| Hotline: 0983.970.780

'Đỏ mắt' tìm lao động đi biển

Thứ Tư 22/02/2023 , 08:57 (GMT+7)

Đang vào chính vụ đánh bắt cá ngừ đại dương, nhưng các chủ tàu cá ở Bình Định tuyển không được lao động, nên nhiều tàu đành phải neo bờ, sản lượng đánh bắt giảm.

Tìm không ra lao động đi biển hàng loạt tàu cá nằm bờ

Bình Định hiện có 5.963 chiếc tàu thuyền tham gia đánh bắt trên biển, trong đó có hơn 3.200 chiếc có công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ. Theo Sở NN-PTNT Bình Định, từ đầu năm đến nay, tổng số tàu cá của ngư dân Bình Định hoạt động đánh bắt chỉ khoảng 4.434 chiếc; trong đó, tàu khai thác gần bờ có 2.350 chiếc, tàu khai thác xa bờ 2.084 chiếc.

So sánh những con số nói trên cho thấy, những tháng đầu năm 2023, ở Bình Định có hơn 1.500 chiếc tàu cá không tham gia đánh bắt, trong đó có 1.116 chiếc tàu cá có công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ. Ngoài nguyên nhân giá nhiên liệu tăng, đánh bắt không đạt sản lượng, lý do kiếm không ra lao động đi biển cũng khiến nhiều tàu cá đành phải neo bờ.

Empty

Cá ngừ đại dương đang hạ giá, lao động đi biển kiếm không ra, nhiên vật liệu đều tăng giá nên tàu đánh bắt cá ngừ đại dương không dám ra khơi vì sợ thua lỗ. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ngư dân Trần Văn Rảnh, chủ tàu hậu cần nghề cá mang số hiệu BĐ 94300 TS (785CV) ở thôn Vĩnh Lợi, xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ, Bình Định), dù mỗi chuyến ra khơi thu mua hải sản không phải sử dụng nhiều lao động nhưng anh Rảnh phải “đỏ mắt” mới kiếm ra người đi bạn cho tàu của mình. Nguyên nhân  là do số lượng tàu cá ngày càng nhiều nên lao động đi biển ngày càng khan hiếm. Những năm trước đây, tàu đánh bắt thủy sản sử dụng nhiều lao động muốn có bạn đi chuyến biển hơn 20 ngày chỉ phải ứng trước cho thuyền viên mỗi người 4-5 triệu đồng, nay tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá chỉ sử dụng có 4 lao động nhưng muốn có người đi biển phải ứng trước mỗi người 7 triệu đồng, dù chuyến biển chỉ kéo dài 16 ngày.

“Nếu thuyền viên là người thân trong gia đình thì đi xong chuyến biển về họ mới lấy tiền, người lạ thì chủ tàu phải ứng trước. Nhiều khi lấy tiền ứng xong người đó trốn mất, làm chủ tàu bấn lên vì nhiên liệu đã đổ xong, đá lạnh đã đầy tàu mà không đủ bạn thì cũng chẳng thể ra khơi. Mỗi chuyến biển tàu của tôi chỉ sử dụng 4 thuyền viên, 2 cha con tôi đi làm là đã đỡ 2 suất bạn, chỉ còn 2 người nữa mà nhiều khi kiếm không ra”, ngư dân Trần Văn Rảnh chia sẻ.

Còn theo ngư dân Võ Thế Dư ở thôn Đức Phổ, xã Cát Minh (huyện Phù Cát), nghề biển bây giờ làm ăn rất khó khăn, nhiên liệu tăng giá cao ngất, nhu yếu phẩm món gì cũng tăng; đánh bắt sản lượng lại giảm vì nguồn lợi thủy sản có chừng, trong khi số lượng tàu cá thì tăng trưởng không ngừng. Thêm vào đó, lao động đi biển ngày càng khan hiếm, nên chủ tàu cá muốn có bạn đi biển phải “mua”, trước khi tàu ra khơi chủ tàu phải ứng trước mỗi thuyền viên 10 triệu đồng họ mới đi. Nếu tàu hành nghề lưới vây đánh bắt cá ngừ sọc dưa phải sử dụng đến 14-15 thuyền viên thì càng khó kiếm đủ bạn để mở biển.

Empty

Nghề lưới vây đánh bắt cá ngừ sọc dưa sử dụng rất nhiều lao động. Ảnh: V.Đ.T.

“Xã Cát Minh trước đây có trên 300 tàu cá, nhưng không có tàu lớn, hầu hết tàu ở đây đều có chiều dài dưới 15m chuyên hoạt động tại các vùng biển ở miền Nam. Tháng Giêng vừa rồi chỉ có 7 chiếc đi đánh bắt ở vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu nhưng tàu nào cũng bị lỗ, tháng 2 này cũng chưa có đến 10 chiếc đi đánh, số tàu còn lại hầu hết đều neo bờ vì tìm không ra bạn và sợ thua lỗ”, ngư dân Võ Thế Dư cho hay.

Kỹ thuật đánh bắt mới vừa hiệu quả, vừa giảm nhu cầu lao động

Lão ngư Bùi Thanh Ninh ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc (thị xã Hoài Nhơn), người hiện có đội tàu 7 chiếc chuyên đánh bắt xa bờ hành nghề lưới vây rút chì, có lẽ là chủ tàu “thấu đáo” nhất về nỗi khổ kiếm bạn đi biển hiện nay. Theo lão ngư Ninh, nếu tàu hành nghề câu cá ngừ đại dương thì mỗi chuyến biển chỉ cần 4 lao động, nhưng tàu hành nghề lưới vây rút chì vì phải vận hành cả lưới lẫn khoen nặng đến vài tấn nên phải cần đến 13-14 lao động.

Empty

Lao động đi biển làm việc rất nặng nhọc, nguy hiểm luôn bủa vây. Ảnh: V.Đ.T.

“Để giữ được lao động cho 7 tàu cá hầu hết là hành nghề lưới vây đánh bắt cá ngừ sọc dưa, tôi phải luôn chuẩn bị sẵn tiền để ứng trước cho thuyền viên. Trước mỗi chuyến biển, mỗi tàu 14 thuyền viên tôi phải ứng trước mỗi người 4 triệu đồng, vị chi là 56 triệu đồng cho mỗi chiếc tàu. Sau chuyến đánh bắt, bán sản phẩm xong, khi chia tiền nếu thu nhập của thuyền viên trong chuyến biển ấy được 10 triệu đồng/người thì sau khi trừ 4 triệu tiền ứng trước, tôi sẽ đưa thêm mỗi người 6 triệu đồng nữa. Còn nếu chuyến biển ấy không đánh bắt được gì, lỗ tổn, thì tôi phải chịu mất khoản tiền ứng trước cho thuyền viên trong chuyến biển đó. Chuyến biển sau lại phải ứng cho thuyền viên như vậy trước khi cho tàu ra khơi”, lão ngư Bùi Thanh Ninh chia sẻ.

Nhắc đến tình hình lao động đi biển hiện nay, lão ngư Ninh “chắp lưỡi” nói ngay: “Khó vô cùng!”, rồi ông cho biết tiếp: Hiện nay, các nghề đánh bắt thủy sản đều làm ăn thất bát, đi chuyến biển hơn 20 ngày mà nếu chuyến nào đánh bắt đạt sản lượng mỗi thuyền viên cũng chỉ kiếm được 4-5 triệu đồng. Trong khi đi biển sóng gió cơ cực, nguy hiểm luôn rình rập, nên nhiều lao động không còn tha thiết với nghề biển như trước đây.

Empty

Thu nhập lao động đi biển hiện nay rất thấp, nên tàu cá khó kiếm đủ thuyền viên đi biển. Ảnh: V.Đ.T.

Thời gian trước, lúc biển còn no, thậm chí nhiều nông dân còn bỏ ruộng xuống biển làm nghề đi bạn, chấp nhận sóng gió để kiếm mỗi chuyến biển hơn 10 triệu đồng. Nay thu nhập của nghề biển quá bấp bênh, lúc đánh bắt có sản lượng thu nhập cũng rất thấp, nên nông dân bây giờ bám ruộng chứ không xuống biển kiếm việc như trước nữa, chỉ những thanh niên sinh ra ở những làng biển mới còn bám nghề. Tàu cá đánh bắt xa bờ ngày càng nhiều, lao động nghề biển ngày càng giảm nên tình trạng tàu cá không kiếm ra thuyền viên đi biển là điều tất nhiên.

“Thanh niên bây giờ hầu hết đều đổ xô về các khu công nghiệp để kiếm việc. Làm việc trong mát, đều công, lại không phải chịu sóng gió, không bị nguy hiểm bủa vây, mà mỗi tháng kiếm đều đều 5-6 triệu đồng nên các khu công nghiệp hút hết lao động của nghề biển. Giải pháp duy nhất để hạn chế nạn thiếu lao động nghề biển là ngành chức năng phải quy hoạch giảm đánh bắt chứ không còn cách nào khác”, lão ngư Bùi Thanh Ninh tâm tư.

Cũng theo lão ngư Bùi Thanh Ninh, 2 năm gần đây, nghề lưới vây rút chì nảy sinh ra kỹ thuật đánh bắt mới nên vừa đạt sản lượng, vừa đỡ sử dụng lao động. Hiện nay, những tàu hành nghề lưới vây không còn chở cả chục thuyền viên ra khơi chạy “lông nhông” trên biển kiếm đàn cá nữa, mà tàu nào cũng đặt chà ngoài biển đủ dụ cá.

Empty

Cá ngừ sọc dưa đang tăng cao, lại có kỹ thuật đánh bắt mới nên tàu lưới vây làm ăn hiệu quả. Ảnh: V.Đ.T.

Chà là tàu dừa, cây bụi được cột dính chùm thành bó to, dùng neo để giữ chà nổi lềnh bềnh trên mặt biển. Chà được đặt dọc vùng biển thuộc ngư trường Trường Sa và ven các đảo. Mỗi điểm đặt chà luôn có 4 ngư dân trên những chiếc tàu có công suất nhỏ túc trực 24/24, họ dùng thiết bị chuyên dụng để dò cá, nếu dò thấy cá liền gọi tàu lớn mang lưới ra đánh bắt. Kiểu làm này vừa đạt sản lượng, vừa đỡ tốn lao động, lại vừa đỡ hao tốn nhiên liệu như trước đây. Cá ngừ sọc dưa hiện đang tăng giá đến gần 30.000đ/kg, nên tàu hành nghề lưới vây đánh bắt có hiệu quả. Chỉ cá ngừ đại dương thì đang xuống giá nghiêm trọng, hiện chỉ còn 105.000đ-110.000đ/kg, giảm 42.000đ-45.000đ/kg so cùng kỳ năm trước, nên tàu hành nghề đánh bắt cá ngừ đại dương không muốn ra khơi đánh bắt sợ thua lỗ.

“Cá ngừ sọc dưa thuộc loài cá nổi thích “nấp bóng”, nên thường đi thành đàn “dựa” theo bóng cây trôi trên biển. Trước đây, tàu đánh bắt cá ngừ sọc dưa sau khi ra đến ngư trường cứ chạy chầm chậm trên biển, ngư dân đứng 2 bên mạn tàu mắt chong ra biển tìm những cây gỗ trôi. Phía dưới những cây gỗ trôi thường có những đàn cá lớn. Bây giờ, ngư dân dựa theo thuộc tính của ngừ sọc dưa nên đặt chà để dụ cá. Kỹ thuật đặt chà không những mang lại hiệu quả kép cho những tàu hành nghề lưới vây, mà mỗi điểm đặt chà như 1 cột mốc trên biển, rất có ý nghĩa khi ngư dân thường xuyên có mặt trên biển để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”, lão ngư Bùi Thanh Ninh chia sẻ.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

2 người ở Hà Giang bị thương do thiên tai

Mưa lớn kèm gió lốc đêm 4, ngày 5/5 trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã khiến 2 người bị thương và 378 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng.