| Hotline: 0983.970.780

Đỗ Ba đi tìm Đỗ Ba - cậu bé sống sót trong vụ thảm sát Mỹ Lai ngày 16/3/1968

Thứ Sáu 16/03/2018 , 14:05 (GMT+7)

Đỗ Ba là một cậu bé sống sót trong vụ thảm sát Mỹ Lai ngày 16/3/1968, sau đó trở thành nhân chứng sống và là đề tài của nhiều bộ phim, bài báo. Nhưng trong vụ thảm sát Mỹ Lai còn một Đỗ Ba khác nhưng dường như không mấy ai biết cho đến.

Những đứa trẻ thoát chết trong vụ thảm sát từng đăng số điện thoại 01677434669 để kêu gọi cứu giúp ông Đỗ Ba, vì cuộc đời ông quá nhiều thảm cảnh.
 

Đỗ Ba trẻ

Tôi có mặt tại thôn Tư Cung vào thời điểm sắp đến ngày giỗ chung của 504 người dân vô tội bị giặc Mỹ sát hại vào năm 1968. Gần đến ngày này, những người già lại nhói lên nỗi đau khi kể về sự kiện thảm sát đẫm máu. Còn những cậu bé chăn trâu cắt cỏ từng thoát chết trong gang tấc vào ngày đó, nếu ở xa cũng tìm về lại thôn Tư Cung, cùng quây quần với nhau để hồi tưởng về cái dáng nhỏ nhắn đã chạy băng băng dưới bờ ruộng, nép dưới mương kênh rồi chạy thoát ra khỏi làng.

13-59-03_1-do-b-tre
Đỗ Ba trẻ giờ là một lão nông rong ruổi khắp Sài Gòn để mưu sinh bằng nghề ve chai

Những đứa trẻ ngày nào giờ đã trở thành những người đàn ông trưởng thành, trong đó có nhân chứng Đỗ Ba, sinh năm 1960 và được gọi là Đỗ Ba trẻ. Bởi vì trong số những đứa trẻ còn sống sót đó còn một cậu bé khác mang tên Đỗ Ba, sinh năm 1951 và được anh em gọi là Đỗ Ba già. Đỗ Ba trẻ vào Sài Gòn làm ăn, buôn bán, nhưng cứ vào dịp ngày giỗ làng thì lại về. Còn Đỗ Ba già thì vắng mặt, nhưng lần nào cũng được anh em trong xóm gọi tên và kể về cuộc đời cơ cực của con người này.

Năm xảy ra vụ thảm sát, cậu bé Đỗ Ba mới 8 tuổi. Ông đã may mắn được ba người lính Mỹ là phi công Hugh Thompson, cơ trưởng Glen Andreotta và pháo thủ Lawrence Colburn thuộc đại đội Charlie (Mỹ) cứu sống. Sau này trở về đời thường, Đỗ Ba trở thành một trong những nhân chứng được đưa đi nhiều nước để tố cáo tội ác của giặc Mỹ.

Sau 50 năm, Đỗ Ba giờ đây đã trở thành một lão nông, dáng người gầy gò, da đen nhẻm, tính cách của anh khi tiếp xúc với ai đó thì luôn sẵn nụ cười trên môi. “Đỗ Ba kể chuyện cũ anh em nghe chút?” - Khi được hỏi, Đỗ Ba bảo: “Tui chỉ tiếc là hồi đó sang các nước tố cáo giặc Mỹ, lúc nào cũng được đi với mấy ông tướng, ông tá, được ăn kem, ngủ khách sạn, khi về làng được mặc đồ rết lắm, mấy ổng biểu đi học để ra kiếm việc, lãnh lương nhưng tui không nghe theo nên bây giờ tiếp tục chăn trâu cắt cỏ”.

Sau nhiều năm vào Sài Gòn làm ăn, cố gắng lắm nhưng Đỗ Ba vẫn không may mắn trở thành người giàu có như một số người đồng hương khác. Năm 2012, Đỗ Ba dắt díu vợ con quay về quê và bảo “sống ở Sài Gòn bị hẫng chân, làm chỉ đủ ăn, bây giờ về quê cày ruộng, nuôi bò, bà xã lo chuyện nhà, anh Ba vô Sài Gòn, tới mùa lúa thì lại chạy về quê, làm ăn kiểu 2 chân thì mới có dư sau này cho con cái”.

Khi vào Sài Gòn, Đỗ Ba làm nhiều nghề để kiếm sống, đi vào khắp hang cùng ngõ hẻm mưu sinh với nghề ve chai. Anh bảo đã vô đó thì làm bán mạng cũng ráng mà chịu. Có lúc công việc nhàn rỗi, Đỗ Ba còn tranh thủ ngoài giờ đi làm nghề cho thuê mũ bảo hiểm để kiếm thêm vài chục ngàn trả tiền cơm quán, nhà thuê. Giữa phố phường tấp nập, không mấy ai biết rằng, người đàn ông có khuôn mặt nhỏ, dáng gầy gò, tính cách đặc sệt nông dân và nói giọng Quảng Ngãi kia lại chính là một đứa trẻ từng chạy lọt qua làn đạn và trở thành nhân chứng từng đi nhiều nước, đứng lên bục cao để nói về tội ác của Mỹ trong vụ thảm sát Mỹ Lai.
 

Đỗ Ba già

Gần đến ngày xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai, những đứa trẻ sống sót thường tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ tại nhà để tụ hợp anh em gọi là “Hội những người sống sót thảm sát Mỹ Lai”. Năm nay cũng như mọi năm trước, câu chuyện vào đề thì mọi người thường nhắc đến “anh Đỗ Ba ổng cực cả đời”.

13-59-03_2-do-b-gi
Ảnh Đỗ Ba già được Mỹ chụp tại Trung tâm cải huấn

Vào buổi sáng định mệnh 16/ 3/1968, pháo của Mỹ dội vào thôn Tư Cung xã Tịnh Khê. Ngôi làng này nhìn từ ngoài vào giống như một lũy tre dày đặc. Sau trận pháo, người dân lóp ngóp bò ra khỏi hầm thì cũng không còn lối đi, vì tre ngã rạp khắp nơi. Ở xóm trên, cậu bé Đỗ Ba 8 tuổi chạy dưới làn đạn thì ở cuối xóm, cách khoảng 300 mét, cậu bé Đỗ Ba 17 tuổi cũng lao thật nhanh xuống bờ mương.

Khi chạy ra qua cánh đồng thì cậu thiếu niên Đỗ Ba chạm mặt với toán lính Mỹ vừa từ nhảy từ trực thăng xuống và tiến vào làng. Cậu bé nhanh nhẹn cúi rạp người dưới đồng lúa đang phủ tới đầu gối để chạy theo hướng ngược lại, sau đó đu tay lên một hàng rào để thả người xuống mương nước. Đúng vào lúc cái dáng nhỏ nhắn đó rơi xuống mương thì đạn tiểu liên AR 15 cũng réo ngay sau lưng. Chỉ có máy tính cực mạnh mới có thể tính được khoảng thời gian gần như tích tắc giữa lúc tấm lưng gầy tụt xuống mương và ngón tay siết cò của tên lính Mỹ. Vì khi cậu lọt xuống mương và tay đang rút xuống thì đạn bay qua cắt ngón giữa và ngón trỏ ở bàn tay trái.

Sau này nhớ lại giây phút đó, Đỗ Ba thường nói với các bạn của mình rằng, lính Mỹ khi bắn thì đều quỳ gối xuống rồi mới bóp cò. Có lẽ thời gian quỳ gối đó đã trở giúp anh không bị đạn xối vào lưng mà chỉ bị bay 2 ngón tay và thoát chết. Sau ngày thảm sát đó, Đỗ Ba trở thành một trong những nhân chứng được đoàn điều tra của Quốc hội Mỹ và Quân đội Mỹ mời đi thẩm vấn để làm rõ vấn đề. Đỗ Ba không kể với nhiều người bạn của mình về nội dung của cuộc thẩm vấn tại Trung tâm cải huấn của chế độ cũ tại tỉnh Quảng Ngãi, nhưng hầu hết mọi người khác thường được phiên dịch đặt câu hỏi là sống ở đâu? Gần nhà ai? Sau cuộc thẩm vấn đó, Đỗ Ba được đoàn điều tra chụp ảnh để lưu hồ sơ.

Cái tên Đỗ Ba từ đó bắt đầu biến mất và nhiều người dường như chỉ nhắc đến nhân chứng Đỗ Ba trẻ. Ông Nguyễn Văn Chương, một cậu bé sống sóng trong trận thảm sát, sau này vào Sài Gòn học và sau năm 1975 về Quy Nhơn công tác, ông đã gặp lại Đỗ Ba khi đó là một bệnh nhân ở trại phong Quy Hòa. Đỗ Ba nhận đồng hương và dù đã bớt bệnh nhưng vẫn sống ẩn mình và ngại tiếp xúc, thậm chí khi về thăm lại mảnh vườn cũ ở quê thì cũng vội vã rời đi chứ không gặp ai. “Anh Đỗ Ba cơ cực đến tận cùng, hồi trẻ đẹp trai nhưng gần 60 tuổi là mắc đủ thứ bệnh, kiệt quệ, gầy như cây củi, người nghễnh ngãng” – ông Chương kể lại.

Do thiếu tiền chữa bệnh nên ông Đỗ Ba về quê bán nốt mảnh đất được 60 triệu để trang trải tiền thuốc. Hiểu được hoàn cảnh Đỗ Ba già, cứ đến ngày tưởng niệm Sơn Mỹ thì các cậu bé năm xưa lại góp số tiền nhỏ để gởi giúp cho Đỗ Ba mua thuốc chữa bệnh. Vợ ông Đỗ Ba mắc bệnh ung thư qua đời, để lại cho ông 2 đứa con, một cậu con trai bị bệnh tâm thần phải ở trại, còn con lớn là Đỗ Đình Chi thì đi làm thêm kiếm tiền nuôi cha.

13-59-03_3-cuu-binh-my
Các cựu binh Mỹ quay trở lại Sơn Mỹ hàn gắn vết thương chiến tranh

Năm 2015, khi còn gần 3 tháng nữa là đến ngày tưởng niệm thảm sát Mỹ Lai, Đỗ Ba đã trút hơi thở trên giường bệnh, sau khi vợ ông qua đời chưa lâu. Suốt nhiều chục năm sống ẩn dật và hầu như không tiếp xúc báo chí, nhân chứng Đỗ Ba đã lặng lẽ mang theo ký ức vụ thảm sát Mỹ Lai về bên kia thế giới.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.