| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp tổ chức nhảy dù chiếm đất, UBND tỉnh Hải Dương ra văn bản hỗ trợ

Thứ Ba 07/01/2020 , 15:49 (GMT+7)

Do các hoạt động của Cty Thế Anh đều được UBND tỉnh công khai ủng hộ nên doanh nghiệp này ngày càng lấn lướt, coi thường pháp luật.

Cty Thế Anh vi phạm Luật Đê điều thì UBND tỉnh Hải Dương không xử lý lại chỉ đạo khẩn trương bàn giao đất?

Khi chưa được giao đất, chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý để thành lập cảng, chưa được cấp phép hoạt động đê điều nhưng từ tháng 5/2018, Cty Thế Anh đã ngang nhiên đưa máy móc vào lắp đặt hệ thống cống qua đê và đã bị Hạt Đê điều Kim Thành lập biên bản hành chính. Vào những ngày đầu tháng 12, Cty Thế Anh lại tổ chức cho máy móc vào san ủi mặt bằng.

Cụ thể, liên tiếp những ngày 7, 8 và 9/12, Cty Thế Anh bị Hạt Quản lý đê Kim Thành lập biên bản vi phạm pháp luật đê điều và ra quyết định đình chỉ việc san lấp, buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu nhưng những ngày sau đó, doanh nghiệp vẫn ngang nhiên vi phạm, bất chấp các biên bản và quyết định đình chỉ việc san lấp, đắp dốc lên đê của Hạt Quản lý đê Kim Thành đã ban hành.

Hoạt động vi phạm pháp luật của Cty Thế Anh đều được ông Vũ Ngọc Uông - Chủ tịch UBND xã Kim Liên cùng Hạt Đê điều huyện Kim Thành lập biên bản tuy nhiên trong suốt những ngày 12-17/12 vẫn có nhiều xe ô tô tải hạng nặng chở vật liệu vào san lấp và công nhân, máy móc vẫn vô tư thực hiện việc san gạt tại vị trí trên.

Theo tìm hiểu của Báo NNVN, sở dĩ Cty Thế Anh có thái độ ngông cuồng, “bất chấp” biên bản đình chỉ vi phạm Hạt Đê điều Kim Thành là vì trước đó UBND tỉnh Hải Dương có chủ trương cho phép Cty Thế Anh tiếp tục dự án.

Dựa vào chủ trương này, Cty Thế Anh muốn tổ chức “nhảy dù” xây dựng trên diện tích đất chưa được chính quyền bàn giao. Về nguyên tắc, sau khi UBND tỉnh có quyết định thu hồi đất, thì các sở, ngành và UBND huyện Kim Thành cần phải xác định diện tích đất bị thu hồi đang thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào. Cần thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng, lên phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt…

Nhưng chính quyền địa phương chưa thực hiện quy trình này mà Cty Thế Anh đã tự ý tổ chức thi công mặt bằng theo kiểu sự đã rồi. Và kế hoạch này của doanh nghiệp đã suýt thành công nếu như không vấp phải phản ứng quyết liệt của Hạt Đê điều Kim Thành. Mặc dù, Hạt Đê điều Kim Thành đã đề nghị chính quyền cấp xã, cấp huyện hỗ trợ xử lý vi phạm của doanh nghiệp nhưng hai cấp chính quyền đều cố tình làm ngơ.

Thậm chí, vào thời điểm Cty Thế Anh đang vi phạm Luật Đê điều, UBND tỉnh Hải Dương không chỉ đạo xử lý mà còn ra thêm công văn 4539 ngày 23/12/2019 gửi UBND huyện Kim Thành, Sở TN-MT, Sở NN-PTNT, UBND thị trấn Phú Thái truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở TN-MT chủ trì phối hợp với UBND huyện Kim Thành và các đơn vị liên quan tiến hành bàn giao 12.404m2 cho Cty Thế Anh.

15-57-06_vi_phm_lut_de_dieu
Được tỉnh bao che, Cty Thế Anh ngang nhiên vi phạm Luật Đê điều.

Có thể coi ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Hải Dương vào thời điểm Cty Thế Anh đang tự ý tổ chức san lấp mặt bằng có ý nghĩa như một động thái “bảo hộ” khiến bất cứ cán bộ lãnh đạo sở, ngành hay địa phương nào có ý định ngăn cản đều phải chùn bước. Bởi lẽ, trong vụ việc này đã có tiền lệ, ông Lê Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thái bị kỷ luật Đảng vì không tuân theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh.

Nhưng một lần nữa “âm mưu” thôn tính đất của Cty Thế Anh lại bất thành! Tuy các cấp chính quyền địa phương cố tình bỏ qua văn bản đề nghị hỗ trợ xử lý vi phạm của Hạt Đê điều Kim Thành nhưng hành vi bất chấp pháp luật của Cty Thế Anh đã bị dư luận, báo chí lên án. Ngày 27/12/2019, Bộ NN-PTNT có văn bản số 9735 yêu cầu tất cả các địa phương có đê, trong đó bao gồm tỉnh Hải Dương kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đê điều mà báo chí đang phản ánh trong thời gian qua.

Chỉ sau công văn chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Cty Thế Anh mới chịu dừng san lấp mặt bằng, tháo dỡ những công trình vi phạm Luật Đê điều.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.