Một thuở vàng son
Trong trí nhớ của các lão ngư ở Cù Lao Xanh, hiện nay là xã đảo Nhơn Châu (thành phố Quy Nhơn, Bình Định), nghề lưới đăng cá thu từng được xem là “đại nghệ” của ngư dân. Theo giải thích của các lão ngư, “đại nghệ” ở đây là “nghề lớn” trong các nghề đánh thủy sản ở hòn đảo tiền tiêu này. Do đó, nghề lưới đăng cá thu còn được người dân địa phương gọi là nghề “đại đăng”.
Theo truyền thuyết, từ xa xưa, những cư dân đầu tiên ở Cù Lao Xanh là ngư dân ở Bắc Trung bộ bị gió bão xô dạt vào đây, khi ấy Cù Lao Xanh còn là 1 hoang đảo. Hòn đảo Cù Lao Xanh không những đã cứu được mạng họ, mà còn cho họ vùng đất sống rất lý tưởng. Bởi, trong những ngày lưu lạc trên hoang đảo, những ngư dân gặp nạn đã phát hiện ở Cù Lao Xanh có suối nước ngọt, trong vắt, đặc biệt là không bao giờ cạn dù ở trong thời tiết khắc nghiệt nhất, thế nên con suối này mới có cái tên là suối Giếng Tiên. Nơi nào có nước ngọt là nơi ấy có sự sống. Họ nghĩ vậy, và sau khi trời yên gió lặng, những ngư dân bị nạn sửa sang lại tàu thuyền, quay về quê rủ rê bạn bè, họ hàng đưa gia đình xuống thuyền đi vào Cù Lao Xanh định cư.
Sau khi định cư ở Cù Lao Xanh, những cư dân đầu tiên ở hòn đảo tiền tiêu này phát hiện hàng năm, từ đầu tháng 2 đến đầu tháng 4 âm lịch, từng đàn cá thu di trú từ ngoài khơi kéo về quần tụ ở vùng biển phía trước đảo. “Đói đầu gối phải bò”, thế là những ngư dân đầu tiên ở Cù Lao Xanh liền nghĩ đến cách đánh bắt loài cá này để kiếm kế sinh nhai. Nghề lưới đăng cá thu ra đời từ đó.
Theo lão ngư Nguyễn Văn Thành (SN 1933) ở thôn Tây, nghề lưới đăng cá thu không đi từng chiếc thuyền riêng lẻ như những nghề đánh bắt thủy sản khác, mà đi theo cặp thuyền. Lão ngư Thành không phải sinh ra trên đất Cù Lao Xanh, năm 37 tuổi (năm 1970) ông mới theo nghề biển từ Phú Yên “trôi dạt” ra đây rồi lấy vợ, định cư luôn ở Cù Lao Xanh. Đến Cù Lao Xanh, ông Thành mới biết đến nghề lưới đăng cá thu, rồi từ đó ông theo nghề ấy cho đến khi giải nghệ vì già yếu.
Tuy nay đã 89 tuổi nhưng chiều nào lão ngư Thành cũng ra ngồi trên chiếc ghế đá trước UBND xã Nhơn Châu, mắt chong ra phía biển như nhớ lắm một thời “tung hoành ngang dọc” trên biển với nghề lưới đăng cá thu. Lão ngư Thành nhớ lại, thuyền làm nghề lưới đăng cá thu là thuyền nan chứ không phải tàu gỗ hay tàu sắt bây giờ. Đáy thuyền được đan bằng nan tre, sau đó pha loãng phân bò trét kín những khe hở. Khi lớp phân bò khô thì ngư dân dùng dầu rái trét bên ngoài để ngăn nước lọt vào thuyền. Be thuyền được làm bằng ván. Mỗi con thuyền có chiều dài khoảng 10m, ngang 5 - 6m. Thuyền không gắn máy, chỉ chèo bằng dằm tay.
Cặp thuyền lưới đăng cá thu có 1 thuyền tới và 1 thuyền lui, đó là cách nói của ngư dân để phân biệt nhiệm vụ của mỗi chiếc thuyền khi hoạt động. Mỗi cặp thuyền có khoảng 15 - 16 bạn thuyền. Nghề lưới đăng cá thu đánh bắt gần bờ, 4 giờ chiều ra khơi, 4 giờ sáng quay về bờ bán sản phẩm. Khi ra đến ngư trường, chiếc “thuyền tới” chạy thành hình vòng cung để thả lưới, phía dưới tấm lưới được cột những cục đá nặng để tấm lưới được kéo sát đáy biển. Tấm lưới được bủa thành hình vòng cung dựng như bức tường thành, chỉ còn chừa 1 khoảng trống dưới đáy biển làm cửa để cá thu đi vào. Chiếc “thuyền lui” chở theo tấm lưới nhỏ, gọi là lưới bửng. Khi cá đã vào đầy lưới, ngư dân có nhiệm vụ dò cá hô to “khép cửa”, lập tức chiếc “thuyền lui” di chuyển kéo tấm lưới bửng lấp kín cửa không cho cá thoát ra. Sau đó, ngư dân trên chiếc thuyền tới vừa chèo thuyền chạy vừa thu lưới tóm cá lại.
“Xưa kia, có cặp thuyền đánh 1 đêm đến 2.000 - 3.000 con cá thu, mỗi con nặng 2,5 - 3kg. Khi đánh được cá nhiều, thuyền khẳm be đi không nổi, ngư dân phải dùng chiếc chiếu phất lên trời gọi là “phất cờ”, khi ấy người nhà của cặp thuyền ấy nhìn thấy “cờ” sẽ chèo thuyền ra chở bớt cá về Quy Nhơn bán. Tui nhớ không rõ, nhưng những chuyến biển trúng cá mỗi đêm có thể kiếm được cả trăm triệu như chơi”, lão ngư Nguyễn Văn Thành nhớ lại.
Nghề được ngư dân tôn vinh
Theo ông Hồ Nhật Lệ, Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu, người được cánh báo chí gọi đùa là “Chúa đảo Cù Lao Xanh”, nghề lưới đăng cá thu được ngư dân rất tôn vinh. Trước đây, ở Cù Lao Xanh có 11 cặp thuyền hành nghề lưới đăng cá thu, mỗi cặp thuyền thay phiên nhau đánh bắt, mỗi cặp thuyền đánh bắt 1 đêm, cứ thế xoay vòng cho đến khi cá thu hết mùa di thực vào Cù Lao Xanh là tất cả “gác thuyền” lên bờ nghỉ ngơi.
Theo lời kể của ông Lệ, hàng năm, cứ vào mùng 6 tháng 11 âm lịch là ngư dân hành nghề lưới đăng cá thu ở Cù Lao Xanh xống áo trang nghiêm, tổ chức lễ bốc thăm lượt đi biển vào năm sau cho những cặp thuyền. 11 cặp thuyền làm nghề lưới đăng cá thu có 11 lá thăm. Cặp thuyền nào bốc được “thăm nhứt”, nghĩa là sẽ được đi đánh bắt chuyến đầu tiên của vụ khai thác cá thu trong năm mới sẽ tổ chức cúng kính, hát bộ trước khi vào vụ. Người bắt được “thăm nhì” sẽ đi đánh bắt chuyến biển đêm sau, cặp thuyền bốc được thăm nào cứ theo phiên mà đi đánh bắt. Trong vụ đánh bắt mới, sau khi nghề “đại đăng” mở biển thì thuyền đánh bắt các nghề khác mới được ra khơi.
Những ngư dân hành nghề trên cặp thuyền lưới đăng cá thu được phân cấp rõ ràng, 1 thợ chính, 2 thợ phụ, 1 người làm từ và 4 người làm thợ thuyền. Thợ chính và thợ phụ là những người chỉ huy “thuyền tới” và “thuyền lui”. Đến phiên cặp thuyền đi đánh bắt theo lượt, trước khi thuyền ra khơi, ngoài đi bạn như những bạn thuyền khác, người làm từ phải thức dậy sớm đi đến từng nhà kêu từng thuyền viên tập trung lại nơi cặp thuyền neo đậu. Còn 4 người thợ thuyền ngoài nhiệm vụ đi bạn, khi về bờ còn có trách nhiệm coi ngó cặp thuyền, đến chuyến biển thì vận chuyển nước uống, lương thực xuống thuyền để thuyền viên bồi dưỡng khi đánh bắt.
Riêng người làm từ, đêm trước khi ra khơi, ông từ còn có nhiệm vụ đi thắp hương cúng lăng Ông Nam Hải, các miếu Bà Thủy, Bà Thổ, Bà Hỏa, Bà Mộc… trên đảo để khấn vái xin chuyến biển được bình yên. Đúng 7 giờ tối, ông từ cùng với 2 người thợ phụ về nhà người thợ chính để cúng vái xin ơn trên ban cho chuyến biển không bị sự cố và đánh bắt được nhiều cá. Đến 3 giờ sáng, trước khi cho thuyền đi đánh bắt, 4 người nói trên thắp hương cúng vái thêm 1 lần nữa tại nhà thợ chính để xin chuyến biển đánh bắt đạt sản lượng. Khi tất cả thuyền viên đã tập kết tại nơi cặp thuyền neo đậu, trước khi xuống thuyền, ông từ lấy lá dừa đốt đống lửa to tướng, mỗi ngư dân phải nhảy qua đống lửa trước khi đặt chân xuống thuyền đi đánh bắt để xua đuổi xui rủi, mong chuyến biển thành công.
“Hồi còn nhỏ, ông nội và ba tôi có cặp thuyền làm nghề lưới đăng cá thu. Đêm nào cặp thuyền của ông đến lượt đi đánh bắt, hôm đó tôi không dám đi chơi với bạn bè, sợ xảy ra mâu thuẫn đánh nhau, bị người làng đến nhà mắng là ông nội sẽ cho no đòn. Bởi đó là điềm xui rủi của chuyến biển”, ông Hồ Nhật Lệ, Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu, nhớ lại.
“Sau mỗi chuyến biển, ngư dân trên cặp thuyền sẽ chọn con cá thu to nhất để chia cho tất cả các thuyền viên mang về nhà gọi là chia “cá ăn”. Đầu con cá được cắt ra dành cho thợ chính, 2 phần tiếp theo đầu con cá được chia cho 2 thợ phụ, phần thân con cá được cắt lát chia cho các thuyền viên. Riêng người làm từ do ngoài nhiệm vụ đi bạn còn đảm đương nhiệm vụ đi cúng lăng, miếu và kêu gọi bạn thuyền trước mỗi chuyến biển; 4 người làm thợ thuyền còn làm thêm nhiệm vụ coi ngó thuyền khi vào bờ và vận chuyển nước, lương thực xuống thuyền mỗi chuyến biển, nên mỗi người được nhận thêm 1 phần cá ăn. Đó là chuyện ngày xưa, hiện ở Cù Lao Xanh chỉ còn 1 cặp thuyền lưới đăng cá thu nhưng "đói" lắm, đánh bắt chẳng ra sao, cá thu đã bị tàu đánh bắt xa bờ “ăn” hết ngoài khơi nên không còn di trú vào gành như trước đây”, ông Nguyễn Hạ Lào, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Châu, cho hay.