| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp non trẻ lập siêu dự án 'nuốt' rừng ở tỉnh Bắc Giang

Thứ Năm 23/02/2023 , 07:55 (GMT+7)

Dự án Khu công viên nghĩa trang sinh thái xã Đông Hưng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang dự kiến sẽ lấy hàng trăm ha rừng sản xuất vốn là sinh kế của người dân.

ảnh bắc giang

Vị trí quy hoạch chi tiết 1/500 xây dựng Khu công viên nghĩa trang sinh thái xã Đông Hưng, huyện Lục Nam. Ảnh: GGM.

Siêu dự án ở Đông Hưng và bài học An Phúc Viên

Năm 2022, UBND tỉnh Bắc Giang có quyết định Phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 xây dựng Khu công viên nghĩa trang sinh thái xã Đông Hưng, huyện Lục Nam.

Theo Quyết định của tỉnh Bắc Giang khu vực nghiên cứu lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính của xã Đông Hưng, huyện Lục Nam. Ranh giới được giới hạn ở phía bắc giáp huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn; phía nam giáp rừng sản xuất thôn Cai Vàng; phía đông giáp rừng sản xuất thôn Cai Vàng; phía tây giáp đường trục xã Đông Hưng, quy hoạch ĐT293C.

Diện tích nghiên cứu thực hiện dự án khoảng 320ha, diện tích lập quy hoạch khoảng 180ha. Dự kiến của chủ đầu tư dự án được chia làm 3 phân khu bao gồm: Phân khu A là Công viên tâm linh có quy mô khoảng 20ha; Phân khu B xây dựng Công viên nghĩa trang quy mô khoảng 150ha; Phân khu C xây dựng Công viên du lịch sinh thái quy mô khoảng 10ha.

Khu công viên nghĩa trang sinh thái, xã Đông Hưng, huyện Lục Nam là khu công viên nghĩa trang sinh thái cấp 1 và cơ sở hỏa táng, được xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu dịch vụ hiếu nghĩa phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương… 

văn bản sở nn

Văn bản phúc đáp của Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Hoàng Anh.

Mặc dù mới chỉ đến giai đoạn phê duyệt quy hoạch nhưng dự án xây dựng Khu công viên nghĩa trang sinh thái xã Đông Hưng đang nảy sinh nhiều vấn đề.

Sau khi xem xét các nội dung liên quan việc đấu nối tiêu thoát nước với hệ thống kênh mương thủy lợi và các nội dung khác, Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang nhận thấy có một số nội dung cần bổ sung, làm rõ đối với đồ án quy hoạch chi tiết như thuyết minh làm rõ sự phù hợp của diện tích đất thu hồi để thực hiện dự án với Quy hoạch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/2/2022 của Thủ Tướng chính phủ.

Về giải pháp quy hoạch thoát nước thải cần phải bổ sung tính toán lại thủy lực để chọn đường ống mạng lưới nước thải. Ngoài ra cần đặc biệt chú ý đến nước thải sau khi được xử lý sẽ đấu nối vào suối hiện trạng cần đảm bảo yêu cầu theo tiêu chuẩn quy định và Luật Thuỷ lợi vì các suối hiện trạng sẽ đưa dẫn về điểm cuối là hồ Suối Nứa. Ở thời điểm hiện tại hồ Suối Nứa ngoài nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp còn cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.

Đặc biệt là nội dung Quy hoạch chi tiết liên quan đến đất rừng, khu vực dự án quy hoạch hiện trạng có đất đồi núi tự nhiên là rừng sản xuất chiếm khoảng 177,6ha. Chính vì vậy Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang đề nghị chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện các trình tự thủ tục dự án theo đúng quy định, đảm bảo thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác theo yêu cầu của Điều 20, Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

Ông Hà Minh Quý, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang cho biết, do dự án mới ở giai đoạn quy hoạch nên Sở cũng chưa nhận được các hồ sơ cần thiết để rà soát, nghiên cứu. Tất nhiên các trình tự thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích đất rừng nói trên phải xin ý kiến chấp thuận của Thủ tướng.  

suối nứa

Hồ Suối Nứa, nơi Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang lo ngại sẽ ảnh hưởng bởi dự án. Ảnh: NDCC.

Tạm thời chưa nói đến các tác động của dự án đối với diện tích rừng và đặc biệt là đời sống an sinh xã hội tại khu vực dự án, nhưng thiết nghĩ UBND tỉnh Bắc Giang cần có rà soát, đánh giá kỹ lưỡng trước khi cấp phép đầu tư xây dựng dự án này.

Còn nhớ năm 2017, Báo Nông nghiệp Việt Nam từng có loạt bài Đổi 100 ha đất sản xuất lấy công viên nghĩa trang nghìn tỷ phản ánh việc Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ký chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty cổ phần đầu tư An Phúc Viên dự kiến lấy hơn 100ha đất nông lâm nghiệp của người dân để xây dựng siêu công viên nghĩa trang gần 1.300 tỉ đồng cũng tại huyện Lục Nam.

Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang thời điểm đó không chỉ khiến rất nhiều hộ dân trong vùng dự án bức xúc mà còn nảy sinh nhiều mối lo ngại của lãnh đạo một số sở ngành, địa phương. Huyện Lục Nam là địa phương có thế mạnh về trồng rừng sản xuất và cây ăn quả, nên khi có thông tin xây dựng công viên nghĩa trang, lo sợ mất đất, mất sinh kế, người dân các xã Cương Sơn, Nghĩa Phương đã phản đối rất quyết liệt. Cùng với những lo ngại về môi trường, nguồn nước, của nhân dân và lãnh đạo địa phương, sau phản ánh của Báo Nông nghiệp Việt Nam, tỉnh Bắc Giang đã tạm dừng dự án, An Phúc Viên sau đó rơi vào quên lãng.

Doanh nghiệp vừa “đầy tháng” đã được chấp thuận dự án khủng

Nhắc lại bài học dự án An Phúc Viên để thấy dự án Khu công viên nghĩa trang sinh thái xã Đông Hưng cũng có nhiều nét tương đồng.

Thứ nhất là diện tích đất sản xuất dự kiến thu hồi của người dân quá lớn, trong khi năng lực của doanh nghiệp vẫn đang là dấu hỏi. Được biết Công ty cổ phần công viên tâm linh Tâm Điền – Tây Yên Tử được thành lập vào ngày 29/9/2021 tại thôn Cai Vàng, xã Đông Hưng với vốn điều lệ 200 tỉ đồng, ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản.

Đáng lưu ý, chỉ sau chừng 15 ngày thành lập, Công ty cổ phần công viên tâm linh Tâm Điền – Tây Yên Tử đã có văn bản trình các cơ quan thẩm quyền ở Bắc Giang về việc tài trợ sản phẩm lập quy hoạch tỉ lệ 1/500 khu đất hơn 320ha tại xã Đông Hưng, trong đó có diện tích công viên nghĩa trang sinh thái nêu trên. Khoảng 2 tháng sau khi công ty này được thành lập, tỉnh Bắc Giang đã chấp thuận đề xuất và tiếp nhận tài trợ qui hoạch với qui mô nghiên cứu 320 ha và qui mô  lập quy hoạch 185 ha.

Thứ hai là những ảnh hưởng về sinh kế, môi trường, đời sống sinh hoạt của người dân địa phương. Một trong những vùng trung tâm của dự án là thôn Cai Vàng, xã Đông Hưng. Đây là vùng đồi núi, có xấp xỉ gần 100 hộ dân, sống chủ yếu dựa vào rừng sản xuất và các mô hình vườn đồi. Khi có thông tin để triển khai dự án, thôn Cai Vàng đã đề nghị UBND xã Đông Hưng triệu tập các cuộc họp, lấy ý kiến của nhân dân trong thôn. Đa số người dân Cai Vàng đều hết sức lo ngại. Có nhiều ý kiến phản đối dự án vì lo ngại các vấn đề môi trường, sinh kế của người dân…

Thậm chí có nhiều người lo ngại, sau dự án công viên nghĩa trang sinh thái, Công ty cổ phần công viên tâm linh Tâm Điền - Tây Yên Tử sẽ tiếp tục thực hiện các dự án theo kế hoạch, lúc đó đất sản xuất của người dân sẽ không còn nữa.

“Ngoài diện tích lập quy hoạch công viên nghĩa trang, tại xã Đông Hưng phía doanh nghiệp cũng tài trợ lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu dân cư, thương mại dịch vụ, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng hồ suối Nứa với tổng diện tích lập quy hoạch là 706,5ha, trong đó diện tích thuộc xã Đông Hưng là 559ha và xã Đông Phú là 147,5ha. Nếu các dự án này triển khai, diện tích đất sản xuất của nhân dân sẽ mất rất lớn”, người dân xã Đông Hưng lo ngại. Ông Hà Minh Quý, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang viện dẫn Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 của Thủ tướng Chính phủ.

trồng rừng

Diện tích rừng sẽ giảm, nhiều người dân ở Bắc Giang sẽ mất sinh kế vì các siêu dự án. Ảnh: Hoàng Anh.

Trong thời gian tới chắc chắn sẽ có nhiều dự án khu du lịch tổng hợp, nghỉ dưỡng, sân golf, các dự án nghĩa trang, đô thị… đồng nghĩa với độ che phủ rừng dự kiến chỉ 37%, thấp hơn mức bình quân hiện nay của cả nước. Dự kiến đến năm 2030, diện tích quy hoạch 3 loại rừng của Bắc Giang còn khoảng 139.554ha, trong đó rừng đặc dụng khoảng 13.510ha, rừng phòng hộ khoảng 20.628ha, rừng sản xuất khoảng 105.416ha…

Nguyên nhân chính của việc điều chỉnh quy hoạch, giảm diện tích rừng ở Bắc Giang là nhằm mục đích giao đất cho các dự án, đặc biệt là dự án sân golf, dự án công viên nghĩa trang. Ngoài Dự án Công viên nghĩa trang sinh thái xã Đông Hưng đã nói ở trên, hàng chục dự án sân golf trên địa bàn dự kiến sẽ lấy đi hàng ngàn ha rừng của Bắc Giang.

Hơn ai hết, người dân ở các địa phương nói trên bao đời nay sống dựa vào rừng đang lo ngại sẽ mất đất, mất luôn sinh kế nếu các dự án triển khai.

Tỉnh Bắc Giang sẽ quy hoạch 12 khu chức năng tổng hợp sân golf và nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, trong đó có ba khu đang thực hiện, 9 khu quy hoạch mới. Trong 12 khu chức năng có 13 sân golf, gồm 3 sân golf đang triển khai thực hiện và 10 sân golf quy hoạch mới.

Điển hình như Dự án khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và sân golf Hồ Cầu Rễ, huyện Yên Thế với quy mô khoảng 1.000ha, trong đó, đất rừng sản xuất cần chuyển đổi làm sân golf khoảng 120ha. Dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Suối Nứa ở huyện Lục Nam có diện tích nghiên cứu khoảng 706,5ha và khu sân golf hồ suối Nứa cần chuyển đổi 80,52ha, khu du lịch sinh thái hồ suối Nứa cần chuyển đổi 33ha rừng. Dự án khu sân golf và nghỉ dưỡng Lục Nam cần chuyển đổi 128ha rừng…

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.