| Hotline: 0983.970.780

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

Chủ Nhật 05/05/2024 , 06:39 (GMT+7)

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.

Muốn làm lớn nhưng thiếu vốn

Với điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu, cây mía từ lâu đã gắn bó với nông dân tại nhiều địa phương trong tỉnh Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, theo thời gian, nghề trồng mía tại các địa phương này đang đối mặt với nhiều thách thức vì giá vật tư, nhân công tăng cao, giá thu mua có thời điểm khá thấp. Đây là những nguyên nhân khiến người dân không có lãi và chuyển dần sang các loại cây trồng khác, gây ra sự sụt giảm về diện tích trồng mía…

Là người đã có gần 30 năm gắn bó với cây mía và có diện tích mía lớn nhất huyện Cẩm Thủy (tỉnh Thanh Hóa), ông Trần Ngọc Chế (xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy) cho biết: “Do trồng lúa không hiệu quả nên tôi cùng nhiều gia đình đã chuyển sang trồng cây mía. Tuy nhiên, việc tích tụ ruộng đất thành thửa ruộng lớn, xây dựng vùng chuyên canh còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Trần Ngọc Chế, nông dân trồng mía tại huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) tham dự tọa đàm với chủ đề 'Tìm lại vị ngọt cho cây mía' tại Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: NNVN.

Ông Trần Ngọc Chế, nông dân trồng mía tại huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) tham dự tọa đàm với chủ đề "Tìm lại vị ngọt cho cây mía" tại Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: NNVN.

Bên cạnh đó, nguồn vốn để mở rộng sản xuất và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ còn hạn chế khiến nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển vùng nguyên liệu. Thời gian qua, nhà máy đường đã hỗ trợ bà con nông dân (giống, phân bón) trong quá trình canh tác, tuy nhiên về lâu dài, để tạo động lực cho nông dân gắn bó với nghề và mở rộng diện tích mía nguyên liệu, chúng tôi mong muốn có chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi để yên tâm sản xuất”.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa, niên vụ mía 2022 - 2023 và 2023 - 2024, diện tích trồng, sản lượng mía được ép đều giảm so với niên vụ 2021 - 2022. Tuy nhiên tới niên vụ mía 2023 - 2024, diện tích trồng, sản lượng mía được ép tăng so với niên vụ mía 2022 - 2023. Điều đó cho thấy, ngành mía đường đang có dấu hiệu hồi phục sau một thời gian ảm đạm. Tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều khó khăn thách thức đối với ngành mía đường trong niên vụ mía 2024 - 2025, cụ thể:

Tình hình biến đổi khí hậu diễn ra khó lường trên quy mô toàn cầu, thời tiết bất thường, El Nino gây nắng nóng gay gắt hơn, nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất, hạn hán... gây khó khăn đến sản xuất mía đường. Sự canh tranh giữa cây mía và cây trồng khác ngày càng gia tăng, trong khi giá mía nguyên liệu còn thấp nên lợi nhuận sản xuất mía thấp so với một số cây trồng khác.

Hình thức sản xuất vẫn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, quy mô sản xuất ở hộ gia đình là chủ yếu. Đầu tư cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật thâm canh, đưa các giống mía mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất còn ít. Chậm nhân rộng mía nuôi cây mô vào trong sản xuất, tỷ lệ sử dụng giống cũ, giống thoái hoá còn phổ biến. Áp dụng cơ giới hóa trong trồng, chăm sóc và thu hoạch mía còn hạn chế, chủ yếu vẫn là thủ công. Kỹ thuật làm đất để tăng năng suất còn hạn chế, tỷ lệ diện tích mía được luân canh thấp. Công lao động ngày càng tăng trong khi chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn diễn ra mạnh mẽ dẫn đến thiếu hụt lao động trong sản xuất mía, nhất là giai đoạn thời vụ như trồng và thu hoạch mía.

Bên cạnh đó, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào còn ở mức cao đã ảnh hưởng đến phát triển sản xuất cây mía đường. Diện tích đất màu mỡ, có điều kiện canh tác tốt đều đã nhường chỗ cho những cây trồng có nhu cầu thị trường và lợi thế cạnh tranh.

Để nông dân yên tâm gắn bó với nghề

Để phát triển bền vững ngành nông nghiệp nói chung, lĩnh vực trồng trọt, trong đó có cây mía nói riêng, từ năm 2015 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất nông nghiệp. Có chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025.

Kết quả, giai đoạn 2016 - 2021, toàn tỉnh đã sản xuất được hơn 12 triệu cây giống mía nuôi cấy mô, đủ cung cấp cho trên 12 nghìn ha mía nguyên liệu trồng mới giai đoạn 2016 - 2021; mua được 8 máy thu hoạch mía với công suất 100 TMN (tương đương 2ha/ngày); tuyển chọn được 4 giống mía gồm LS1, LS2, LK92-11 và KK3; triển khai được 1.702ha mía có hệ thống tưới mặt ruộng... Những chính sách, kết quả trên đã và đang tạo động lực cho người dân yên tâm gắn bó với cây mía. 

Ông Trần Ngọc Chế đầu tư hàng tỷ đồng để mua các thiết bị cơ giới hóa phục vụ sản xuất mía. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Trần Ngọc Chế đầu tư hàng tỷ đồng để mua các thiết bị cơ giới hóa phục vụ sản xuất mía. Ảnh: Quốc Toản.

Là nông dân có thâm niên hơn 30 năm gắn bó với cây mía, ông Trần Ngọc Chế cho rằng, để phát triển bền vững ngành mía đường, nông dân cần sự hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật trong canh tác. “Chúng tôi mong muốn doanh nghiệp, ngân hàng tạo điều kiện hỗ trợ cho vay vốn (theo hình thức không lãi suất) để đầu tư mở rộng sản xuất. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần quan tâm, hỗ trợ nông dân thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa để tạo vùng trồng liền thửa rộng lớn.

Đối với diện tích đất canh tác không hiệu quả tại cánh đồng sình lầy, cần sớm chuyển đổi sang trồng mía. Chúng tôi hi vọng tiếng nói của người dân sẽ tới được các cấp chính quyền để tháo gỡ các khó khăn mà người trồng mía đang gặp phải”, ông Chế kỳ vọng.

Hiện nay, ông Trần Ngọc Chế là hộ dân có diện tích mía lớn nhất huyện Cẩm Thủy với khoảng 40ha. Mỗi năm ông Chế thu hoạch đạt khoảng 4.000 tấn mía nguyên liệu, doanh thu hơn 4 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi gần 2 tỷ đồng/vụ. Gia đình ông Chế cũng là một trong số ít hộ dân tại tỉnh Thanh Hóa tiên phong trong việc đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm máy móc, phương tiện để trồng mía thâm canh trên diện tích lớn, mang lại hiệu quả cao.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.