Nếu lịch sử là một bản trường ca, thì Điện Biên chính là chương khúc hùng tráng nhất được viết nên bằng máu và mồ hôi trên mảnh đất Mường Thanh.
Nhưng khi khói súng đã tan, Điện Biên không ngủ yên trong sử sách. Mảnh đất ấy tiếp tục sống, bằng những mùa lúa nối mùa lúa, bằng những hạt gạo trắng ngần thấm đẫm khí thiêng đại ngàn và trí lực của những con người lặng lẽ giữ đất.
Thế nhưng, để những hạt gạo ấy thực sự bay xa, chỉ sự nhọc nhằn của người nông dân thôi là chưa đủ. Điện Biên cần nhiều hơn thế. Cần một "bàn tay" khác mạnh mẽ hơn, đồng bộ hơn, vững chắc hơn - bàn tay của quy hoạch dài hơi, của chính sách kiên trì, của những tầm nhìn thấu suốt từ cánh đồng đến thị trường.

Giữa biển lúa Mường Thanh mênh mông, một du khách từ Tuyên Quang thả mình vào hương đồng gió nội. Ảnh: Tú Thành.
Khi đất chưa yên, lúa vẫn chưa thể "mỉm cười"
Tôi nhớ mãi ánh mắt của anh Quản Bá Tới, Giám đốc HTX Dịch vụ Tổng hợp Thanh Yên, khi đứng giữa đồng lúa đang thì con gái. Anh nói, giọng trầm buồn: “Ruộng đất vẫn manh mún, phân tán, quy hoạch sản xuất ở Điện Biên chưa đồng bộ với giao thông, thủy lợi. Nếu muốn phát triển lúa gạo cả về chất lượng và sản lượng, phải cơ giới hóa, phải áp dụng khoa học kỹ thuật bài bản... Nhưng thiếu hạ tầng, thiếu vùng lõi tập trung thì khoa học cũng chỉ biết đứng nhìn”.
Hơn 4.000 hecta đất trồng lúa chất lượng cao ở lòng chảo Mường Thanh, mỗi năm lại hao hụt dần dưới bước chân của đô thị hóa. Mỗi mét vuông bê tông mọc lên cũng đồng nghĩa với một phần “căn cước” của hạt gạo Điện Biên bị bào mòn.
"Có quy hoạch đấy, nhưng mấy ai giữ được và cũng cần đặt ra câu hỏi là bao nhiêu quy hoạch đã bị phá vỡ?”, anh Tới hỏi như ném câu hỏi vào lòng gió đang cuộn qua cánh đồng.

Khi Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, HTX và người dân bắt tay để phát triển cây trồng chủ lực tỉnh Điện Biên (anh Quản Bá Tới, Giám đốc HTX Thanh Yên đứng ngoài cùng bên phải). Ảnh: Tú Thành.
Thông tin mà Sở Nông nghiệp và Môi trường Điện Biên gửi đến phóng viên cũng soi chiếu những rào cản đang bủa vây: vùng sản xuất lúa gạo vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, khó bề cơ giới hóa; tình trạng lúa lẫn tạp, phân bón hóa học lạm dụng, thuốc bảo vệ thực vật dùng chưa đúng quy trình đã bào mòn chất đất qua từng vụ mùa. Trong khi đó, những giống lúa từng làm nên thương hiệu Điện Biên cũng đang dần mất đi phẩm cấp vì chưa có quy trình phục tráng bài bản ngay tại chỗ.
Những mô hình sản xuất theo VietGAP, hữu cơ, HACCP đã được thí điểm, nhưng quy mô nhỏ, liên kết chuỗi còn manh mún, chính quyền cơ sở chưa vào cuộc thực chất. Những chính sách ban hành tuy có, nhưng như hạt giống gieo vội trên nền đất khô cằn, thiếu quyết liệt và chưa đồng bộ.

Màu xanh bất tận của cánh đồng Mường Thanh giữa lòng chảo Điện Biên, nơi mùa vụ nối mùa vụ, lưu giữ hơi thở của đất trời. Ảnh: Tú Thành.
Không ít HTX, doanh nghiệp đã mang tâm huyết, mang vốn liếng, thậm chí mang cả giấc mơ tuổi trẻ đặt cược vào đồng ruộng. Nhưng trước những rào cản từ quy hoạch thiếu ổn định, hạ tầng thiếu đồng bộ, chính sách hỗ trợ còn lửng lơ, họ vẫn phải lặng lẽ tự dò đường đi trong màn sương mù của những định hướng chưa trọn vẹn.
Một nỗi buồn cứ dâng lên, như nước lũ tràn qua thửa ruộng chưa kịp gặt.
Cần một bản giao hưởng thực sự
Thông tin với phóng viên, bà Chu Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Điện Biên chia sẻ về những định hướng mới, mở ra những viễn cảnh khác. Một hành trình gây dựng lại niềm tin, không bằng những khẩu hiệu, mà bằng những bước chân vững chãi.
Điện Biên đang bắt đầu nghĩ lớn, không còn để ruộng đồng manh mún kéo tụt giấc mơ. Định hướng mới là tập trung dồn điền đổi thửa, hình thành những vùng chuyên canh quy mô lớn, đồng bộ từ lựa chọn giống đến quy trình canh tác.
Song song đó, Điện Biên đang bền bỉ xây dựng nền nông nghiệp xanh. Các biện pháp như sử dụng máy cấy giảm lẫn tạp, đẩy mạnh áp dụng phân hữu cơ vi sinh, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, kỹ thuật SRI để hạn chế thuốc trừ sâu, thuốc cỏ, đang âm thầm lan tỏa.
Những giống lúa truyền thống như Bắc Thơm số 7, IR64, Séng Cù cũng đang được phục tráng ngay tại đồng đất Mường Thanh, đồng thời khảo nghiệm thêm những giống mới, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây.

Một góc cánh đồng Mường Thanh hôm nay, nơi màu xanh lúa non hòa cùng nhịp sống người dân. Ảnh: Tú Thành.
Không chỉ cánh đồng đổi mới, Điện Biên cũng đang nghiên cứu sửa đổi quy trình sản xuất, hữu cơ hóa toàn bộ quy trình, từ làm đất, bón phân đến thu hoạch. Các nguyên tố trung, vi lượng được bổ sung trở lại cho đất, để trả lại sự phì nhiêu bền vững mà thời gian đã đánh cắp.
Những chuỗi giá trị liên kết đang được hình thành rõ nét hơn, nhằm chia sẻ rủi ro và cùng nhau tiến tới sản xuất theo tiêu chuẩn cao cấp hơn. Các chương trình đào tạo, tập huấn về canh tác hữu cơ, sản xuất chuyên canh hàng hóa đang len lỏi vào từng bản làng, thổi luồng gió mới cho những người giữ đất.
Chất lượng hạt gạo không chỉ được kiểm soát chặt chẽ hơn, mà còn được bảo vệ thông qua việc giám sát dư lượng hóa chất, kiểm tra định kỳ, gìn giữ chỉ dẫn địa lý như gìn giữ một biểu tượng danh dự.
Trên phương diện thị trường, Điện Biên đang nỗ lực quảng bá thương hiệu gạo Điện Biên, kết nối tiêu thụ với các siêu thị lớn, tìm đường đi đến các thị trường xuất khẩu. Đồng thời, chính quyền các cấp cũng đang được yêu cầu vào cuộc thực chất hơn, từ vận động tuyên truyền đến đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân.
Song hành với đó là hàng loạt chính sách: hỗ trợ liên kết chuỗi, hỗ trợ đất lúa, hỗ trợ dồn điền đổi thửa, phục hồi và phát huy giá trị cánh đồng Mường Thanh gắn với phát triển du lịch sinh thái, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Bà Chu Thị Thanh Xuân nhấn mạnh: Điện Biên sẽ không dừng lại ở tiêu chuẩn VietGAP, mà sẽ tiến tới sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, HACCP, và xa hơn nữa là GlobalGAP, để một ngày không xa, hạt gạo Điện Biên sẽ bước chân vào những thị trường quốc tế khắt khe nhất.
Những hạt gạo từng lặng lẽ lớn lên trong lòng chảo Mường Thanh, giờ đây mang theo khát vọng vượt núi băng rừng, vươn tới những chân trời rộng lớn hơn.
Chúng cần một chiếc "tổ" vững chắc. Chúng cần những người đồng hành biết chắt chiu từng mùa vụ, biết bền bỉ gieo hy vọng. Và chúng tôi, những người ghi lại câu chuyện này, cũng đang gửi vào từng con chữ một niềm tin rằng "hạt ngọc" Điện Biên, rồi sẽ tìm được không gian xứng đáng để toả hương.