| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp phía Nam xoay xở trước đại dịch Covid-19

Thứ Bảy 17/07/2021 , 09:19 (GMT+7)

Sau khi nhiều tỉnh phía Nam yêu cầu các doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện phòng chống dịch Covid-19 phải tạm dừng hoạt động, các doanh nghiệp đã tìm nhiều cách xoay xở...

Tại Bình Phước, mặc dù số ca Covid-19 được ghi nhận vẫn đang dưới 100 trường hợp nhưng với phương châm "an toàn là trên hết", địa phương chấp nhận kinh tế có thể phát triển chậm lại ít ngày nhưng kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 nguy hiểm này.

Theo đó, UBND tỉnh Bình Phước ra công văn 2353 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch đối với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn.

Công văn nêu rõ, các doanh nghiệp chỉ được tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh khi đáp ứng được 1 trong 2 điều kiện: Phải tổ chức lưu trú cho người lao động theo phương châm 3 tại chỗ: Sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ và phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong thời hạn 5 ngày bằng phương pháp PCR trước khi lưu trú.

Ngành Y tế địa phương lấy mẫu xét nghiệm tại một số doanh nghiệp trên địa bàn để tầm soát Covid-19. Ảnh: CTV.

Ngành Y tế địa phương lấy mẫu xét nghiệm tại một số doanh nghiệp trên địa bàn để tầm soát Covid-19. Ảnh: CTV.

Trường hợp không lưu trú tại doanh nghiệp thì phải có xe đưa rước công nhân, đảm bảo chỉ đi từ nơi sản xuất đến nơi ở và phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong thời hạn 5 ngày bằng phương pháp PCR, đồng thời cam kết tuân thủ các quy định phòng, chống dịch.

Nếu các doanh nghiệp không đáp ứng các điều kiện nêu trên thì tạm dừng hoạt động 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 16/7. Sau 15 ngày, Ban Quản lý Khu kinh tế có trách nhiệm rà soát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo việc vừa thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các KCN.

Trước yêu cầu trên, nhiều công ty có số lượng trên 1.000 công nhân đã thông báo cho người lao động tạm nghỉ việc để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể như Công ty TNHH Freewell (KCN Bắc Đồng Phú,  huyện Đồng Phú) đã quyết định cho hơn 9.000 công nhân tạm nghỉ việc trong vòng 15 ngày, tính từ ngày 16/7.

Một buổi sinh hoạt của công nhân Công ty TNHH Freewell trước khi dừng hoạt động. Ảnh: CTV.

Một buổi sinh hoạt của công nhân Công ty TNHH Freewell trước khi dừng hoạt động. Ảnh: CTV.

Theo ông Lê Mộng Hoàng, Chủ tịch Công đoàn, Công ty TNHH Freewell, trước đó, tại Công ty đã ghi nhận một trường hợp dương tính Covid-19 vào ngày 14/7, là nữ công nhân tại Xưởng E.  

“Trong thời gian nghỉ để phòng chống dịch covid 19, công ty vẫn đảm bảo chế độ lương 5 triệu đồng/tháng đối với công nhân. Trong thời gian nghỉ, người lao động phải tự cách ly tại nhà và thực hiện các biện pháp khai báo y tế theo dõi sức khoẻ đầy đủ.

Ngành chức năng Bình Phước kiểm tra năng lực các doanh nghiệp sản xuất điều. Ảnh: CTV.

Ngành chức năng Bình Phước kiểm tra năng lực các doanh nghiệp sản xuất điều. Ảnh: CTV.

Tương tự Công ty Grand Gain (KCN Đồng Xoài II) hiện có khoảng 4.200 công nhân cũng đã thông báo cho người lao động tạm nghỉ việc trong 15 ngày, kể từ ngày 16/7.

Chị Thái Thị Huyền, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: "Dù công ty hiện có khá nhiều đơn hàng, nhưng trước văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Phước, công ty cũng chấp hành cho công nhân tạm nghỉ việc để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19".

Tuy nhiên, theo ghi nhận, các doanh nghiệp cho dừng hoạt động chủ yếu là các công ty sản xuất các mặc hàng giày da, may mặc, điện tử... với số lượng đông công nhân. Đối với các xưởng sản xuất điều, các doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất để duy trì khách hàng trong bối cảnh nông sản ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Đơn cử Công ty TNHH Vinahe ở TX.Phước Long với hệ thống sản xuất khép kín từ khâu bóc tách hạt điều thô cho đến cho ra đời 5 sản phẩm hạt điều nhân thành phẩm, các sản phẩm có mặt hầu hết các siêu thị lớn nhỏ như EAON, C.oop Mart...

Mặc dù, đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng công ty vẫn duy trì sản xuất để kịp đơn hàng đã ký hợp đồng từ trước và giúp 80 lao động thường xuyên tại công ty có việc làm để yên tâm công tác.

Hoạt động bóc tách điều thô trong nhà máy của công ty Vinahe. Ảnh: Trần Trung.

Hoạt động bóc tách điều thô trong nhà máy của công ty Vinahe. Ảnh: Trần Trung.

Anh Nguyễn Hoàng Đạt - Giám đốc Công ty TNHH Vinahe cho biết, Công ty có tổng diện tích khoảng 3.000 m2. Bình thường công ty đặt các máy móc thiết bị phù hợp với diện tích sản xuất, nay phải bố trí lại máy móc và tận dụng thêm văn phòng, phòng trưng bày làm chỗ ngủ nghỉ cho anh em công nhân và phòng cách ly cho tài xế khi đi giao hàng về...

Trong đó, khó khăn nhất là lo sinh hoạt cho công nhân từ khâu trang bị các đồ dùng cá nhân, thuốc, đồ bảo hộ cho đến bữa ăn đảm bảo an toàn. Từ đó chi phí sản xuất tăng lên khoảng 20-30% nhưng giá bán không đổi.

Theo anh Đạt, trong những năm gần đây nhiều doanh nghiệp cũng nhảy vào sản xuất, chế biến hạt điều, để bước chân và đứng vững trên hệ thống các siêu thị không đơn giản. Ngoài ra, phân khúc phân phối sản phẩm cho chuỗi nhà hàng khách sạn cũng bị đứt gãy.

Các sản phẩm hạt điều chế biến của công ty Vinahe có mặt hầu hết trên các kệ hàng của các siêu thị. Ảnh: Trần Trung.

Các sản phẩm hạt điều chế biến của công ty Vinahe có mặt hầu hết trên các kệ hàng của các siêu thị. Ảnh: Trần Trung.

“Chính vì vậy, để giữ uy tín, khó cách mấy doanh nghiệp cũng phải duy trì sản xuất. Dịch bệnh gây khó khăn với tất cả các ngành nghề trên cả nước, mong rằng chúng ta sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh để các doanh nghiệp ổn định sản xuất”, anh Đạt chia sẻ.

Theo Trung tâm kiểm sát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Phước, tính đến trưa ngày 16/7, toàn tỉnh đã ghi nhận 73 ca dương tính với Covid-19 tại 8/11 huyện, thị xã, thành phố.

UBND tỉnh Bình Phước, cho rằng tình hình dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

Việc xuất hiện các trường hợp F1, F2 tại các khu công nghiệp trên địa bàn Bình Phước đang làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm tại doanh nghiệp.

Việc bố trí cho công nhân lưu trú tại doanh nghiệp nhằm thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho toàn thể công nhân, người lao động tại doanh nghiệp.

Còn tại Bình Dương tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp. Số ca mắc Covid-19 đã vượt 2.100 ca, số doanh nghiệp xảy ra dịch bệnh cũng tăng, nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất kinh doanh.

Trước tình hình trên, tỉnh Bình Dương liên tiếp áp dụng nhiều giải pháp để bảo vệ sản xuất của doanh nghiệp. Hầu hết địa phương của Bình Dương đã áp dụng Chỉ thị 16.

Bên cạnh đó, tương tự Bình Phước, tỉnh Bình Dương yêu cầu doanh nghiệp đánh giá an toàn sản xuất, thực hiện thêm 2 giải pháp: "3 tại chỗ" - ăn tại chỗ, ở tại chỗ và sản xuất tại chỗ và "một cung đường, hai địa điểm" - hai địa điểm là khách sạn, ký túc xá, chỗ ở tập trung của công nhân và địa điểm là nhà máy sản xuất.

Tuy nhiên, do không gian nhà máy nhỏ hẹp, lao động ở phân tán, không tìm được địa điểm làm chỗ ở tập trung cho số lượng lao động quá lớn (từ 1.000-9.000 lao động/1 doanh nghiệp)... Những ngày qua, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai 2 phương án trên.

Công ty U@I vẫn duy trì sản xuất nhằm cung ứng mặt hàng thiết yếu cho thị trường dù phải bù lỗ. Ảnh: Phúc Lập.

Công ty U@I vẫn duy trì sản xuất nhằm cung ứng mặt hàng thiết yếu cho thị trường dù phải bù lỗ. Ảnh: Phúc Lập.

Đơn cử tại Công ty cổ phần nông nghiệp U@I, với diện tích canh tác 500 ha và đội ngũ người lao động gần 200 người, mặc dù việc bố trí chỗ ở không gặp mấy khó khăn nhưng đảm bảo các điều kiện để vừa đáp ứng yêu cầu của Ban phòng dịch của tỉnh, vừa thực sự đảm bảo sức khỏe của lao động gặp nhiều trở ngại như: bố trí test Covid-19 trước khi vào, sau 1 ngày, 3 ngày, 7 ngày...., bố trí giãn cách trong công việc và sinh hoạt, đảm bảo vấn đề ăn uống.

Toàn bộ các vấn đề này đều đòi hỏi sự tập trung, sâu sát của lãnh đạo, nhân viên công ty. Đặc biệt, chi phí sản xuất, bán hàng, vận chuyển... trong giai đoạn này là rất cao, nhưng công ty xác định việc đảm bảo nguồn cung cho thị là quan trọng hơn tất cả nên vẫn duy trì sản xuất.

Ông Phạm Quốc Liêm, Giám đốc công ty U@I cho biết thêm, mỗi tháng công ty cung cấp ra thì trường hàng trăm tấn trái cây các loại. Xác định sản xuất của công ty lại là nguồn cung các mặt hàng thiết yếu mà xã hội đang rất cần, mặc dù công tác sản xuất thời điểm này đối mặt với thua lỗ, tập thể ban lãnh đạo công ty quyết không bỏ cuộc.

"Nguyên nhân thua lỗ là giá nguyên liệu đầu vào, nhân công, vận chuyển, bán hàng...tăng vọt. Giá thành tăng đến hơn 50%. Để vượt qua khó khăn này, công ty đang tính toán phương án điều chỉnh giá tăng khoảng 5%-10% tại tất cả hệ thống để bù lỗ. Tuy nhiên, đây là giai đoạn nhạy cảm nên công ty dự kiến chờ đến khi nào hết áp dụng chỉ thị 16 mới tăng,  mình không muốn lợi dụng lúc khách cần hàng để tăng giá" ông Liêm chia sẻ.

Trong ngày 15 và 16/7, Ban Quản lý Khu công nghiệp Bình Dương đã có nhiều văn bản hướng dẫn hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong trong tình hình dịch bệnh COVID-19 theo 2 phương án trên.

Theo Ban Quản lý Khu công nghiệp Bình Dương, nhằm đẩy lùi dịch bệnh, địa phương sẽ thực hiện quyết liệt, nếu không thực hiện 2 phương án trên (kể cả doanh nghiệp kinh doanh logistic và kinh doanh kho bãi) phải tạm dừng hoạt động kể từ 0h ngày 19/7.

Trong khi đó, tại TP.HCM trước làn sóng Covid-19 len lỏi khắp các ngõ ngách từ chợ đầu mối đến công ty, xí nghiệp, mỗi ngày địa phương này ghi nhận trên dưới 2.000 ca mắc Covid-19, các doanh nghiệp đang vật lộn để sản xuất, không ít công ty lớn buộc dừng hoạt động để dập dịch.

Công nhân công ty PouYuen Việt Nam giờ tan ca trước khi tạm dừng hoạt động. Ảnh: CTV.

Công nhân công ty PouYuen Việt Nam giờ tan ca trước khi tạm dừng hoạt động. Ảnh: CTV.

Đơn cử công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP.HCM) với gần 56.000 lao động buộc phải tạm ngưng hoạt động từ ngày 14 đến hết 23/7 để chống dịch Covid-19

Theo đại diện lãnh đạo công ty cho biết, động thái được ra khi công ty không thể  thực hiện được phương án 3 tại chỗ để kìm chế dịch theo yêu cầu của thành phố.

Ngoài ra, sau khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào ngày 9/6 cho đến nay, đã có gần 20.000 công nhân của Công ty PouYuen cũng phải tạm nghỉ việc do thuộc diện phải cách ly tập trung, cách ly tại nhà, sống trong khu vực bị phong tỏa.

"Kể từ khi xuất hiện các ca bệnh F0, do mật độ lao động đông nên số công nhân còn lại phải đi làm cũng không an tâm khi đến nhà máy. Do vậy, quyết định tạm ngưng hoạt động được đa số người lao động đồng tình", đại diện công ty này chia sẻ.

Đại dịch Covid-19 kéo dài, khiến rất nhiều lao động bị mất việc làm, hàng triệu lao động phải tạm nghỉ, nghỉ giãn việc và giảm thu; nhiều cơ sở sản xuất buộc phải ngừng hoạt động, cuộc sống của người dân gặp muôn vàn khó khăn.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 với gói hỗ trợ trị giá 26 nghìn tỷ đồng, theo dự kiến, sẽ có tổng cộng 12 đối tượng, trong đó có lao động tự do, kinh doanh tự do, người thất nghiệp tạm thời… sẽ nằm trong diện được hỗ trợ.

Đây là Nghị quyết rất nhân văn với mục tiêu giúp người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và thực hiện mục tiêu kép phát triển kinh tế đi đôi đẩy lùi dịch bệnh.

  • Tags:
Xem thêm
Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Yến Sào Khánh Hòa lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia

Công ty Yến Sào Khánh Hòa vinh dự lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia và là doanh nghiệp duy nhất của Khánh Hòa đạt được kết quả này trong năm 2024.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...

Thu ngân sách Nhà nước gần 1,45 triệu tỷ đồng, tăng 17,9%

Sau 9 tháng, lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.448,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,1% dự toán năm và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái...