Huy động hơn 38,5 tỷ đồng
Thấm nhuần quan điểm chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương, xây dựng nông thôn mới (NTM) “có điểm khởi đầu không có điểm kết thúc”, hơn một thập kỷ qua, phong trào xây dựng NTM của tỉnh Hà Tĩnh luôn được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao, trở thành điểm sáng cho nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đến tham quan, học tập kinh nghiệm.
Bước sang giai đoạn mới, tiêu chí xây dựng NTM đòi hỏi cao hơn, tập trung đi vào chiều sâu nên ngoài nguồn ngân sách các cấp đầu tư, nội lực của Nhân dân thì vai trò đỡ đầu, tài trợ của các các sở ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã tạo lực đẩy thúc đẩy các xã, huyện chưa đạt chuẩn NTM các loại hình sớm hoàn thành mục tiêu đặt ra.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh Hà Tĩnh, tính đến cuối tháng 8/2023, các đơn vị được giao đỡ đầu, tài trợ (tại Quyết định số 834/QĐ-UBND ngày 22/4/2022 và Quyết định số 912/QĐ-UBND ngày 19/4/2023 của UBND tỉnh), đã huy động được tổng kinh phí hơn 38,5 tỷ đồng giúp các địa phương cấp xã trên địa bàn xây dựng NTM. Trong đó các tổ chức, đơn vị UBND tỉnh giao, chấp thuận đã đỡ đầu, tài trợ hơn 2,4 tỷ đồng.
“Ngoài huy động bằng tiền mặt, các tổ chức, đơn vị đã chủ động triển khai nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ cơ sở như: Tổ chức tập huấn, hướng dẫn, tư vấn các thôn, xã thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí do các sở, ngành phụ trách; huy động lực lượng giải phóng hành lang, làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng; xây dựng hàng rào xanh, chỉnh trang vườn hộ; chỉnh trang khuôn viên nhà văn hóa thôn; hỗ trợ ca máy, vật tư (xi măng, gạch, ngói Pro xi măng,...) xây dựng cơ sở hạ tầng.
Xây dựng nhà ở, công trình vệ sinh cho hộ nghèo; hỗ trợ thiết chế nhà văn hóa thôn, đường điện thắp sáng làng quê; tặng quà gia đình chính sách...”, một thành viên Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tỉnh thông tin.
Trong danh sách các tổ chức, đơn vị tiêu biểu thực hiện hiệu quả công tác đỡ đầu, tài trợ có: Công an tỉnh Hà Tĩnh (236 triệu đồng), Tỉnh đoàn (251 triệu), Bảo hiểm xã hội (162 triệu đồng), Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy (159 triệu), Ban Nội chính Tỉnh ủy (145 triệu), Sở NN - PTNT (105 triệu), Viện kiểm sát nhân dân tỉnh (104 triệu), Sở Tài nguyên và Môi trường (100 triệu đồng), Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (100 triệu đồng)...
Chủ động bám sát cơ sở nhận đỡ đầu, tài trợ
Ghi nhận những ngày đầu tháng 11/2023 tại xã Hà Linh, huyện Hương Khê, không gian hạ tầng đường sá giao thông tại đây đang khá ngổn ngang, bởi đặc thù diện tích tự nhiên địa phương này rất rộng, dân cư thưa thớt, nên để hoàn thành được tiêu chí giao thông cần rất nhiều nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Để khích lệ, khơi dậy ý chí quyết tâm của người dân Hà Linh, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã huy động hàng chục đoàn viên thanh niên hỗ trợ gạch, xi măng, các vật liệu xây dựng để hoàn thiện nhà vệ sinh hộ dân đạt chuẩn NTM; hỗ trợ ngày công san lấp lòng lề đường, dọn dẹp vệ sinh môi trường, xây dựng các công trình phụ trợ; trao tặng 2 công trình đường điện thanh niên…
“Chúng tôi đã và đang thực hiện song hành nhiều hoạt động đỡ đầu cho xã Hà Linh, trong đó bao gồm cả an sinh xã hội như: Trao tặng 10 suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; trao hơn 50 suất quà an sinh xã hội.
Mới đây nhất, trong đợt lũ lụt từ ngày 28 – 30/10, trên địa bàn xã có 2 người không may bị mất do nước lũ cuốn trôi, Ban thường vụ Tỉnh đoàn đã kết nối với Hội doanh nhân Hà Tĩnh phía Nam hỗ trợ mỗi gia đình 20 triệu đồng nhằm chia sẻ nỗi đau mất người thân với các gia đình”, chị Nguyễn Ny Hương, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh nói.
Theo chị, trước xã Hà Linh, kể từ thời điểm được phân công nhận đỡ đầu đến nay, Tỉnh đoàn đã kêu gọi, xã hội hoá các nguồn lực hỗ trợ hơn 7,5 tỷ đồng và 26.000 ngày công, góp phần giúp các xã Đức Hương (huyện Vũ Quang); Việt Xuyên (Thạch Hà); Thượng Lộc (Can Lộc); Thạch Tiến (Thạch Hà); Hương Long (Hương Khê); Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên); Kỳ Văn (huyện Kỳ Anh) đạt chuẩn NTM theo đúng kế hoạch.
Các công trình, phần việc đoàn viên, thanh niên tham gia xây dựng NTM ngày được cấp uỷ, chính quyền và người dân ghi nhận, đánh giá cao.
Chia sẻ kinh nghiệm nâng cao hiệu quả công tác đỡ đầu, tài trợ, chị Nguyễn Ny Hương cho rằng, trước tiên phải bám sát cơ sở, chủ động làm việc với Ban chỉ đạo xây dựng NTM tại các địa phương nhận đỡ đầu để khảo sát thực trạng, nắm bắt nhu cầu thực tế của địa phương từ đó xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể trong quá trình hỗ trợ, đỡ đầu.
Chủ động phân công cán bộ phụ trách từng lĩnh vực, từng đầu việc, có đánh giá bằng sản phẩm và chất lượng sản phẩm.
Đối với xã hội hóa nguồn lực, thành lập các Đội thanh niên tình nguyện trực tiếp chi viện giúp đỡ xã hoàn thành nội dung gắn với các tiêu chí cần bổ sung như: Ra quân chỉnh trang vườn hộ, trồng hàng rào xanh, xây dựng các khu dân cư mẫu, làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng; tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập trung hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế thanh niên, các đối tượng do Đoàn phụ trách...
Phát huy đội ngũ tri thức trẻ tình nguyện, nòng cốt là đoàn viên thanh niên, cán bộ trẻ tại các sở, ngành thường xuyên bám sát cơ sở, rà soát, tư vấn, hướng dẫn địa phương trong xây dựng các tiêu chí NTM.
“Về phía địa phương tiếp nhận lực lượng chi viện, hỗ trợ, chúng tôi mong muốn các xã cần chủ động, huy động tối đa nguồn lực tại chỗ, máy móc, thiết bị, kỹ thuật.
Đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò chủ thể quyết định trong xây dựng NTM của người dân nhằm phát huy tinh thần tình nguyện tại chỗ, nêu cao ý thức tự giác trong việc cùng làm, cùng phối hợp chặt chẽ, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động đỡ đầu, tài trợ, giúp các địa phương sớm đạt chuẩn NTM”, chị Ny Hương nhấn mạnh thêm.