| Hotline: 0983.970.780

Đò dân sinh bị đình chỉ hoạt động, người xứ đảo khổ trăm bề

Thứ Năm 15/06/2023 , 11:34 (GMT+7)

2 tháng rưỡi trôi qua, người dân xã đảo Nhơn Châu (Quy Nhơn, Bình Định) đã ‘thấm tháp’ nỗi khổ đi lại, do 5 chiếc đò dân sinh không thể đăng kiểm…

Đò dân sinh không đủ điều kiện gia hạn đăng kiểm

Xã đảo Nhơn Châu (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) nằm cách đất liền gần 30km đường biển, hiện có khoảng 570 hộ dân với 2.300 nhân khẩu đang sinh sống.

Trước nay, mọi hoạt động đi lại của người dân Nhơn Châu đều trông chờ vào 5 chiếc đò dân sinh của người dân địa phương hoạt động trên tuyến đường thủy nội địa Quy Nhơn - Nhơn Châu.

Mỗi ngày có 2 chuyến đò đi từ Nhơn Châu vào Quy Nhơn và 2 chuyến đi tuyến ngược lại, nhờ đó việc đi lại của bà con xã đảo rất thuận lợi.

Ngày 29/3/2023, UBND thành phố Quy Nhơn ban hành văn bản tạm đình chỉ hoạt động 5 phương tiện đò dân sinh nói trên do đã hết hạn đăng kiểm. Chủ của 5 phương tiện đăng ký gia hạn, nhưng do chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định nên Chi cục Đăng kiểm số 4 (thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam) không đồng ý gia hạn. UBND thành phố Quy Nhơn gia hạn 2 tháng cho 5 phương tiện nói trên hoàn tất thủ tục đăng kiểm để đủ điều kiện hoạt động đúng quy định.

Người dân xã đảo Nhơn Châu (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) chen chúc 'đi ké' trên ca nô du lịch. Ảnh: V.Đ.T.

Người dân xã đảo Nhơn Châu (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) chen chúc “đi ké” trên ca nô du lịch. Ảnh: V.Đ.T.

Tuy nhiên, theo ông Hồ Nhật Lệ, Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu, đến nay đã hơn 2 tháng rưỡi trôi qua nhưng những phương tiện đò dân sinh phục vụ tuyến Quy Nhơn - Nhơn Châu vẫn chưa thể hoạt động trở lại do chưa hoàn tất thủ tục đăng kiểm theo quy định.

“Thủ tục đăng kiểm quá phức tạp, cán bộ đăng kiểm không hướng dẫn người dân cụ thể phải làm như thế nào cho đúng, mà cứ nói chưa đúng quy định nên không làm. Trong khi người dân xã đảo thì làm sao thấu hết những quy định, nên mãi đến nay những phương tiện đò dân sinh nói trên vẫn chưa hoàn tất thủ tục đăng kiểm để hoạt động trở lại”, ông Hồ Nhật Lệ cho hay.

Cũng theo ông Hồ Nhật Lệ, sau khi đình chỉ 5 phương tiện đò dân sinh, để khắc phục khó khăn của người dân xã đảo Nhơn Châu cũng như các lực lượng làm việc trên đảo, UBND thành phố Quy Nhơn hợp đồng với 1 chiếc ca nô du lịch chạy bằng máy dầu, có 69 ghế ngồi, hỗ trợ việc đi lại của người dân trên đảo với mức phí 100.000đ/người/chuyến, Nhà nước hỗ trợ 50% phí đi lại.

“Hàng ngày, xã lấy danh sách người dân đi lại trên phương tiện ca nô du lịch rồi lập danh sách chi hỗ trợ trực tiếp mỗi người 50.000đ/chuyến, người dân đi lại bỏ ra 50.000đ để trả phí cho chuyến ca nô ấy. Tuy nhiên, đi lại bằng phương tiện ca nô rất bất tiện, nhất là lệ thuộc vào giờ giấc khiến công việc của bà con và lực lượng làm việc trên đảo bị đảo lộn”, ông Hồ Nhật Lệ cho hay.

Chiếc ca nô du lịch Đại dương Thảo nguyên Cù Lao Xanh được UBND thành phố Quy Nhơn (Bình Định) hợp đồng hỗ trợ việc đi lại của người dân và cán bộ làm việc tại xã đảo Nhơn Châu. Ảnh: V.Đ.T.

Chiếc ca nô du lịch Đại dương Thảo nguyên Cù Lao Xanh được UBND thành phố Quy Nhơn (Bình Định) hợp đồng hỗ trợ việc đi lại của người dân và cán bộ làm việc tại xã đảo Nhơn Châu. Ảnh: V.Đ.T.

Không chỉ có 5 phương tiện đò dân sinh đi tuyến Quy Nhơn - Nhơn Châu bị đình chỉ hoạt động, 69 chiếc đò dân sinh khác đi tuyến Hàm Tử - Hải Minh phục vụ nhu cầu đi lại của người dân hàng ngày cũng bị đình chỉ do các phương tiện nói trên không đáp ứng các điều kiện kỹ thuật để đăng kiểm.

Tất cả 74 chủ phương tiện đò dân sinh đi 2 tuyến Quy Nhơn - Nhơn Châu và Hàm Tử - Hải Minh nếu phải mua mới phương tiện để đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định thì không có khả năng, do nguồn thu từ hoạt động vận tải chỉ đủ đắp đổi qua ngày, không có “của ăn của để” nên giờ đành “treo đò”.

Cuộc sống người dân xã đảo bị đảo lộn đến khi nào?

Nghe ông Hồ Nhật Lệ, Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu phân tích, chúng tôi mới thấu đáo nỗi bất tiện của người dân, nhất là của cán bộ địa phương và các lực lượng làm việc tại xã đảo mỗi khi có việc cần vào đất liền để lo công việc.

Trước đây, khi các phương tiện đò dân sinh còn hoạt động, mỗi ngày có 2 chuyến đi từ Nhơn Châu vào Quy Nhơn và 2 chuyến từ Quy Nhơn ra Nhơn Châu. Người dân hoặc cán bộ làm việc ở Nhơn Châu có việc cần về bờ lo công việc thì sáng đi chuyến sớm về Quy Nhơn, trong ngày ấy lo xong công việc thì chiều lên chuyến đò chiều về lại Nhơn Châu, rất thuận tiện.

“Thế nhưng bữa nay muốn vào Quy Nhơn phải đợi ca nô Đại dương Thảo Nguyên Cù Lao Xanh chở khách du lịch ra đảo, đến chiều chiếc ca nô ấy quay về bờ bà con mới theo vào Quy Nhơn được, đêm ấy phải ở lại Quy Nhơn với bao chuyện phát sinh tốn kém về chỗ ngủ nghỉ, ăn uống.

Qua hôm sau, nếu đến chiều làm xong công việc cũng không có ca nô để về, đêm ấy lại phải ở lại Quy Nhơn để sáng hôm sau theo khách du lịch về lại Nhơn Châu”, ông Hồ Nhật Lệ, Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu phân tích.

Những chiếc ca nô phục vụ cho khách du lịch tuyến Quy Nhơn - Nhơn Châu. Ảnh: H.Y.

Những chiếc ca nô phục vụ cho khách du lịch tuyến Quy Nhơn - Nhơn Châu. Ảnh: H.Y.

Một cư dân xã đảo Nhơn Châu cho biết thêm, trong thời gian 2 tháng gia hạn cho 5 chủ phương tiện đò dân sinh hoàn tất thủ tục đăng kiểm, UBND thành phố Quy Nhơn hợp đồng với ca nô Đại dương Thảo Nguyên Cù Lao Xanh hỗ trợ việc đi lại cho bà con và các lực lượng làm việc trên đảo, đồng thời hợp đồng với 1 chiếc đò gỗ chuyên chở vật tư xây dựng và hàng hóa của người dân xã đảo theo phương thức 1 ngày chở hàng hóa, 1 ngày chở vật tư.

Sau 2 tháng, đến nay đã hết thời hạn hợp đồng hỗ trợ việc đi lại của người dân Nhơn Châu, phương tiện ca nô Đại dương Thảo Nguyên Cù Lao Xanh chỉ chở khách du lịch. Hôm nào khách du lịch đông thì chiếc ca nô này không chở dân đảo Nhơn Châu, nếu ai có nhu cầu đi lại thì tự kiếm phương tiện mà đi, trong khi đi phương tiện ngoài phải mất phí đến 150.000đ/người/chuyến mà không được hỗ trợ.

“Chiếc ca nô Đại dương Thảo Nguyên Cù Lao Xanh có 69 ghế, hôm nào ca nô này chở 50 khách du lịch thì người dân xã đảo còn 19 ghế để “đi ké”. Nếu chuyến ấy khách du lịch đi kín ghế thì người dân dù có công việc cần đến mấy cũng phải đành ở lại chờ chuyến sau. Trong số những người ở lại có người đang theo học đại học tại chức tại Quy Nhơn, có người phải đi công tác, hoặc có người phải về Quy Nhơn dự đám cưới, đám tang… công việc nào cũng cấp bách nhưng cũng đành ngậm ngùi ở lại”, một người dân Cù Lao Xanh than thở.

Trước đây, mọi hoạt động đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân xã đảo Nhơn Châu (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) đều trông chờ vào 5 phương tiện đò dân sinh. Ảnh: V.Đ.T.

Trước đây, mọi hoạt động đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân xã đảo Nhơn Châu (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) đều trông chờ vào 5 phương tiện đò dân sinh. Ảnh: V.Đ.T.

Dự kiến, UBND thành phố Quy Nhơn sẽ kéo dài thời gian hỗ trợ chi phí đi ca nô cho người dân và các lực lượng trên xã đảo Nhơn Châu 6 tháng để chờ phương tiện thay thế. Đến nay đã qua 2 tháng rưỡi, quãng thời gian còn lại không biết đã có phương tiện thay thế cho ca nô du lịch hay chưa. Đáng lo nhất là vào mùa mưa bão ca nô không thể đi được, khi ấy thì người dân xã đảo Nhơn Châu đành “nằm” tại chỗ.

“Lo nhất là trường hợp trên đảo có người đau bệnh ngặt nghèo cần phải đưa gấp về Quy Nhơn để nhập viện. Trước đây, nếu gia đình nào gặp trường hợp nói trên có thể bao cả chuyến đò vào thành phố Quy Nhơn với giá 2 triệu đồng/chuyến, giờ phải thuê 1 chuyến ca nô du lịch mất 7 triệu đồng/chuyến. Đó là nói chuyện trời yên biển lặng, nếu biển sóng to gió lớn ca nô chạy không được thì người bệnh ngặt nghèo cũng đành nằm tại chỗ chứ chẳng thể vào Quy Nhơn để nhập viện cấp cứu được”, anh P., 1 cư dân xã đảo Nhơn Châu chia sẻ.

Xem thêm
Phải đổi mới tư duy, phải 'cởi trói', phải quyết đoán, phải bứt phá, phải vượt lên chính mình

Tổng Bí thư nhấn mạnh việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực.

VIETRISA có vai trò chủ đạo trong vận hành ngành hàng lúa gạo

Đó là ý kiến chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại buổi làm việc với Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam (VIETRISA).

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trở lại Mường Nhé, cực Tây Tổ quốc

Mường Nhé, cực Tây Tổ quốc hôm nay vẫn còn gian khó nhưng thấm đẫm tình đất, tình người, tình đoàn kết của đồng bào miền xuôi và miền ngược.