| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp sẵn sàng đưa dừa tươi sang Trung Quốc

Thứ Năm 12/09/2024 , 19:17 (GMT+7)

Xác định Trung Quốc là thị trường lớn của trái dừa tươi, nhiều doanh nghiệp đang tích cực chuẩn bị để sẵn sàng xuất khẩu dừa tươi sang thị trường này.

Chế biến dừa tươi xuất khẩu. Ảnh: Minh Sáng.

Chế biến dừa tươi xuất khẩu. Ảnh: Minh Sáng.

Vina T&T Group là một doanh nghiệp hàng đầu về xuất khẩu trái cây, trong đó có dừa tươi. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group chia sẻ, công ty hiện đang xuất khẩu dừa tươi tới nhiều thị trường, trong đó, những thị trường trọng điểm là Mỹ và Canada.

Nhờ hoạt động xuất khẩu dừa tươi trong nhiều năm qua, Vina T&T đã thiết lập được một hệ thống về thu mua dừa tươi hoạt động rất đều đặn. Song song với đó, công ty đã hình thành được sự liên kết chặt chẽ với nông dân và hợp tác xã trồng dừa ở nhiều địa phương.

Mặt khác, sau nhiều năm xuất khẩu dừa tươi sang Mỹ, Canada và nhiều thị trường khác, Vina T&T đã định vị được về chất lượng, công nghệ bảo quản... Đặc biệt công nghệ bảo quản của Vina T&T hiện đã giúp bảo quản trái dừa tươi được 80 ngày. Với thời gian bảo quản như vậy, dừa tươi Việt Nam do Vina T&T xuất khẩu hiện đã có thể vận chuyển đi hầu khắp các thị trường trên thế giới mà chất lượng vẫn bảo đảm do chưa hết thời gian bảo quản.

Bên cạnh đó, để đẩy mạnh xuất khẩu dừa tươi, trong thời gian qua, Vina T&T đã xây dựng nhà máy, cơ sở đóng gói dừa tươi. Hiện công ty đang xây dựng một nhà máy có công suất lớn ở Bến Tre, chuyên về sơ chế, đóng gói dừa tươi để đón đầu cơ hội xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đến nay, nhà máy đã hoàn thành xây dựng được 70%. Nhìn chung, công ty đã chuẩn bị sẵn sàng để khi cơ quan chức năng Trung Quốc chính thức cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói dừa tươi, là có thể bắt tay ngay vào hoạt động xuất khẩu dừa tươi sang thị trường này.

Dừa xiêm Việt Nam. Ảnh: Minh Sáng.

Dừa xiêm Việt Nam. Ảnh: Minh Sáng.

Tuy nhiên, có một câu hỏi đang được đặt ra với các doanh nghiệp xuất khẩu dừa tươi là chọn giống dừa nào để xuất khẩu trái tươi trong rất nhiều giống dừa đang có ở Việt Nam hiện nay.

Về vấn đề này, ông Tùng chia sẻ, 7 năm trước, trong một lần sang Mỹ tìm hiểu thị trường trái cây, ông đã sử dụng dừa tươi của Thái Lan và thắc mắc vì sao trái dừa tươi bán ở Mỹ toàn đến từ Thái Lan mà không thấy dừa tươi Việt Nam. Qua tìm hiểu, ông Tùng có được thông tin thực ra trái dừa tươi Việt Nam đã từng được một số doanh nghiệp đưa vào bán thử ở thị trường Mỹ nhưng không được người tiêu dùng chấp nhận do nước nhạt và chua.

Sau đó, khi về quê vợ ở Bến Tre, ông Tùng có dịp được uống nước dừa xiêm và rất thích thú với giống dừa này do nước có mùi thơm, vị ngọt thanh và mát. Nghĩ rằng giống dừa này có thể thuyết phục được người tiêu dùng Mỹ, ông Tùng đã quyết định đưa dừa xiêm sang thị trường này.

Lúc đầu, nhà nhập khẩu bên Mỹ không muốn mua dừa Việt Nam, nhưng qua sự thuyết phục của Vina T&T cũng như mối quan hệ làm ăn lâu dài giữa 2 bên, công ty Mỹ đã chấp nhận lấy một lô dừa xiêm Việt Nam. Khi lô hàng đã sang Mỹ, Vina T&T phối hợp với đối tác triển khai chương trình khuyến mại dừa xiêm tại nhiều siêu thị đang bán các loại trái cây khác của Vina T&T. Cụ thể, mỗi khách có hóa đơn mua hàng siêu thị từ 100 USD trở lên, sẽ được tặng một hộp dừa tươi.

Sau khi mang dừa xiêm Việt Nam về uống thử, nhiều người Mỹ đã thấy rất thích thú và quay trở lại siêu thị hỏi mua. Từ đó, Vina T&T đã hình thành được hệ thống tiêu thụ dừa tươi ở Mỹ và xuất khẩu thường xuyên sang thị trường này. Từ 2017 đến 2020, mỗi tháng, công ty xuất khẩu gần 30 container dừa tươi sang Mỹ.

Từ tháng 8/2023 đến nay, sau Mỹ và Việt Nam thống nhất được các vấn đề kỹ thuật để dừa tươi Việt Nam được phép xuất khẩu trở lại vào thị trường Mỹ, mỗi tháng Vina T&T đang xuất khẩu gần 40 container dừa tươi sang thị trường này.

Xem thêm
Trở thành chủ trại gà sau một cú… chết hụt

HÀ NỘI Thoát chết sau một tai nạn, anh Cận thuyết phục vợ bỏ nghề thợ xây, về nhà chăn nuôi bởi làm nông tuy mạo hiểm về kinh tế nhưng ít mạo hiểm về tính mạng.

Kiểm soát dịch bệnh gặp khó do vắng thú y cơ sở

ĐBSCL Thiếu vắng hệ thống thú y cơ sở khiến công tác phòng chống dịch, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y gặp nhiều khó khăn.

Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất chanh dây Hoàng kim VN77

ĐẮK LẮK Công ty Cổ phần Đầu tư Vạn Hòa tổ chức hội thảo giới thiệu giống chanh dây Hoàng kim VN77 và xây dựng chuỗi liên kết xuất khẩu.

Chuyển giao giống cà phê chất lượng cao phục vụ tái canh

ĐẮK LẮK Bên cạnh công tác nghiên cứu, việc chuyển giao giống cà phê cho người dân, doanh nghiệp được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chú trọng.

Bình luận mới nhất