Lực lượng KL Phong Nha - Kẻ Bàng tuần tra giữ rừng
Những vụ lâm tặc tấn công lực lượng bảo vệ rừng ở Quảng Bình cứ liên tiếp xảy ra với tính chất ngày càng nghiêm trọng. Trong đó, việc giữ rừng ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng càng khốc liệt hơn vì sự đối đầu, liều lĩnh của lâm tặc.
Những cuộc “dằn mặt”
Theo ông Phan Hồng Thái - Hạt trưởng Hạt KL Phong Nha - Kẻ Bàng (thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng), việc lâm tặc tấn công lực lượng KL xảy ra liên tục. Nhẹ thì chửi bới, hăm dọa, nặng thì động thủ bằng gạch đá, dao rựa... Gần đây nhất là vụ việc xảy ra tại 2 xã Phúc Trạch và Xuân Trạch (Bố Trạch), lâm tặc tổ chức thành nhóm hàng chục người tấn công 4 kiểm lâm viên thuộc Trạm kiểm lâm Chà Nòi và Trạm kiểm lâm Trộ Mợng (thuộc Hạt KL Phong Nha - Kẻ Bàng) bằng gậy gộc, dao kiếm. Nhiều người bị chém đổ máu, phải phá vòng vây, dìu nhau chạy lên núi đá để lánh nạn.
Đỉnh điểm trong năm 2011 là vụ một nhóm các đối tượng trú ở xã Thượng Hoá (Minh Hoá - Quảng Bình) tấn công tổ KL tại khu vực rừng già xã Thượng Hoá. Sau đó, nhóm lâm tặc này đã bắt giữ 3 kiểm lâm viên và đòi tiền chuộc 25 triệu đồng. Lực lượng Bộ đội biên phòng, công an, chính quyền đã giải cứu các con tin và truy bắt được các đối tượng.
Theo anh Nguyễn Hải Nam, Đội trưởng Đội cơ động (Hạt KL Phong Nha - Kẻ Bàng), không chỉ sẵn sàng đánh để dằn mặt lực lượng kiểm lâm mà lâm tặc, vợ con họ còn kéo đến Trạm KL chửi bới, lăng nhục, hăm dọa là thường xuyên. Một kiểm lâm viên đã từng bị đánh (xin giấu tên) nói: "Chúng ngang nhiên vây đánh chúng tôi mà không cần lý do nào. Anh em chúng tôi nằm viện thế này, còn chúng, sau một tháng, vẫn không có tên nào bị truy xét".
Ông Phan Hồng Thái cho hay, từ đầu năm đến nay xảy ra khoảng 15 vụ tấn công, hành hung đe dọa của các đối tượng xấu nhằm vào lực lượng kiểm lâm của đơn vị đang trực tiếp bảo vệ rừng của Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Thôi hợp đồng vì... quá khổ
“Dù đã qua năm thứ 9 vinh dự làm lực lượng bảo vệ rừng cho Di sản, nhưng đến nay còn có 7/11 trạm KL bảo vệ rừng của Hạt vẫn trong tình cảnh ở nhà lán trại, thắp đèn dầu và không có điện thoại liên lạc” - ông Thái, Hạt trưởng cho hay. Nhiều trạm cảnh tạm bợ, chật chội, ở vùng hẻo lánh vắng cả những lời thăm hỏi.
Anh Phạm Xuân Cường, kiểm lâm viên đã trực ở chốt cho hay: “Tiếng là sống trong lòng Di sản nhưng đời sống anh em quá khổ. Sinh hoạt thì đắt đỏ. Chế độ thì cũng không có thêm được sự hỗ trợ nào. Có những cái Tết, anh em trực trên đỉnh đèo Mụ Giạ để giữ rừng luôn cả mấy ngày Tết cứ như bộ đội thời chiến”.
Cách đây mấy năm, có nguồn kinh phí từ dự án trồng rừng 661, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có hợp đồng bảo vệ rừng gần 200 người với mức lương gần 800 ngàn đồng/tháng. Lúc đầu, anh em hợp đồng cũng hồ hởi làm việc, hăng say tuần rừng, dám đối đầu với lâm tặc. Dần dần, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, ăn uống lại kham khổ, áp lực công việc đè nặng nên lần lượt nhiều anh em xin thôi, chấm dứt hợp đồng. Bây giờ chỉ còn mấy chục anh em còn theo nghề và nuôi hy vọng có được suất hợp đồng chính thức.
Anh Vũ Văn Long (đã thôi làm hợp đồng bảo vệ rừng), bộc bạch: “Nói thật lòng thì vào làm kiểm lâm ai mà không muốn. Nhưng sự thật thì khác, làm việc cật lực mà thu nhập không đủ ăn, không đủ mua xăng mà chạy xe máy đi làm thì lấy cái gì mà nuôi vợ con. Với cánh trẻ thì có oai một chút nhưng không mua nổi cho mình bộ áo quần đi chơi với bạn gái".
Ông Phan Hồng Thái cũng rất chia sẻ: “Sắp tới, nguồn dự án 661 cũng chấm dứt. Số anh em bám trụ mấy năm nay cũng chưa biết xử lý ra sao. Hiện biên chế của đơn vị có 125 người cũng còn thiếu đến cả trăm người nữa. Nhưng chỉ tiêu biên chế hay hợp đồng cũng chưa thấy gì cả. Bây giờ chỉ biết động viên anh em làm việc bằng trách nhiệm của hai, ba người góp lại mới có thể giữ được rừng Di sản”.