| Hotline: 0983.970.780

Đổ mồ hôi sôi nước mắt

Thứ Hai 30/09/2013 , 09:46 (GMT+7)

Về thị trấn Óc Eo, (huyện Thoại Sơn, An Giang), hỏi tên ông Danh Văn Dưỡng, ai cũng biết. Từ mấy năm nay, ông trở nên nổi tiếng khắp vùng. Bởi ông là “cha đẻ” của giống lúa Hồng Ngọc có mùi hương thơm ngát, tỏa đi ngày càng xa.

Họ là nông dân thứ thiệt. Không được đào tạo bài bản, không vốn liếng nhưng ngày đêm "đổ mồ hôi sôi nước mắt" mà giờ đây họ không chỉ trở thành tỉ phú mà còn ươm cho đời những hạt giống tốt. Về miền Tây gặp họ mới thấy câu thơ: “Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” của nhà thơ Hoàng Trung Thông thật đúng.

NGƯỜI KHAI SINH RA NHỮNG HẠT NGỌC

Về thị trấn Óc Eo, (huyện Thoại Sơn, An Giang), hỏi tên ông Danh Văn Dưỡng, ai cũng biết. Từ mấy năm nay, ông trở nên nổi tiếng khắp vùng. Bởi ông là “cha đẻ” của giống lúa Hồng Ngọc có mùi hương thơm ngát, tỏa đi ngày càng xa.

DUYÊN TIỀN ĐỊNH

Gặp ông Dưỡng, tôi khá bất ngờ khi biết ông xuất thân là một giáo viên tiểu học. “Năm 1987, lúc tôi đang là giáo viên thì được UBND huyện điều sang làm thư ký ủy ban vì bên đó thiếu cán bộ. Hết nhiệm kỳ nên tôi xin nghỉ ở nhà làm ruộng luôn. Ngày xưa, vùng này chỉ trồng lúa chuyên canh 1 vụ, làm cực mà năng suất rất thấp. Mình về làm ruộng mới thấm cái vất vả của cha mẹ, của bà con nông dân. Lúc đó tôi bắt đầu nhen nhúm tìm cách giúp mình, giúp bà con”, ông Dưỡng kể.


“Nhà khoa học” nông dân Danh Văn Dưỡng

Năm 2006, ông được chọn tham gia lớp tập huấn giáo viên nông dân ở Viện Nghiên cứu lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Tại đây, ông gặp một nông dân ở huyện Hòn Đất (Kiên Giang), có cùng đam mê lai tạo lúa nhưng chưa thành công. Và, người bạn này đưa cho ông một bông lúa có những hạt đỏ, trắng lẫn lộn, nhìn rất lạ và cho biết, giống lúa này đã được anh ta lai tạo từ ba giống lúa Jasmine, OM 3536 và giống lúa đỏ Tàu Binh.

“Bông lúa đang ở giai đoạn phân ly mạnh. Tui mang về, chọn ra những hạt màu đỏ để làm giống. Năm 2007, tui bắt đầu gieo hạt và cho lai với giống OM 4926 giàu sắt. Kết quả lần đầu lai giống “chẳng biết giống gì”, cây gốc đỏ, gốc trắng, cao thấp, hạt trắng, hạt đỏ… lẫn lộn lung tung. Tôi tiếp tục tìm sách, tài liệu nghiên cứu và làm tiếp. Lần thứ 2, tôi tiến hành cùng lúc hai tổ hợp lai là lai giữa HD4 với lúa đỏ chọn ra từ dòng lai đầu tiên, và tổ hợp lai thứ 2 là lai giữa giống HD1 với OM 4926. Kết quả lần này tốt hơn, hạt lúa có gạo màu đỏ hồng, đều và mùi thơm đặc trưng, đậm hơn giống OM 4926”, ông Dưỡng kể tiếp.


Ông Danh Dưỡng và những “đứa con” Hồng Ngọc Óc Eo của ông

Những vụ tiếp theo, ông Dưỡng tiếp tục cho lai tạo để cho ra giống lúa thuần và sau mỗi vụ lai tạo, kết quả lại tốt hơn khiến ông rất phấn khởi. “Lúc tôi mang giống OE1, OE2 xuống cấy, cho năng suất 9 tấn/ha thì bà con ai ngạc nhiên lắm, thi nhau đến mua giống. Đến nay thì giống thuần của tôi đã là OE6, cũng cho năng suất khoảng 9 tấn/ha. Hạt gạo vẫn giữ màu đỏ hồng, mùi thơm đậm hơn cả F1 Jasmine", ông Dưỡng nhớ lại.

Ngay sau đó, tiếng tăm ông Dưỡng đã nổi như cồn, giống lúa mới của ông được nhiều nhà khoa học biết đến, chính quyền huyện Thoại Sơn chọn làm giống đặc sản địa phương.

Tôi hỏi: “Cái tên Hồng Ngọc Óc Eo rất đẹp, mềm mại, từ đâu chú nghĩ ra cái tên này?”. Ông Dưỡng cười đáp: “Vì hạt gạo có màu hồng, còn Ngọc là hạt ngọc, ý nói rất quí. Thêm nữa, không chỉ gạo mới có mùi thơm mà cây lúa từ lúc mới lên xanh đã có mùi thơm rồi. Nghĩa là mùi thơm từ thân, lá chứ không phải từ bông chín. Cái tên này tôi rất thích, nó giống như người con gái Khmer, mềm mại, thướt tha và quí phái”.


Hạt Ngọc Óc Eo, giống lúa đang giúp hàng trăm nông dân ở ĐBSCL tăng thêm thu nhập

"CHẲNG AI HỖ TRỢ"

Càng về chiều, trời càng mưa nặng hạt, tôi ngần ngừ một lúc lâu mới đề nghị ông Dưỡng đưa tôi đi chiêm ngưỡng cánh đồng lúa OE. Ông Dưỡng nghe xong lấy áo mưa trùm lên và nói liền: “Được mà, tôi đưa chú đi đường tắt sang Hậu Giang, trên đường ghé qua đồng luôn”.

Cánh đồng lúa OE của ông Dưỡng nằm trên con đường trải đan nhỏ, gần Khu di tích văn hóa Gò Cây Thị (di chỉ văn hóa Óc Eo). Chạy theo ông chừng 10 phút, tôi biết đã đến cánh đồng trồng lúa OE, bởi mùi thơm ngan ngát như hương cốm khiến tôi bất giác hít căng lồng ngực. Điều lạ là ngay cả khi trời mưa, vẫn có mùi thơm. Ông Dưỡng dừng xe, nói: “Với giống lúa OE, khi vừa trổ được 3 lá là bắt đầu tỏa hương thơm cho đến khi thu hoạch. Trời càng khô hanh, mùi thơm càng ngào ngạt. Gạo cũng thơm, nấu thành cơm lại càng thơm hơn”.


Ông Dưỡng và cánh đồng lúa OE6

“Nhà khoa học” nông dân Danh Dưỡng cho biết, OE6 có thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ khoảng 90 ngày, bông đùm với trung bình khoảng 400 hạt/bông. Thân cây cứng và có khả năng chống chịu được nhiều loại sâu bệnh. Giống này có thể trồng trên vùng cao Bảy Núi vẫn chịu hạn tốt. Hoặc chịu được mặn như vùng biển Trà Vinh, Kiên Giang, Cà Mau. Vì thế, năm 2013 này, giống OE6 của đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh ĐBSCL.

“Qua trồng thử nhiều nơi ở ĐBSCL trên các loại đất như phù sa, phèn, mặn ven biển… đều cho kết quả giống OE thích nghi với nhiều loại đất, chống chịu tốt và kháng sâu bệnh cao. Đây có thể là giống lúa phù hợp với sự biến đổi khí hậu. Nhưng, nếu không qui hoạch thành vùng chuyên canh thì qua thời gian, giống OE4 bị thoái hóa. Do đó, địa phương cần quy hoạch làm chuyên canh, nhiều vụ thì chất lượng và năng suất giống OE mới cao. Đồng thời, phải có Cty bao tiêu sản phẩm để nông dân có đầu ra ổn định”, ông Dưỡng nói.

Hiện nay, một doanh nghiệp tại TP.HCM đã bao tiêu sản phẩm giống lúa OE6 trên diện tích 60 ha ở thị trấn Óc Eo với giá 10 ngàn đồng/kg, trong khi lúa thường chỉ ở mức 6.000 đồng/kg.

“Tôi đã trồng thử giống OE từ những vụ đầu nó xuất hiện, thấy năng suất và giá bán cao, chi phí sản xuất thấp. Giờ toàn bộ diện tích gần chục hécta tôi trồng hết giống này. Bà con ở đây cũng đang trồng giống lúa OE của thầy Dưỡng rất nhiều. Nghe đâu riêng Óc Eo đã lên cả gần trăm hécta rồi. Tôi làm ruộng mấy chục năm nay chưa thấy giống lúa nào nở bụi nhanh như Hồng Ngọc Óc Eo. Bình quân một bụi lúa đẻ trên 10 nhánh, thân lúa cứng không bị đổ ngã lại đề kháng tốt với sâu, rầy, dịch bệnh”, ông Hiệp, một nông dân xã Vọng Thê nói.

Ông Dưỡng tâm sự: “Các nhà khoa học chuyên nghiên cứu thì được hỗ trợ nhiều mặt. Còn nông dân mà làm khoa học, chẳng có ai hỗ trợ. Nếu thành công thì mình cùng hưởng với bà con, còn thất bại thì chỉ mình mình âm thầm…chịu, chẳng ai biết. Chưa kể gặp rất nhiều khó khăn như trình độ, tài liệu… Vì thế, với các nhà nghiên cứu, chỉ cần khoảng hai năm (mỗi năm ba vụ) lai tạo là có thể cho ra đời bộ giống mới thuần. Còn tôi, mất hơn 3 năm trời, 10 vụ lai mới thu được kết quả”. May mắn là ông lai tạo thành công rực rỡ.

“Tháng 7/2013 vừa qua, thương hiệu lúa Hồng Ngọc Óc Eo đã được Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ KHCN cấp chứng nhận thương hiệu “Lúa Hồng Ngọc Óc Eo”. Tôi cũng đã gửi hồ sơ lên UBND, Sở NN-PTNT tỉnh An Giang xin công nhận giống lúa đặc sản địa phương và công nhận giống lúa cấp Quốc gia.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT và lãnh đạo tỉnh An Giang thì giống lúa này rất đặc trưng nên việc công nhận giống lúa đặc sản địa phương không có trở ngại gì. Do tôi chỉ là nông dân nên mọi thủ tục xin cấp chứng nhận phải nhờ đến các cơ quan chức năng”, ông Dưỡng cho biết.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Thủy lợi - nền tảng vững chắc cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Đồng Tháp Các hệ thống thủy lợi nội đồng giúp kiểm soát nguồn nước hiệu quả hơn, nhờ đó nông dân có thể canh tác 3 vụ lúa/năm với năng suất tăng 15% so với trước đây.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hải Phòng khai trương dự án Chính quyền số

HẢI PHÒNG Chiều 21/11, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức lễ khai trương Dự án ‘Chính quyền số’ để chào mừng ngày chuyển đổi số quốc gia 2024.