| Hotline: 0983.970.780

Tìm lại vị thế cây mía

‘Thủ phủ’ mía xứ Thanh chật vật tìm lại thời vàng son

Thứ Sáu 15/03/2024 , 06:30 (GMT+7)

Gần 10 năm, diện tích trồng mía toàn tỉnh Thanh Hóa giảm gần 2,5 lần. Nhiều hộ dân đã chuyển đổi sang trồng sắn và nhiều cây trồng khác.

Cây mía rụng rơi 

Bà Lê Thị Hương - nguyên Giám đốc Nông trường Lê Đình Chinh (xã Thăng Long, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) đã gắn bó với cây mía gần hết đời người nhưng chưa bao giờ thấy nghề trồng mía ảm đạm như mấy năm gần đây. Dù hết tuổi lao động, bà vẫn dồn sức canh tác 2ha mía để có thêm chi phí sinh hoạt hằng ngày và cũng bởi người phụ nữ này mong muốn nông dân quay lại với cây trồng truyền thống của địa phương.

Thu hoạch mía tại xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Thu hoạch mía tại xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Bài liên quan

Bà Hương cho biết, trước đây, xã Thăng Long được xem là “vựa mía" của huyện Nông Cống với diện tích khoảng 260ha (trong đó Nông trường Lê Đình Chinh quản lý khoảng 200ha). Tuy nhiên đến nay, diện tích mía toàn xã đã giảm rất mạnh và chỉ còn 68ha, trong đó xã Thăng Long chỉ còn 8ha, còn lại là diện tích do nông trường quản lý.

“Từ 2017 đến 2019, giá mía xuống thấp và chỉ duy trì ở mức 750 - 800 nghìn đồng/tấn khiến nhiều hộ dân trồng mía trên địa bàn xã không còn mặn mà với cây trồng này và chuyển sang trồng sắn, keo, riềng, cà phê... Tuy nhiên, do thời tiết, đất đai không phù hợp nên các loại cây trên phát triển kém, hiệu quả không cao. Một số hộ dân khác vẫn duy trì nghề trồng mía với hi vọng giá mía tăng cao”, bà Hương chia sẻ.

Bài liên quan

Bà Hương cho biết, với 2ha mía, sau khi trừ chi phí canh tác, vật tư nông nghiệp, mỗi năm gia đình bà chỉ có thu nhập khoảng 60 triệu đồng/vụ/năm. Dù cây mía cho thu nhập không cao, thế nhưng gia đình vẫn quyết tâm giữ nghề vì đầu ra cây mía vẫn rất ổn định. 

“Trước đây cây mía được xem là cây xóa đói giảm nghèo thì nay trồng mía chỉ đủ trang trải sinh hoạt hằng ngày. Bởi vậy, người trẻ không còn mặn mà với cây mía mà đổ xô đi làm công nhân giày da, may mặc. Người có tuổi thì ở nhà trông trẻ nên khi vào thời vụ, hầu hết các hộ phải thuê lao động với giá khá cao. Một số hộ dân vẫn duy trì cây mía bởi dù lãi ít nhưng đầu ra ổn định hơn so với cây trồng khác”, bà Hương cho biết thêm.

Bà Lê Thị Hương, nguyên Giám đốc Nông trường Lê Đình Chinh trăn trở về cây mía. Ảnh: Quốc Toản.

Bà Lê Thị Hương, nguyên Giám đốc Nông trường Lê Đình Chinh trăn trở về cây mía. Ảnh: Quốc Toản.

Theo cũng theo bà Hương, có đợt Nông trường Lê Đình Chinh đã bàn tới giải pháp hỗ trợ các hộ dân để vực dậy nghề trồng mía, như: Miễn chi phí quản lý đất, hỗ trợ phân bón, giống... Tuy nhiên, diện tích mía tại xã chủ yếu phân bố ở đồi, độ dốc cao, việc canh tác gặp khó khăn nên người dân lần lượt bỏ nghề.

Cùng chung cảnh ngộ trên, ông Lê Văn Thiện, Trưởng thôn Đồng Cốc (xã Xuân Phú, Thọ Xuân) cho biết, năm 2011, toàn thôn có 12,6ha mía, nhưng nay không còn hộ dân nào trồng mía. Cả thôn hiện có 405 người trong độ tuổi lao động, nhưng hiện nay có tới 85% lao động chuyển sang làm công nhân thay vì duy trì nghề trồng mía. Hầu hết diện thích mía trước đây đã được chuyển đổi sang sang trồng keo, sắn.

“Trồng mía ở độ dốc 60 độ thì chỉ cần một vài trận mưa là dinh dưỡng bị cuốn trôi sạch. Do vậy mía không đạt năng suất, chất lượng như kỳ vọng. Bà con thấy cây mía không thể cho thu nhập cao nên đã chuyển sang trồng keo, sắn vì vốn đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc và cho giá trị cao hơn cây mía”, ông Thiện chia sẻ.

Tái cơ cấu hoặc... chết

Huyện Thọ Xuân được xem là thủ phủ mía của tỉnh Thanh Hóa. Đây cũng là nơi đóng chân của Nhà máy đường Lam Sơn. Thời hoàng kim, có thời điểm toàn huyện trồng gần 5.000ha mía nguyên liệu để cung cấp cho nhà máy chế biến, nhưng nay diện tích mía chỉ còn 1.600 - 1.700ha, tập trung chủ yếu ở các xã Thọ Lâm, Xuân Phú, Xuân Thắng. Từ năm 1986 - 2000, mía từng là cây xóa đói giảm nghèo của nhiều nông hộ tại huyện Thọ Xuân. Có thời điểm nông dân chuyển cả ruộng lúa sang trồng mía khi giá mía nguyên liệu lên cao. Thế nhưng đến nay, nhiều người dân đã không còn "làm bạn" với cây trồng này.

Người dân xã Xuân Thắng (huyện Thọ Xuân) thu hoạch mía nguyên liệu. Ảnh: Quốc Toản.

Người dân xã Xuân Thắng (huyện Thọ Xuân) thu hoạch mía nguyên liệu. Ảnh: Quốc Toản.

Xã Xuân Phú (huyện Thọ Xuân) từng là vùng mía lớn của huyện Thọ Xuân với diện tích khoảng 500ha, hơn 1.000 hộ dân tham gia sản xuất, chủ yếu mía được trồng trên đất đồi. Sản lượng mía nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy đường Lam Sơn mỗi năm đạt từ 38.000 - 40.000 tấn. Nông dân nơi đây nhiều đời gắn bó và sống nhờ cây mía. Tuy nhiên gần chục năm trở lại đây, giá mía bấp bênh, nông dân đành phải chuyển đổi sang trồng sắn và trồng keo khiến diện tích mía giảm xuống chỉ còn 27ha (mía lưu gốc và mía trồng mới). Cá biệt có năm diện tích mía giảm chỉ còn 7ha. Bởi vậy, dù xã Xuân Phú từng là đơn vị “kết nghĩa” với Nhà máy đường Lam Sơn nhưng theo năm tháng, mối quan hệ thân tình xuất phát từ cây mía cũng không còn mặn mà như trước.

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết: Khi Nhà máy đường Lam Sơn đi vào hoạt động, nhiều địa phương trong huyện đã tích tụ đất đai, tập trung cho cây trồng chủ lực này. Ngoài diện tích đất bãi bồi, nông dân trong huyện còn tận dụng diện tích gò đồi để trồng mía. Tuy nhiên do địa hình không thuận lợi (độ dốc cao) đã gây nhiều khó khăn khi áp dụng cơ giới hóa, làm tăng giá thành sản xuất, giảm lợi nhuận. Do vậy vài năm trở lại đây, nông dân phải chuyển đổi diện tích mía sang trồng keo và sắn.

Ông Lê Bá Chiều, Phó Tổng Giám đốc phụ trách nguyên liệu Công ty Mía đường Lam Sơn (bên phải) trao đổi với phóng viên. Ảnh: VH.

Ông Lê Bá Chiều, Phó Tổng Giám đốc phụ trách nguyên liệu Công ty Mía đường Lam Sơn (bên phải) trao đổi với phóng viên. Ảnh: VH.

Cũng theo ông Dũng, diện tích trồng mía bị thu hẹp còn có nguyên nhân từ việc quy hoạch các khu công nghiệp, hạ tầng khu dân cư. Phần diện tích còn lại chuyển đổi sang quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao (khoảng 2.500ha). 

“Nhiều ý kiến đề xuất chuyển đổi cây mía sang trồng cây dược liệu, tuy nhiên chúng tôi xác định cây dược liệu có thể hiệu quả kinh tế hơn, nhưng huyện chưa có nhà máy chế biến nên đầu ra khó đảm bảo. Do đó, chúng tôi vẫn duy trì diện tích mía (khoảng 1.700ha) tại khu vực bãi bồi, dễ canh tác để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy. Giữ lại cây mía là giữ lại cây trồng truyền thống gắn với tên tuổi của vùng đất này”, ông Dũng chia sẻ.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa, diện tích trồng mía trên địa bàn toàn tỉnh có xu hướng giảm sâu trong vòng gần 10 năm qua. Năm 2015, toàn tỉnh có hơn 32,1 nghìn ha đất trồng mía, nhưng đến niên vụ 2023 - 2024, diện tích mía chỉ còn hơn 12,5 nghìn ha (giảm gần 2,5 lần). Riêng niên vụ 2022 - 2023 và 2023 - 2024 có tới hơn 1.800ha đất trồng mía đã chuyển sang cây trồng khác. 

Diện tích mía giảm sâu kéo theo sản lượng mía cung ứng cho các nhà máy đường đóng chân trên địa bàn tỉnh giảm xuống đáng kể. Ông Lê Bá Chiều, Phó Tổng Giám đốc phụ trách nguyên liệu của Công ty Mía đường Lam Sơn cho biết, với diện tích khoảng 7.000ha vùng trồng liên kết, sản lượng mía cung ứng cho Nhà máy niên vụ 2023 - 2024 đạt 547 nghìn tấn. Con số này chỉ bằng 50% so với sản lượng mía cung ứng cho Nhà máy giai đoạn 2005 - 2017. 

Nông dân thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân thu hoạch mía. Ảnh: Quốc Toản.

Nông dân thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân thu hoạch mía. Ảnh: Quốc Toản.

Nông dân bỏ nghề mía khiến diện tích và sản lượng lượng mía sụt giảm. Nhiều nhà máy đường lao đao, thậm chí làm ăn thua lỗ hoặc đóng cửa. Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Doanh nghiệp này từng có hơn 1.000 cán bộ, người lao động làm việc thì nay chỉ còn khoảng 700 người khi thực hiện tái cơ cấu hoạt động. Lãnh đạo doanh nghiệp thừa nhận, thời hoàng kim của cây mía đã qua và nay bắt đầu một chu kỳ mới - chu kỳ vực dậy và phục hồi cây mía. 

Niên vụ 2024 - 2025, ngành mía đường Thanh Hóa có chỉ dấu phục hồi khi diện tích gieo trồng mía ước tính đạt 13,5 nghìn ha, tăng hơn 1.000ha so với niên vụ trước. Trong khi đó giá mía tại nhà máy đường thu mua tại ruộng đạt 12,5 triệu đồng/tấn, tăng 400 nghìn đồng so với giá mía năm 2020. Cùng với đó, doanh nghiệp đã đưa ra giải pháp tái cơ cấu giống mía bằng việc áp dụng công nghệ nuôi cấy mô, chọn tạo, phục tráng các giống mía chất lượng cao nhằm tăng năng suất, giá trị trên đơn vị diện tích trong bối cảnh nghề mía hết sức ảm đạm nhiều năm qua.

Với các giống mới, năng suất mía nguyên liệu bình quân của mô hình thâm canh đạt từ 85 tấn/ha trở lên, riêng mô hình áp dụng cơ giới hóa đồng bộ năng suất đạt từ 100 tấn/ha trở lên, chi phí sản xuất giảm 20 - 25% so với canh tác thông thường. Các hộ dân tham gia mô hình thâm canh thu lãi từ 60 - 65 triệu đồng/ha, cá biệt một số hộ lãi 75 - 80 triệu đồng/ha. Ngoài ra, để khuyến khích người trồng mía, doanh nghiệp đã tiến hành trợ giá, giống, cải tạo đất, phân bón cho bà con trồng mía, đồng thời thu mua mía nguyên liệu cao hơn so với các nhà máy chế biến khác.

Ông Lê Bá Chiều, Phó Tổng Giám đốc phụ trách nguyên liệu Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn cho biết, Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) tác động không nhỏ tới hoạt động của ngành mía đường Việt Nam. Doanh nghiệp mía đường Việt Nam kém lợi thế so với các nước trong khu vực về chi phí sản xuất, năng suất, trong khi giá đường thế giới giảm sút, đỉnh điểm là năm 2018.

Nhà máy đường Lam Sơn từ chỗ kinh doanh có lãi đã rơi vào cảnh hòa vốn. Năm 2021, Bộ Công Thương ban hành quyết định số 1578/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan đã giúp giá đường trong nước tăng lên, thu nhập của bà con từng bước được cải thiện đáng kể.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm