| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp cần làm rõ để người dân hiểu về mã số vùng trồng sầu riêng

Thứ Hai 10/10/2022 , 17:28 (GMT+7)

Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung nêu quan điểm trước thông tin người dân không biết vườn sầu riêng của mình nằm trong mã số vùng trồng xuất khẩu Trung Quốc của doanh nghiệp.

Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung cho rằng các bên liên quan cần làm rõ để người dân hiểu đúng về mã số vùng trồng sầu riêng. Ảnh: Tùng Đinh.

Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung cho rằng các bên liên quan cần làm rõ để người dân hiểu đúng về mã số vùng trồng sầu riêng. Ảnh: Tùng Đinh.

Vừa qua, có thông tin người dân xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk, tỉnh Đăk Lăk bất ngờ khi vườn trồng sầu riêng của mình đã được cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc cho một doanh nghiệp mà họ không hề hay biết.

Để làm rõ vấn đề này, Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV, đơn vị quản lý hệ thống mã số vùng trồng cho sản phẩm sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo ông Hoàng Trung: “Có thể thấy, quá trình tuyên truyền, hướng dẫn và thu mua sầu riêng cho người dân đang bị Công ty TNHH TM Nông sản Thiện Tâm thực hiện không rõ ràng”.

Xin ông làm rõ về quy trình để cấp được một mã số vùng trồng cho sản phẩm sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc hiện nay?

Theo nội dung Nghị định thư giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc, những loại trái cây bao gồm sầu riêng muốn xuất khẩu sang thị trường này phải có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, theo các yêu cầu kỹ thuật phía bạn đưa ra.

Cụ thể hơn, bất cứ địa phương, doanh nghiệp hay người dân nào muốn có được mã số vùng trồng thì phải đảm bảo diện tích từ 10 ha trở lên. Điều này sẽ làm giảm sự manh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất và có được quy mô đủ lớn để áp dụng các biện pháp kiểm tra, kiểm soát cũng như ứng dụng khoa học kỹ thuật.

Về hiện trạng, diện tích sầu riêng ở các địa phương của chúng ta thường tập trung ở các hộ dân, quy mô chủ yếu từ 3 - 5 ha/hộ. Do đó, để có được các mã số vùng trồng ở quy mô lớn hơn, cần có sự chung tay, đoàn kết giữa các nhà vườn với hệ thống HTX cũng như các doanh nghiệp, cùng nhau áp dụng các yêu cầu của nghị định thư vào sản xuất.

Để thuận tiện cho quá trình làm thủ tục và kiểm tra cấp mã số vùng trồng, thông thường các HTX và doanh nghiệp sẽ tập hợp các nhà vườn với sự đồng thuận của người dân để có được diện tích đủ theo yêu cầu. Ngoài ra, người dân cũng có thể tự tập hợp và cử ra người đại diện để đứng tên sở hữu mã số vùng trồng.

Sau đó, những chủ sở hữu này sẽ làm văn bản đăng ký với Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tại địa phương để nhận được hướng dẫn và tổ chức kiểm tra thực tế tại vùng trồng đã đăng ký.

Nếu Chi cục xác định những diện tích này đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật thì sẽ hoàn thiện hồ sơ, gửi về Cục BVTV để tái kiểm tra thêm một lần nữa trước khi chuyển cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Tiếp theo, phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ đưa ra yêu cầu kiểm tra trực tuyến một số diện tích ngẫu nhiên. Trong quá trình này, chủ sở hữu của mã số vùng trồng và người dân có diện tích trong đó đều phải sẵn sàng để phía bạn kiểm tra, phỏng vấn.

Nếu hoàn tất được quá trình này, các mã số vùng trồng sẽ được phê duyệt, được gửi về Cục BVTV cũng như đăng tải trên website của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Khi đó, các Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật phải có trách nhiệm truyền tải thông tin đến các chủ sở hữu mã số vùng trồng trong khu vực để họ biết mã số đã được chấp thuận.

Ông Hoàng Trung kiểm tra sầu riêng trong quá trình sơ chế trước khi đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Hoàng Trung kiểm tra sầu riêng trong quá trình sơ chế trước khi đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Tùng Đinh.

Vậy nguyên nhân của vụ việc ở xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk, tỉnh Đăk Lăk mới được truyền thông đưa tin là gì, thưa ông?

Sau khi nắm được thông tin, chúng tôi đã yêu cầu Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật  Đăk Lăk kiểm tra, báo cáo đồng thời yêu cầu Công ty TNHH TM Nông sản Thiện Tâm - chủ sở hữu mã số vùng trồng VN - ĐLOR 0072 - làm rõ tại sao lại có hiện tượng này.

Cụ thể, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật Đăk Lăk khẳng định, quy trình làm hồ sơ, thủ tục và cấp phép cho mã số vùng trồng VN - ĐLOR 0072 hoàn toàn đúng theo quy định như tôi đã nêu ở trên.

Trong khi đó, phía Công ty TNHH TM Nông sản Thiện Tâm cũng cho biết đã làm việc với người dân và có hợp đồng, văn bản thỏa thuận đầy đủ với người dân trong quá trình làm thủ tục cho 220 ha sầu riêng của mã số này.

Ngoài ra, trong quá trình rà soát, Cục BVTV xác định mã số vùng trồng VN - ĐLOR 0072 nằm trong danh sách kiểm tra trực tiếp của phía Trung Quốc trước khi cấp phép. Điều này đồng nghĩa với việc đã có đại diện người dân tham gia vào quá trình kiểm tra này, chứ không phải là không ai biết.

Tuy nhiên, tôi cho rằng có thể trong số 220 ha sầu riêng của mã số vùng trồng VN - ĐLOR 0072, vẫn có người không nắm được thông tin về việc kiểm tra cũng như phê chuẩn của phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Trách nhiệm phổ biến thông tin này thuộc về Công ty TNHH TM Nông sản Thiện Tâm và Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật Đăk Lăk. Có thể thấy, quá trình tuyên truyền, hướng dẫn và thu mua sầu riêng cho người dân đang bị Công ty TNHH TM Nông sản Thiện Tâm thực hiện không rõ ràng.

Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã yêu cầu phí doanh nghiệp, cùng với Chi cục phải xuống địa phương để làm việc với chính quyền và người dân, dự kiến buổi làm việc sẽ diễn ra vào ngày 11/10.

Trong trường hợp có sự tranh chấp, sử dụng sai mục đích các mã số vùng trồng, xin ông cho biết về phương án xử lý của Cục BVTV?

Cục BVTV sẽ trực tiếp tổ chức các đoàn để kiểm tra, xác minh lại sự việc nói trên tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đăk Lăk. Nếu xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn hay vận hành một cách không thỏa đáng giữa người dân với doanh nghiệp thì chúng tôi sẽ thu hồi mã số này ngay lập tức, đồng thời thông báo cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Cũng phải nhấn mạnh thêm, mã số vùng trồng, là tài sản của đơn vị, cá nhân đứng tên chủ sở hữu chứ không phải là của riêng từng người có diện tích nằm trong mã số vùng trồng đó.

Khi xảy ra hiện tượng mạo danh, sử dụng mã số vùng trồng khi chưa nhận được sự cho phép thì chủ sở hữu có thể gửi văn bản cho Cục BVTV và chúng tôi sẽ có trách nhiệm bảo vệ tài sản này cho họ.

Cho đến nay, có thể khẳng định, Cục BVTV đang kiểm soát rất có hiệu quả và chưa để xảy ra bất kỳ trường hợp gian lận nào đưa hàng lọt qua được biên giới.

Kết quả này có được là do bao nhiêu mã số, của ai, diện tích bao nhiêu, sản lượng thế nào đều được các cơ quan kiểm dịch tại cửa khẩu nắm rất rõ, tổ chức kiểm tra rất bài bản theo yêu cầu của nghị định thư.

Ngoài ra, chúng tôi cũng kêu gọi sự đoàn kết của các doanh nghiệp, nếu không thì sẽ dẫn đến sự mâu thuẫn giữa người dân. Những mã số đã được cấp là cố định, không thay đổi nên nếu để xảy ra tình trạng mâu thuẫn, muốn thay đổi vườn với mã số thì tất cả sẽ bị hủy, là lại từ đầu.

Để duy trì và mở rộng hệ thống mã số vùng trồng sầu riêng, các doanh nghiệp cần đoàn kết và tạo ra sự đồng thuận với người dân. Ảnh: Tùng Đinh.

Để duy trì và mở rộng hệ thống mã số vùng trồng sầu riêng, các doanh nghiệp cần đoàn kết và tạo ra sự đồng thuận với người dân. Ảnh: Tùng Đinh.

Thưa ông, qua câu chuyện này chúng ta cần lưu ý điều gì để ngành sầu riêng có thể phát triển tốt, mang lại hiệu quả nhiều hơn nữa trong thời gian tới?

Theo tôi, doanh nghiệp, địa phương cùng với các Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật cần phải làm việc với nhau để tìm ra được giải pháp tốt nhất, để cho người dân hiểu rõ vấn đề.

Mục tiêu của chúng ta là duy trì những mã số vùng trồng đã được cấp, từ đó mở rộng diện tích và năng suất sầu riêng trong thời gian tới. Muốn làm được điều đó, chúng ta phải làm việc một cách bài bản, không để xảy ra tranh chấp, hiểu lầm không đáng có.

Vụ việc này là bài học để các chi cục ở địa phương phải tăng cường giám sát chặt chẽ hơn nữa và các doanh nghiệp phải là việc có trách nhiệm hơn với người dân để họ hiểu và đồng thuận, chung tay với nhau cùng sản xuất và xuất khẩu.

Đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt 76 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào quốc gia này, trong đó có 25 mã số cơ sở đóng gói.

Hiện sầu riêng Việt Nam có khá nhiều lợi thế khi giá cả cạnh tranh, chất lượng ngày càng tăng. Trước đó, Trung Quốc đã nhiều lần thử canh tác sầu riêng cao cấp ở các tỉnh như Vân Nam, Quảng Tây, Hải Nam nhưng chưa thành công.

Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng đạt 84,38 triệu USD, tăng 90,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 2,86 triệu USD, tăng 123%.

Xem thêm
Cái bắt tay lịch sử giữa De Heus, Hùng Nhơn và Olmix

HÀ NỘI Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, cái bắt tay lịch sử giữa De Heus, Hùng Nhơn và Olmix minh chứng cho câu chuyện hợp tác 'muốn đi xa phải đi cùng nhau'.

Gà đồi Phú Bình nức tiếng nhờ chăn nuôi an toàn sinh học

THÁI NGUYÊN Nhắc đến gà đồi Phú Bình là nhắc đến thương hiệu gà đẹp mã, khỏe mạnh, thịt rắn chắc, thơm ngon, trứng có tỷ lệ lòng đỏ cao.

Khuyến nông cộng đồng kết nối phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững

HẬU GIANG Khuyến nông cộng đồng là lực lượng nòng cốt, đồng thời là cánh tay đặc lực kết nối doanh nghiệp với tổ chức nông dân phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.

Bình luận mới nhất