| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

Thứ Tư 24/04/2024 , 08:01 (GMT+7)

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Những năm qua, tỉnh An Giang đẩy mạnh thực hiện mời gọi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Những năm qua, tỉnh An Giang đẩy mạnh thực hiện mời gọi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chăn nuôi tập trung

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Cùng với chuyển đổi cơ cấu trồng trọt, An Giang đang tập trung chuyển đổi chăn nuôi bò, heo, gà nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn với xây dựng hầm ủ biogas, đệm lót sinh học. Những năm qua, tỉnh đẩy mạnh thực hiện mời gọi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn.

Đặc biệt, xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung, tỉnh An Giang đã ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Cụ thể, các chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và hỗ trợ đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Đến nay, đã có hàng chục doanh nghiệp và cơ sở thực hiện đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Điều đáng mừng cho ngành chăn nuôi An Giang, hiện đã thu hút được Tập đoàn TH triển khai trang trại bò sữa công nghệ cao TH True Milk tại xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn với đàn bò sữa quy mô tập trung 20.000 con, đồng thời mở rộng sang các khu vực xung quanh. 

Còn đối với Tập đoàn THACO đầu tư mạnh vào các dự án nuôi heo giống, heo thịt ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn An Giang, mở ra khả năng cung cấp nguồn heo sạch, heo giống chất lượng không chỉ cho An Giang mà cả vùng ĐBSCL. Đó cũng là hướng đi phù hợp của nền nông nghiệp hiện đại.

Ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Tập đoàn THACO cho biết: Về chăn nuôi heo, Thagrico định hướng trở thành doanh nghiệp sản xuất heo hàng đầu Việt Nam với quy mô lớn theo phương pháp công nghiệp và chuyên môn hóa.

Nhiều năm qua, Thagrico đã mua lại toàn bộ mảng chăn nuôi heo của Tập đoàn Hùng Vương gồm: Công ty Heo giống Việt Thắng Bình Định, Công ty Sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Thắng Long An và Công ty Heo giống Việt Thắng An Giang. Đến nay, hoạt động sản xuất chăn nuôi heo của Thagrico đạt nhiều kết quả nổi bật.

Tại An Giang, 2 trại heo giống trên địa bàn huyện Tri Tôn mà Thagrico đã đầu tư đưa vào hoạt động. Trong đó, trại heo giống Tri Tôn 1 ở xã Lương An Trà có diện tích 13ha, đã đạt công suất thiết kế 1.500 con heo nái.

Trại heo giống Tri Tôn 2 ở xã Lương Phi có diện tích gần 10ha, đã đưa vào hoạt động với công suất thiết kế 1.200 con nái. Riêng năm 2024 Thagrico sẽ đầu tư mở rộng và nâng công suất đạt 2.500 con.

Đến nay, đã có hàng chục doanh nghiệp và cơ sở thực hiện đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi quy mô lớn tại An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đến nay, đã có hàng chục doanh nghiệp và cơ sở thực hiện đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi quy mô lớn tại An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện nay, Thaco Agri đang tập trung cho dự án heo giống công nghệ cao Việt Đan tại huyện Tịnh Biên (An Giang) với diện tích 50ha tại xã An Cư (Tịnh Biên). Hiện, trại heo đã cơ bản hoàn thành, sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn 1 với công suất thiết kế 5.600 heo cụ kỵ, ông bà. Còn ở giai đoạn 2 nâng tổng công suất lên 11.200 con heo giống cụ kỵ, ông bà (được nhập khẩu từ Đan Mạch).

Bà Nguyễn Thị Xoàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang cho biết: Khi các mô hình chăn nuôi trang trại, tập trung quy mô càng lớn thì lợi nhuận luôn cao hơn từ 7-8% so với các mô hình chăn nuôi nông hộ theo truyền thống.

Điều quan trọng là các mô hình chuyển đổi áp dụng công nghệ xử lý phân thải trong chăn nuôi, không gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tận dụng nguồn phân hữu cơ dồi dào, giảm chi phí sản xuất, quản lý dịch hại, tăng thu nhập cho người nuôi. 

Các mô hình chăn nuôi trang trại, tập trung quy mô càng lớn thì lợi nhuận luôn cao hơn từ 7-8% so với các mô hình chăn nuôi nông hộ theo truyền thống. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Các mô hình chăn nuôi trang trại, tập trung quy mô càng lớn thì lợi nhuận luôn cao hơn từ 7-8% so với các mô hình chăn nuôi nông hộ theo truyền thống. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chính vì đó, mô hình chăn nuôi quy mô trang trại, tập trung số lượng đàn lớn tại An Giang đang được khuyến khích phát triển và tăng trưởng khá mạnh so với các năm trước. Theo thống kê, trong năm 2023 ngành chăn nuôi của An Giang đã tăng trưởng thêm khoảng 139 tỷ đồng, điển hình trại heo Việt Thắng tăng quy mô đàn thêm 7.000 con heo thịt và 2.000 con heo nái sinh sản.

Công ty đã cung cấp được khoảng 18.000 con heo giống cho các trại chăn nuôi, heo thịt trong dân tăng khoảng 12.000 con. Trại nuôi vịt thịt tại xã Lương Phi, huyện Tri Tôn xuất chuồng 75.000 con.

Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao ở huyện Châu Phú xuất chuồng 100.000 con gà thịt. Trại gà đẻ trứng An Tâm tại huyện Châu Phú quy mô 5.000 con, cho sản lượng trứng gần 1 triệu quả/năm. Bò thịt, tăng đàn trong dân khoảng 200 con. Sản phẩm yến sào tăng khoảng 900kg, đem lại doanh thu gần 12 tỷ đồng.

“Điều đáng mừng, từ đầu năm đến nay, sản lượng thịt hơi xuất chuồng gia súc, gia cầm của tỉnh luôn không đủ cung cấp cho tiêu dùng trong tỉnh, phải nhập thịt gia súc, gia cầm các loại từ các địa phương ngoài tỉnh để đảm bảo cho nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt và tiêm phòng vacxin đầy đủ trên đàn vật nuôi nên tạo được sự yên tâm cho người chăn nuôi” bà Nguyễn Thị Xoàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang thông tin.

60 tỷ đồng phát triển chăn nuôi an toàn sinh học

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết thêm: Để nâng cao chất lượng sản phẩm cho ngành chăn nuôi phát triển, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt kế hoạch “Thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn tỉnh An Giang”, với tổng kinh phí dự kiến gần 60 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, mục tiêu của An Giang triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đạt mục tiêu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi, phấn đấu đưa chăn nuôi tỉnh An Giang đạt tầm tiên tiến trong khu vực ĐBSCLvào năm 2030.

Đồng thời, nâng cao tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi được sản xuất trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi. Nâng cao tỷ trọng sản phẩm chăn nuôi được giết mổ tập trung công nghiệp, chế biến, chế biến sâu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo chiến lược phát triển chăn nuôi của An Giang dự kiến đến năm 2045, địa phương có thể khống chế và kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh lây nhiễm sang người. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo chiến lược phát triển chăn nuôi của An Giang dự kiến đến năm 2045, địa phương có thể khống chế và kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh lây nhiễm sang người. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cụ thể, số lượng gia súc gia cầm giai đoạn 2021 - 2025, trâu 2.000 con, bò 95.000 con, heo 134.000 con, gà 1,6 triệu con, vịt 3,7 triệu con.

Mức tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn này trung bình từ 3-4%/năm và sản lượng thịt hơi các loại đến năm 2025 đạt trên 36.500 tấn, đến năm 2030 đạt đến 45.500 tấn. Sản lượng trứng đến năm 2025 đạt từ 420 triệu quả trứng.

Bình quân sản phẩm chăn nuôi/người/năm đến năm 2025 đạt từ 18-20 kg thịt hơi các loại, từ 210-215 quả trứng. Còn về tỷ trọng gia súc và gia cầm được giết mổ tại các cơ sở tập trung đạt tương ứng khoảng 80%. Xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh đến năm 2025 xây dựng được ít nhất 5 cơ sở, đến năm 2030 ít nhất 10 cơ sở.

Hiện địa phương đang đưa ra kế hoạch phát triển chăn nuôi heo với các giống cao sản theo hướng trang trại công nghiệp, ở nơi có điều kiện về đất đai, kiểm soát dịch bệnh và môi trường. Đồng thời, mở rộng quy mô đàn heo chăn nuôi theo hướng hữu cơ, truyền thống với các giống heo bản địa, heo lai giữa giống cao sản và giống bản địa. Phát triển quy mô đàn heo trên 85% có máu ngoại. Đặc biệt, phát triển chăn nuôi gia cầm theo phương thức trang trại, công nghiệp, nuôi gia công và chăn nuôi chăn thả có kiểm soát.

Đến năm 2045, An Giang có thể khống chế và kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh lây nhiễm sang người. Hầu hết sản phẩm chăn nuôi chính, bao gồm thịt, trứng, sữa được sản xuất trong các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học và thân thiện với môi trường. 100% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hàng hóa được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.