Chống chịu, gạo ngon, giá bán cao
Ngày 3/4, bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Định cùng lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và Trung tâm Khuyến nông Bình Định đánh giá cánh đồng liên kết sản xuất giống lúa giữa Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương - Quảng Nam (Vinaseed Quảng Nam) và HTX nông nghiệp Nhơn Phúc (xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, Bình Định), đồng thời đánh giá mô hình sản xuất khảo nghiệm giống lúa VNR98 của Vinaseed tại xã Tây Vinh (huyện Tây Sơn, Bình Định).

Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Định thăm mô hình liên kết sản xuất lúa VNR10 giữa Vinaseed Quảng Nam và HTX nông nghiệp Nhơn Phúc (xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.
Tại xã Nhơn Phúc, đoàn công tác của ngành nông nghiệp và môi trường Bình Định mãn nhãn trước cánh đồng lúa VNR10 và cánh đồng lúa Hương Châu 6 đang chín rộ, sắp thu hoạch.
Theo ông Trần Văn Từng, Giám đốc HTX nông nghiệp Nhơn Phúc, vụ đông xuân 2024 - 2025 là vụ đầu tiên HTX đưa vào sản xuất 2 giống lúa VNR10 và Hương Châu 6 của Vinaseed Quảng Nam. Trong vụ đông xuân này, HTX nông nghiệp Nhơn Phúc đã xây dựng mô hình liên kết sản xuất lúa giống với Vinaseed Quảng Nam với diện tích 40ha, trong đó giống VNR10 18ha và giống Hương Châu 6 là 22ha.
Ông Từng cho biết dù lần đầu đưa 2 giống lúa VNR10 và Hương Châu 6 vào sản xuất nhưng nông dân rất hồ hởi đón nhận, đánh giá cao bởi 2 giống lúa này có nhiều đặc tính ưu việt.
“Giống VNR10 và giống lúa Hương Châu 6 đều đẻ nhánh rất mạnh, chống chịu sâu bệnh tốt. Thời gian sinh trưởng của giống Hương Châu 6 và VNR10 tương đương nhau. Trong vụ đông xuân, 2 giống lúa này có thời gian sinh trưởng khoảng 105 - 110 ngày, vụ hè thu từ 90 - 95 ngày. Trong vụ đông xuân 2024 - 2025, năng suất lúa Hương Châu 6 ước đạt 72 tạ/ha, giống VNR10 ước đạt 80 tạ/ha.
Chất lượng gạo cả 2 giống Hương Châu 6 và VNR10 đều ngon. Đặc biệt, 2 giống lúa này rất dễ chăm sóc, chịu thâm canh, khả năng chống chịu sâu bệnh và chống đổ ngã tốt, rất thích nghi với đồng đất Nhơn Phúc” ông Từng đánh giá.

Lúa VNR10 khoe mã giữa cánh đồng xã Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.
Cũng theo ông Từng, việc xây dựng mô hình liên kết sản xuất giống lúa giữa HTX nông nghiệp Nhơn Phúc và Vinaseed Quảng Nam vừa giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX trong giai đoạn mới vừa nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.
“Để giúp bà con sản xuất hiệu quả, HTX cung ứng cho bà con các loại vật tư đầu vào như giống, phân bón, đồng thời bám sát ruộng đồng từ đầu vụ để hướng dẫn cho bà con gieo sạ, phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc, bón phân. Đến khi thu hoạch, HTX thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn từ 20 - 25% so với giá lúa thịt trên thị trường.
Liên kết sản xuất lúa giống, bà con có thu nhập cao hơn nhiều so với sản xuất lúa thương phẩm. Đặc biệt, lúa Hương Châu 6 và VNR10 thương phẩm do có chất lượng gạo ngon nên thị trường rất ưa chuộng, giá mua ngang bằng các giống gạo chất lượng khác trên thị trường” ông Trần Văn Từng cho biết.

Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Định đánh giá cao mô hình khảo nghiệm giống lúa VNR98 tại xã Tây Vinh (huyện Tây Sơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.
Nông dân mê mẩn giống lúa VNR98
Trên cánh đồng thôn An Vinh 1, xã Tây Vinh (huyện Tây Sơn, Bình Định), những diện tích lúa VNR98 trong mô hình khảo nghiệm của Vinaseed Quảng Nam khoe mã rất đẹp, hứa hẹn vụ mùa bội thu. 10 sào lúa VNR98 tại thôn An Vinh 1 trải thảm vàng óng.
Nông dân Trần Trung Thành (64 tuổi) ở thôn An Vinh 1 đã gắn bó với đồng ruộng hơn 50 năm cho biết: “Vụ đông xuân 2024 - 2025 là lần đầu nông dân trong thôn trồng giống lúa VNR98. Tôi tham gia sản xuất giống lúa này với diện tích 1 sào (500m2). Qua thực tế sản xuất, tôi thấy giống VNR98 chống chịu sâu bệnh rất tốt, cả cánh đồng lúa VNR98 từ khi xuống giống đến nay chưa hề biết mùi thuốc rầy. Mức đầu tư sản xuất lúa VNR98 cũng thấp hơn các giống đang sản xuất đại trà, lượng phân bón cũng ít hơn các giống lúa khác nhưng lúa vẫn phát triển rất tốt. Nói chung giống lúa VNR98 rất dễ làm, giúp giảm chi phí sản xuất, dễ canh tác" ông Thành chia sẻ.

Nông dân tham quan mô hình sản xuất khảo nghiệm giống lúa VNR98 tại xã Tây Vinh (huyện Tây Sơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.
Cũng theo ông Thành, thời gian sinh trưởng của giống VNR98 trong vụ đông xuân hơn 100 ngày là phù hợp, nếu sản xuất vụ hè thu thời gian sinh trưởng sẽ ngắn hơn nữa, thích ứng với điều kiện thiếu nước tưới trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay.
“Giống VNR98 sản xuất trong vụ đông xuân cho thấy hiệu quả cao, trong vụ hè thu 2025, bà con muốn tiếp tục xây dựng mô hình khảo nghiệm giống lúa này” ông Thành nói.
Tham quan cánh đồng lúa VNR98, ông Trương Thế Việt, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Tây Sơn đánh giá, với mã lúa đẹp, khi thu hoạch lúa VNR98 chắc chắn cho năng suất trên 80 tạ/ha.

Nông dân trực tiếp sản xuất giống lúa VNR98 tại thôn An Vinh 1, xã Tây Vinh (huyện Tây Sơn, Bình Định) đánh giá cao giống lúa này. Ảnh: V.Đ.T.
Theo ông Nguyễn Công Phi, Phó Giám đốc Vinaseed Quảng Nam, Công ty chuyên kinh doanh, cung ứng giống lúa cho nông dân từ Huế vào đến các tỉnh Nam Trung bộ với mục tiêu ngày càng nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân. Những năm qua, Vinaseed Quảng Nam đã thực hiện chuỗi liên kết với các HTX để sản xuất lúa giống. Trong quá trình thực hiện chuỗi liên kết, Công ty cử cán bộ theo dõi, hướng dẫn nông dân sản xuất đúng quy trình nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.
“Trong những mô hình liên kết, năng suất lúa luôn cao hơn từ 15 - 20% so với lúa sản xuất đại trà. Những giống lúa Công ty cung cấp cho nông dân sản xuất có sức chống chịu sâu bệnh cao, bà con ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên chi phí đầu vào giảm, hiệu quả sản xuất tăng khoảng 20% so với các giống lúa khác ngoài mô hình.
Giống VNR98 còn có khả năng chịu hạn rất tốt nên rất phù hợp sản xuất vụ hè thu. Khi thực hiện mô hình liên kết, Công ty cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo hình thức mua lúa tươi với giá cao để giảm áp lực về sân phơi cho bà con” ông Phi cho hay.

Nông dân Trần Trung Thành ở thôn An Vinh 1, xã Tây Vinh (huyện Tây Sơn, Bình Định) sản xuất 1 sào lúa VNR98. Ảnh: V.Đ.T.
Theo ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Định, để bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh cho cả 2 vụ đông xuân và hè thu, thời gian qua, đơn vị thường xuyên phối hợp với các công ty giống cây trồng trên cả nước và các địa phương tổ chức các mô hình khảo nghiệm, trình diễn các giống lúa phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh.
“Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến những giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 90 - 120 ngày, ít nhiễm sâu bệnh và đảm bảo năng suất, năng suất tăng ít nhất 10% so với các giống lúa đang sản xuất đại trà, đồng thời phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, mục tiêu cuối cùng là để nông dân sản xuất có lãi”, ông Kiều Văn Cang nhấn mạnh.