái (phân hóa đòng, từ ngày 25/7 - 15/8)”, đại diện Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định khuyến cáo.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.