| Hotline: 0983.970.780

Đoàn kết, sáng tạo xây dựng nông thôn văn minh, giàu đẹp

Thứ Tư 13/03/2019 , 11:11 (GMT+7)

Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chương trình tổng thể, mang tính sâu rộng, có nội dung toàn diện bao gồm tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, an ninh - quốc phòng.

Đây là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng, Nhà nước; đã và đang được nhân dân huyện Bắc Hà (Lào Cai) đồng tình, hưởng ứng nhằm quyết tâm xây dựng quê hương Bắc Hà ngày một đổi mới, giàu đẹp, văn minh, trở thành một trong những trung tâm kinh tế - văn hóa, trọng điểm du lịch của tỉnh Lào Cai. 

r-qun-ntm-x-bn-pho121906503
Ra quân làm đường GTNT ở xã Bản Phố

Bắc Hà là một trong những huyện nghèo của cả nước và là trong 3 huyện nghèo của tỉnh Lào Cai được thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Toàn huyện có 21 xã, thị trấn với 189 thôn, tổ dân phố; trong đó có tới 17 xã đặc biệt khó khăn. Huyện có 14 dân tộc sinh  sống, gồm Mông, Dao, Phù Lá, La Chí, Tày, Nùng,….; dân tộc thiểu số chiếm 81,37%, đồng bào Mông chiếm 44,15% dân số của huyện. Trình độ dân trí còn hạn chế, đời sống khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao; cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật còn thiếu thốn.

Với quan điểm xây dựng NTM là nhiệm vụ lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là một trong những nhiệm vụ quan trọng để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bắc Hà đã và đang nỗ lực thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng NTM.

Sau hơn 8 năm triển khai chương trình, bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện Bắc Hà đã có nhiều khởi sắc. Hết năm 2018, huyện có 3 xã Tà Chải, Bảo Nhai, Na Hối được công nhận đạt chuẩn NTM; bình quân số tiêu chí hoàn thành là 10,8 tiêu chí/xã; có 11 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu.

Chương trình đã và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ, được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng thông qua các việc làm thiết thực, cụ thể như bà con tự nguyện đóng góp tiền của, công sức, hiến đất để mở đường và xây dựng các công trình phúc lợi. 8 năm qua, Bắc Hà đã huy động được 64, 42 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong năm 2018, nhân dân đã đóng góp, ủng hộ 11,37 tỷ đồng, trong đó hơn 6,78 tỷ đồng tiền mặt, trên 8.200 ngày công lao động; hiến trên 81.000 m2 đất và nhiều hiện vật có giá trị khác.

Trên cơ sở thực tế tình hình địa phương, khó khăn và thuận lợi, huyện Bắc Hà đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả 5 nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2016 – 2020. Trước tiên xác định phát triển SX, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện tốt xây dựng NTM. Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để đẩy mạnh phát triển kinh tế phù hợp với từng hộ gia đình, từng vùng, từng địa phương.

Chủ động chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao vào SX; xây dựng thương hiệu sản phẩm, hình thành tổ liên kết, chuỗi liên kết SX hiệu quả; hỗ trợ vốn phát triển SX; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Vận động người dân học nghề gắn với giải quyết việc làm là những công việc thiết thực huyện đã triển khai trong thời gian qua. Qua đó, nông nghiệp Bắc Hà có bước tiến rõ nét, tốc độ tăng trưởng ngành bình quân luôn đạt ở mức trên 9%/năm.

Hết năm 2018, tỷ trọng ngành nông- lâm nghiệp trong GRDP chiếm 35,5%. Giá trị SX trên đơn vị canh tác đạt 39,4 triệu đồng/ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 37,8%. Không chỉ phát triển nông lâm nghiệp, huyện còn  chú trọng phát triển ngành nghề nông thôn, tập trung phát triển mạnh ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như xây dựng, làm mộc, nghề thêu, may và dịch vụ, du lịch cộng đồng,… nhằm đa dạng hóa nguồn thu, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

Trên địa bàn hiện có 02 làng nghề, 127 DN, HTX hoạt động hiệu quả. Giá trị SX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo giá so sánh đạt 133,5 tỷ đồng, theo giá thực tế đạt 182,8 tỷ đồng, đạt 140,6% kế hoạch (không tính giá trị thủy điện). Đến nay, GRDP bình quân đầu người đạt 26,8 triệu đồng/người/năm. Tính riêng năm 2018, số hộ nghèo đã giảm 1.335 hộ, tỷ lệ giảm nghèo 10,67%, là huyện có tỷ lệ giảm nghèo cao nhất tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo còn lại chiếm 28,25%.

Trong xây dựng NTM, giao thông là một trong những tiêu chí quan trọng để tạo sức bật phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các tiêu chí khác. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm thời gian qua, Bắc Hà đã xây dựng được nhiều con đường bê tông khang trang sạch đẹp nối liền các xã, khu dân cư.

Toàn huyện đã thực hiện được 742,7km đường giao thông nông thôn trong đó làm mới 188,7km, nâng cấp cứng hóa 554km. Đến nay, 100% các tuyến đường từ huyện đến trung tâm xã được nhựa hoặc bê tông hóa, 86% đường trục xã cứng hóa, trong đó đường bê tông đạt 63%; đường trục thôn, liên thôn cứng hóa đạt trên 50%. Kết quả này đã góp phần đưa 08 xã của huyện Bắc Hà đạt tiêu chí về giao thông.

Ngoài ra việc xây dựng nếp sống văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện đẩy mạnh thực hiện. Nhiều địa phương thực hiện tốt nếp sống văn hóa mới, cảnh quan môi trường nông thôn khởi sắc, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan được xóa bỏ, phát huy giá trị truyền thống của dân tộc, đề cao chuẩn mực đạo lý, thuần phong mỹ tục, phòng, chống các tệ nạn xã hội.

Đặc biệt, công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở Bắc Hà được thực hiện nghiêm túc. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được triển khai đồng bộ, rộng khắp. Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày18/4/2017 về việc lãnh đạo ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện đến năm 2020 đã làm cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện. Nhiệm vụ cải tạo vệ sinh môi trường nông thôn đang có sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, đoàn thể và được nhân dân tích cực hưởng ứng.

 

(Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bắc Hà, tỉnh Lào Cai)

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.