| Hotline: 0983.970.780

Đồ gỗ vào Mỹ phải có nguồn gốc: DN ú ớ, hiệp hội bình chân!

Thứ Tư 31/03/2010 , 10:15 (GMT+7)

Kể từ 1/4, các DNXK đồ gỗ vào thị trường Mỹ (trong đó có các DN Việt Nam) sẽ phải chứng minh được xuất xứ đồ gỗ. Nước đã sau lưng nhưng nhiều DN vẫn tỏ ra ú ớ, còn cơ quan hướng dẫn thì cũng lơ mơ không kém.

Từ ngày mai (1/4), Đạo luật Lacey của Mỹ cấm buôn bán gỗ bất hợp pháp sẽ chính thức có hiệu lực, theo đó các DNXK đồ gỗ vào thị trường này (trong đó có các DN Việt Nam) phải chứng minh được xuất xứ đồ gỗ. Nước đã sau lưng nhưng nhiều DN vẫn tỏ ra ú ớ, còn cơ quan hướng dẫn thì cũng lơ mơ không kém.

Chưa biết đạo luật "tròn méo" thế nào

Hôm qua 30/3, trao đổi với PV NNVN nhiều DN chế biến gỗ XK cho biết vẫn chưa hiểu đạo luật Lacey nó dài ngắn thế nào. DN lúng túng không biết kiếm đâu ra những hướng dẫn cụ thể. Ông Nguyễn Hữu Chiến – Cty Gỗ Hiệp Hùng (Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, hiện nguyên liệu Cty đang mua từ một số thương lái trong nước, chỉ có giấy tờ mua bán chứ hỏi nguồn gốc thì...chào thua. Ngoài ra, Cty còn mua gỗ cao su từ nhiều vườn cao su tiểu điền thì làm sao mà chứng minh được xuất xứ. Cũng theo ông Chiến, nhiều hợp đồng Cty đã ký với đối tác từ năm ngoái và đến nay cũng chưa thấy họ thông báo gì về việc truy tìm xuất xứ nguyên liệu nên Cty vẫn... bình chân.

Kim ngạch XK gỗ Việt Nam vào thị trường Mỹ sẽ giảm mạnh bởi DN không nắm rõ quy định mới của nước này

Tương tự, bà Huỳnh Thị Thanh – GĐ Cty Thái Thanh tại Hố Nai (Biên Hòa) đang XK nhiều mặt hàng đồ gỗ vào thị trường Mỹ than thở: Tôi cũng chỉ nghe mang máng là sắp tới bán đồ gỗ vào Mỹ phải chứng minh được xuất xứ nguyên liệu. Nhưng cụ thể là chứng minh thế nào thì tôi chưa rõ. Hiện Cty mua nguyên liệu trôi nổi trong nước, gỗ NK thì mua bán qua nhiều nấc trung gian. "Cty chúng tôi chỉ làm việc với các trung gian bằng hợp đồng thể hiện qua khối lượng, quy cách, chứ đối tác không hề cung cấp nguồn gốc gỗ. Hầu hết các hợp đồng mua bán gỗ chỉ ghi chung chung gỗ tại Indonexia, Malaixia" – bà Thanh lo lắng. Cũng theo bà Thanh, Cty chưa biết phải ứng phó như thế nào, bởi Mỹ là thị trường lớn nhất của DN.

 Được biết Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietfores) cùng chuyên viên Bộ NN-PTNT đã dịch đạo luật Lacey sang tiếng Việt nhưng công việc này cũng vừa mới hoàn tất. Cơ quan chức năng còn...lề mề thế thì việc DN chưa biết đạo luật này nó "tròn hay méo”  cũng là hiển nhiên. Nên nhớ rằng trước khi quy định XK thuỷ sản vào châu Âu cũng phải có nguồn gốc thì nửa năm trước Bộ NN- PTNT đã phải triển khai các yêu cầu của nhà NK các nước EU tới từng DN, ngư dân.

Nước đến chân vẫn… chưa nhảy

Kim ngạch XK gỗ của Việt Nam vào thị trường Mỹ trung bình mỗi năm đạt khoảng 1 tỉ USD, thị trường EU thấp hơn ở mức 600 triệu USD. Hai thị trường này chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch XK của toàn ngành hàng đồ gỗ. Hiện nay cả nước có trên 2.500 DN gỗ trong đó khoảng 600 DN tham gia XK nhưng mới chỉ có chưa đầy 190 đơn vị có được chứng chỉ FSC (Hội đồng quản trị rừng quốc tế).

Điều này đồng nghĩa với việc cơ hội để các DNXK đồ gỗ vào thị trường Mỹ là rất nhỏ. Còn bà Trịnh Phan Hồng Minh - Văn phòng SAA Products (Hồng Kông) tại Việt Nam, chuyên mua đồ gỗ XK cũng khẳng định chỉ chưa đầy 50% DN gỗ trong nước có thể đáp ứng được những điều kiện của Luật Lacey và Luật Flegt.

Theo ông Trần Quốc Mạnh – TGĐ Cty Sadaco kiêm PCT Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) hiện các cơ quan quản lý nhà nước chưa có văn bản hướng dẫn DN thực thi luật này. Việt Nam và Mỹ cũng chưa thống nhất được cơ quan nào được giao nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận cho DNXK vào thị trường Mỹ sau ngày 1/4. Còn ông Nguyễn Tôn Quyền - Chủ tịch Vietfores cho biết Hiệp hội đang phối hợp với các đơn vị chức năng thành lập tổ công tác quốc gia nhằm giúp đỡ DN thực thi những quy định của Luật Lacey và Luật Flegt (những quy định tương đương với Luật Lacey, có hiệu lực từ tháng 1/2012).

Nhưng cũng phải đến tháng 5/2010, Vietfores mới tổ chức tập huấn cho DN ngành gỗ những thông tin cần thiết để áp dụng trong quá trình mua nguyên liệu SX, XK gỗ vào thị trường Mỹ. Trao đổi với chúng tôi về điều này, nhiều DN XK đồ gỗ ngao ngán. Một số DN nói thẳng, qua sự việc này đã cho thấy sự thiếu nhạy bén của một số cơ quan quản lý ngành XK đồ gỗ. Các DN gỗ đề nghị Nhà nước hướng dẫn ngay cho họ những công đoạn, lộ trình cần thiết nhằm thực thi luật hiệu quả. Nhưng DN cũng lo ngại việc thực thi đạo luật nếu làm không khéo, có thể bị biến tướng thành cơ chế “xin- cho” thì DN càng thêm… chết.

Xem thêm
Tiêu thụ điện lập kỷ lục mới trong những ngày đầu nghỉ lễ

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng tiêu thụ điện ngày cả nước và công suất cực đại hệ thống điện đã đạt kỷ lục mới.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.

Bình luận mới nhất