Sáng 10/6, thông tin từ UBND tỉnh Cà Mau cho biết, đơn vị vừa nhận được văn bản từ Cục Đường thủy nội địa gửi, văn bản khẳng định hành lang bảo vệ luồng tại trụ tuabin số 6 và 7 của công trình (đang xây dựng, thuộc công trình điện gió Tân Thuận, Cà Mau) không đảm bảo quy định của Thông tư số 02/2019/TT - BCT của Bộ Công thương về hành lang an toàn của cột tháp gió.
Đại điện, Công ty Cổ phần Đầu tư năng lượng tái tạo Cà Mau (chủ đầu tư công trình điện gió Tân Thuận) cam kết sẽ điều chỉnh trụ tuabin số 6 và số 7 về phía bờ với khoảng cách lần lượt là 50m và 23m để đảm bảo hành lang an toàn của cột tháp gió.
Đồng thời, mở rộng khoảng cách các giữa trụ tuabin số 4 và số 5 lên 600m và thực hiện các giải pháp như lắp đặt thiết bị báo hiệu, chủng loại, màu sắc và tín hiệu giao thông đường thủy theo đúng quy định.
Trước đó, nhiều ngư dân tại Bạc Liêu phản ánh trụ tuabin gây ảnh hưởng đến luồng lạch di chuyển phương tiện khai thác truyền thống bao đời của người dân, nhất là vào những lúc sóng to, gió lớn, đặc biệt nguy hiểm khi ảnh hưởng mưa bão.
Trước đó, sáng 16/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cùng các ngành của tỉnh và tỉnh Bạc Liêu tiến hành khảo sát hiện trạng, làm việc với các bên liên quan. Đến ngày 20/5, các bên đi đến thống nhất dừng thi công 2 trụ tua bin số 6 và số 7 trước khi có kết quả đánh giá chính thức từ các cơ quan chuyên môn.
Nhà máy điện gió Tân Thuận (tại xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi) được khởi công vào ngày 27/12/2019, giai đoạn 1 do Cty Cổ phần Đầu tư Năng lượng tái tạo tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 2 (PECC2) đảm nhận thi công.
Nhà máy có công suất 75MW với 18 tuabin gió theo công nghệ hiện đại, thiết bị có xuất xứ châu Âu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả hoạt động lâu dài. Tổng mức vốn đầu tư 2.950 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành phát điện trong quý III/2021, cung cấp khoảng 220 triệu kWh/năm.
Đây là nhà máy điện năng lượng tái tạo, sử dụng công nghệ hiện đại đầu tiên trên địa bàn, là công trình có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi nói riêng và tỉnh Cà Mau nói chung.
Cà Mau là một trong những tỉnh của ĐBSCL có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng tái tạo. Theo quy hoạch được phê duyệt, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, Cà Mau phát triển năng lượng gió lên 3.600MW; điện mặt trời nối lưới điện quốc gia khoảng 1.500MW; điện sinh khối (điện gỗ, điện đốt rác) khoảng hơn 60MW…