
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La tham quan, định hướng phát triển vùng trồng nhãn Ánh Vàng 205 phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Đức Bình.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sơn La vừa tổ chức kiểm tra đánh giá tình hình phát triển của mô hình “Xây dựng và phát triển nhãn Ánh Vàng 205 theo tiêu chuẩn VietGAP tại Sơn La” giai đoạn 2023 – 2025.
Mô hình được triển khai với diện tích ghép cải tạo 15ha và 35ha trồng mới tại huyện Mai Sơn, Sông Mã và thành phố Sơn La. Cụ thể, năm 2023 ghép cải tạo 2ha, 8ha trồng mới; năm 2024 ghép cải tạo 8ha, 27ha trồ mới; năm 2025 ghép cải tạo 5ha ghép cải tạo. Theo đánh giá, đến thời điểm này, các diện tích nhãn Ánh Vàng 205 được trồng và ghép cải tạo đều sinh trưởng tốt, không xuất hiện sâu bệnh hại đáng kể. Một số diện tích trồng sớm đã ra hoa, cho thấy khả năng thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên của địa phương.
Giống nhãn Ánh Vàng 205 có sức sinh trưởng mạnh, đặc điểm hình thái nổi bật là lá to, màu xanh đậm, mép lá gợn sóng nhẹ, gân lá nổi rõ. Hoa có màu vàng, mọc thành chùm lớn, ngồng hoa dài, thường xuất hiện từ tháng 1 – 2 và nở rộ vào tháng 3 – 4. Quả chín đúng vụ vào tháng 7, chùm quả dạng dâu da, quả tròn đều, vỏ dày, màu vàng đậm đẹp mắt. Thịt quả hanh vàng, giòn ngọt, thơm, dễ tách cùi khỏi hạt và không dính tay khi bóc.
Ông Nguyễn Xuân Trường (bản Nong Phụ, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn) là một trong những hộ tiên phong tham gia mô hình từ giai đoạn đầu. Gia đình ông đã ghép cải tạo 1ha và trồng mới 1ha giống nhãn Ánh Vàng 205. Sau gần 1 năm thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật, vườn nhãn ghép của ông đã cho hoa vàng óng, cây con trồng mới cũng phát triển khỏe, đã ra hoa bói.
Ở tuổi gần 70, ông Trường vẫn ngày ngày chăm sóc từng gốc nhãn theo đúng kỹ thuật, từ khâu bón phân, tỉa cành đến tưới tiêu. Ông đánh giá giống nhãn Ánh Vàng 205 có nhiều ưu điểm vượt trội so với giống nhãn địa phương, đặc biệt là khả năng chống chịu sâu bệnh và hạn chế rụng quả sinh lý sau tỉa cành. Chất lượng quả cũng được ông đánh giá cao với cùi dày, vị ngọt thơm và đẹp mã.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (bên trái) động viên người dân thực hiện tốt quy trình kỹ thuật sản xuất nhãn. Ảnh: Đức Bình.
Dự kiến với 35ha nhãn Ánh Vàng 205 trồng mới, năng suất sẽ tăng ít nhất 20%, tạo nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến và xuất khẩu. Theo nghiên cứu, giống nhãn này có thể giữ được mẫu mã khi xuất khẩu, đảm bảo độ ngọt và chất lượng cùi trong suốt quá trình vận chuyển.
Việc ghép cải tạo trên 15ha giống cũ bằng giống nhãn Ánh Vàng 205 cũng đặt mục tiêu nâng năng suất lên trên 15 tấn/ha, tăng hiệu quả sản xuất thêm khoảng 25% so với giống truyền thống.
Để đảm bảo mô hình phát triển bền vững, các chương trình đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật ghép cải tạo, trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP đang được đẩy mạnh. Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La là đơn vị trực tiếp triển khai, phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cung cấp cây giống, mắt ghép và phân bón. Các phòng nông nghiệp và môi trường cùng trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện cũng đồng hành hỗ trợ triển khai, giám sát quy trình kỹ thuật.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: Việc phát triển mô hình nhãn Ánh Vàng 205 không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn góp phần xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng cao, hướng đến thị trường xuất khẩu.
Các hộ tham gia mô hình đều được lựa chọn kỹ, đáp ứng yêu cầu về diện tích, kỹ thuật và cam kết tuân thủ quy trình sản xuất. Nhiều hộ đã sẵn sàng đầu tư đối ứng tới 70 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, thể hiện rõ niềm tin vào hiệu quả của mô hình và chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ.
Ông Vũ Tiến Đĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sơn La khẳng định tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình, hỗ trợ người dân nâng cao năng suất, hoàn thiện mã số vùng trồng, tem nhãn, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm.
Sở sẽ phối hợp tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, thu hút doanh nghiệp có tầm nhìn đến đầu tư, xây dựng vùng trồng tập trung cho từng loại cây ăn quả. Địa phương sẽ đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Môi trường xin chủ trương đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp ổn định, bền vững.