| Hotline: 0983.970.780

Điều hành ngân sách hai năm qua chưa khoa học

Thứ Tư 25/10/2017 , 06:01 (GMT+7)

Trong phiên thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH và ngân sách Nhà nước năm 2017, nhiệm vụ năm 2018 vào sáng ngày 24/10, nhiều ĐBQH ghi nhận những kết quả đáng mừng của ngành NN-PTNT.

Các ý kiến cho rằng, SXNN năm nay có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn năm ngoái.
 

Nông nghiệp tăng trưởng đột phá

Ông Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho hay, nếu như 6 tháng đầu năm 2016 SXNN tăng trưởng âm, trầy trật mãi đến tháng 9 tăng trưởng dương mới trở lại 0,5%. Trong khi đó, 9 tháng đầu năm nay, tăng trưởng của ngành nông nghiệp đã đạt 2,7%.

16-05-01_db_do_trong_hung_pht_bieu_ti_tho_lun_to
ĐB Đỗ Trọng Hưng phát biểu tại thảo luận tổ về tình hình KT – XH

“Với đà tăng trưởng này, dự kiến toàn ngành nông nghiệp tăng trưởng 3% trong năm nay là không khó nếu có sự quyết tâm cao độ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ ngành, địa phương. Mặc dù thiên tai dày xéo nhiều vùng, gây thiệt hại nặng nề trong năm nay nhưng nhìn tổng thể SXKD của toàn ngành nông nghiệp cho đến thời điểm này là khá ổn”, ông Hưng nói.

Điều mà ĐB Đỗ Trọng Hưng lo lắng nhất hiện nay là các biện pháp khắc phục hậu quả mưa lũ và giải quyết vấn đề môi trường tại các khu dân cư sau khi nước lũ rút. Theo ông Hưng, sau khi nước lũ rút, cuộc sống của người dân vùng lũ bị đảo lộn, khó khăn, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. ĐB Hưng kiến nghị Bộ TN-MT và Bộ Y tế cần cử cán bộ chuyên môn và hỗ trợ thuốc men giúp người dân vùng lũ, nhất là xử lý các giếng nước, các ổ dịch.

“Nếu để xảy ra dịch bệnh ở vùng lũ, người dân càng khó khăn thêm. Trong nhà có một người ốm, bị bệnh lúc này là từ giàu thành cận nghèo, từ cận nghèo sẽ nghèo và từ nghèo sẽ kiệt quệ luôn”, ĐB Hưng lo lắng.

Một vấn đề khác cũng được ĐB Đỗ Trọng Hưng nêu lên đó là tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của các hồ, đập thủy lợi. Theo ông Hưng, qua trận lũ vừa qua cho thấy sức chịu đựng áp lực nước của các công trình thủy lợi là quá yếu. Hầu hết các công trình xây dựng cách đây 30 – 40 năm rồi nên khi có mưa lớn uy hiếp tính mạng, tài sản người dân.

16-05-01_ong_do_trong_hung_v_bo_truong_trn_hong_h
Ông Đỗ Trọng Hưng và Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà trong lần về với người dân vùng lũ huyện Thạch Thành (Thanh Hóa)

Đồng tình với nhận định tình hình SXNN của ông Hưng, ĐB Đinh Văn Nhã (Phú Yên) cho rằng, bức tranh kinh tế năm nay khác với năm ngoái, các cực tăng trưởng nó đảo chiều. Năm ngoái công nghiệp giá trị sử dụng cao hơn, năm nay thấp hơn năm ngoái. Nông nghiệp năm ngoái 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm, năm nay, tăng trưởng đến giờ đạt 2,7%. Nông nghiệp năm nào tăng trưởng từ 2,5 – 3% là khá lắm, đột phá lắm rồi.
 

Đau xót vì tiến độ giải ngân chậm

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Đinh Văn Nhã, để tăng trưởng kinh tế năm nay GDP đạt 6,7% là rất khó. Vậy thì đánh giá giữa các yếu tố phục vụ cho tăng trưởng, trụ cột vẫn là tiền tệ và tài khóa.

Ông Nhã cho rằng, thực tế tác động của chính sách tài khóa để đảm bảo cho tăng trưởng rõ ràng không lớn; nguồn ngân sách nhà nước mới giải ngân cho đầu tư được 53%; trái phiếu Chính phủ mới được 7%. Vẫn còn dư, chưa phân bổ được.

Theo ĐB Nhã, nếu năm sau có điều chỉnh được điều này thì cũng sẽ chậm. Bởi vì vốn ngân sách là vốn mồi. Phải là bóng đèn cao áp lớn chứ như đèn dầu thế này thì sẽ ảnh hưởng lớn. Tài khóa là động lực là vốn mồi cho kích cầu phát triển.

Điều này cũng được ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng điều hành ngân sách hai năm qua chưa khoa học. Vốn giải ngân trong đầu tư phát triển chưa đạt 53%, đau xót nhất là nguồn vốn trái phiếu Chính phủ mới giải ngân được 7% (còn 135 ngàn tỷ đang ở kho bạc, trong khi lãi suất chúng ta vẫn phải trả 6,3%). Không giải ngân được, phát hành trái phiếu không thực hiện được thì không kích cầu cho phát triển.

“Hoài nghi” về số liệu báo cáo của Chính phủ, đại diện Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội băn khoăn trước việc vì sao cả năm có 11 chương trình mục tiêu nhưng đến nay 4 chương trình vẫn chưa được phê duyệt. Trong 7 chương trình được duyệt thì cũng mãi đến tháng 6 mới có quyết định. Liệu các tháng còn lại có triển khai được không?

“Vốn không giải ngân được, chương trình chưa được phê duyệt hoặc phê duyệt muộn mà các chỉ tiêu phấn đấu cũng đạt và vượt là sao? Nghe có vẻ không thuyết phục lắm. Trong báo cáo Chính phủ nói giảm nghèo đa chiều được 3%. Trên thực tế giảm nghèo như trước đây cũng chỉ được 2% vậy thì giảm nghèo đa chiều điều kiện đòi hỏi khắt khe hơn, cao hơn vậy mà báo cáo 3% như thế liệu có sát với thực tế không? Tôi cho rằng, cái này không thực tế. Cái này tôi không tin”, ĐB Đinh Văn Nhã quả quyết.

Ngoài ra, bài toán Quốc hội giao cho Chính phủ bán vốn nhà nước tại các Tổng Cty phải đạt 50 ngàn tỷ đồng nhưng theo báo cáo mới bán được 12 ngàn tỷ (trong đó có 10 ngàn tỷ của năm ngoái chuyển sang). Vậy liệu từ giờ đến cuối năm có bán được 30 – 40 ngàn tỷ đồng nữa không?

Chi 14.354 tỷ đồng khi chưa được phê duyệt, ai chịu trách nhiệm?

Có một vấn đề được Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Đinh Văn Nhã nêu ra tại thảo luận tổ khiến các ĐB và báo giới giật mình, đến Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (ĐB tỉnh Thanh Hóa) cùng dự phải thốt lên rằng, có nằm trong chăn mới biết chăn có rận. Hội trường có tiếng cười.

16-05-01_ong_dinh_vn_nh_hoi_i_chiu_trch_nhiem_khon_chi_14534_ty_khi_chu_duoc_phe_duyet
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Đinh Văn Nhã (phải) nêu câu hỏi, ai chịu trách nhiệm trong việc chi 14.354 tỷ đồng?

Ông Nhã nói, việc lớn năm 2017 này là Chính phủ có đề nghị vốn trái phiếu Chính phủ không giải quyết hết (còn 37 ngàn tỷ đồng), trong khi vốn ODA trong cả nước giải ngân từ 2016 về trước đã giải ngân rồi (14.354 tỷ) chưa được ghi kế hoạch vốn.

“Tóm lại đã chi hết 14.354 tỷ đồng nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Nếu không được quyết toán thì sẽ phải xuất toán. Nếu vậy, thì ai sẽ chịu trách nhiệm. Căn cứ điều 55 của Hiến pháp rõ ràng việc này là vi phạm. Số tiền 14.354 tỷ đồng này chưa được Quốc hội phê duyệt”, ông Nhã cho hay.

Cũng theo ông Nhã, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội cho ý kiến xem có lấy được nguồn để cân đối, bổ sung vào danh mục với lý do khi ta đã quyết định bố trí vốn 2017 thì nghiễm nhiên nó nằm trong kế hoạch đầu tư công. Cái này nhằm phục vụ cho quyết toán trong hai năm 2015 – 2016.

Chẳng nhẽ lãnh đạo tỉnh không có trách nhiệm gì?

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (TP Hà Nội) nêu một số nghịch lý đang nổi lên, được dư luận hết sức quan tâm như vấn đề kỷ cương kỷ luật hành chính, mặc dù Chính phủ đã xử lý được nhiều vụ việc nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn. 

Cụ thể, vấn đề thanh tra, kiểm tra, Chính phủ nói là một công cụ trong quản lý nhà nước nhưng cuối cùng làm chưa đến nơi đến chốn. Ví dụ báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội kỳ này nói về hiện tượng bổ nhiệm cán bộ không phù hợp, bổ nhiệm "siêu tốc" nhưng lại báo cáo thiếu hẳn sự việc ở Thanh Hóa, trong khi đó sự việc ở các tỉnh khác đều đưa hết vào.

“Riêng sự việc ở Thanh Hóa, dư luận không nghĩ là bổ nhiệm người nhà nữa mà vấn đề liên quan đến lãnh đạo cấp cao của tỉnh”, bà Khánh nói.

Về vấn đề thanh tra tài sản của Giám đốc Sở TN-MT Yên Bái, ĐB Trần Thị Quốc Khánh đánh giá công bố của cơ quan chức năng cho thấy mới chỉ thanh tra, kết luận đến cấp lãnh đạo thành phố chịu trách nhiệm. “Cả vùng đất nông nghiệp lớn như thế mà bằng thủ thuật quay sang thành ra kinh doanh bất động sản mà chẳng nhẽ lãnh đạo tỉnh không có trách nhiệm gì à?”, bà Khánh hỏi.

 

Xem thêm
Người dân ĐBSCL sáng tạo, thích ứng tốt với xâm nhập mặn

ĐBSCL Trải qua các đợt ảnh hưởng xâm nhập mặn, người dân ĐBSCL tích lũy nhiều kinh nghiệm, chủ động, sáng tạo các giải pháp ứng phó trong mùa khô 2023 - 2024.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Hạ nhiệt' những 'điểm nóng' thiếu nước sinh hoạt

Những xã khu Đông huyện Phù Mỹ (Bình Định) luôn là 'điểm nóng' về thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, nhưng năm nay khu vực này đã được hạ nhiệt căng thẳng.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm