Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, sau khi trở về trạng thái "bình thường mới" toàn tỉnh Bình Dương có 85% doanh nghiệp trong khu công nghiệp tổ chức lại hoạt động sản xuất với các phương án “1 cung đường, 2 điểm đến”, “3 tại chỗ”, “3 xanh”. Doanh nghiệp ổn định sản xuất nên rất nhiều công nhân đã trở về nhà máy để tiếp tục công việc.
Để tạo điều kiện cho công nhân đi làm trở lại, Bình Dương đã gỡ bỏ các chốt kiểm soát dịch nội tỉnh. Tỉnh Bình Dương đã cho phép lưu thông liên huyện giữa 4 huyện vùng xanh là Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên và Bàu Bàng. Thành phố Thủ Dầu Một và thị xã Bến Cát người dân được lưu thông liên xã phường. Riêng thành phố Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên thì an toàn dịch bệnh tới đâu được nới lỏng lưu thông đến đó.
Về việc lưu thông liên tỉnh, tỉnh sẽ sớm có quy định cho người lao động Bình Dương đi làm ở các địa phương khác và ngược lại. Tỉnh đang xem xét yếu tố an toàn dịch bệnh và độ phủ vacxin ở các địa bàn giáp ranh. Khi các yếu tố cho thấy sự an toàn sẽ tổ chức cho người dân lưu thông trong thời gian sớm nhất. UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các sở ngành nghiên cứu để tham mưu sớm có quy định về việc lưu thông.
Bổ sung chính sách hỗ trợ người lao động
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cũng ra lời kêu gọi người dân Bình Dương và lao động tại các tỉnh thành đang làm việc tại Bình Dương bình tĩnh, đoàn kết, sát cánh cùng địa phương từng bước phục hồi, phát triển kinh tế.
Theo ông Minh, Bình Dương là tỉnh công nghiệp, đóng góp của ngành công nghiệp chiếm trên 70% GDP của tỉnh, hiện toàn tỉnh có khoảng 50.000 doanh nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động. Thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, toàn tỉnh chỉ còn khoảng 3.500 doanh nghiệp thực hiện theo phương án "3 tại chỗ," “1 cung đường, 2 điểm đến” với khoảng 250.000 người, trên 750.000 người phải ngừng việc.
Để chăm lo người lao động, tỉnh đã tích cực triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các chính sách theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng một số chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh, như: Hỗ trợ tiền nhà trọ (300.000 đồng/người) và lương thực thực phẩm cho công nhân ở trọ (500.000 đồng/người); tập trung triển khai các giải pháp duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh thông qua các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết 105 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19...
"UBND tỉnh đã yêu cầu Sở LĐ-TB-XH tham mưu chính sách bổ sung để hỗ trợ các nhóm đối tượng thật sự khó khăn, cần trợ giúp, đáp ứng yêu cầu ổn định, phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với đảm bảo công tác phòng chống dịch trong trạng thái bình thường mới. Tỉnh Bình Dương cũng tiếp tục huy động nguồn lực của cộng đồng, doanh nghiệp, người dân hỗ trợ các nhóm đối tượng yếu thế, dễ tổn thương. Thực hiện các mô hình tình nguyện, trợ giúp xã hội trong cộng đồng dân cư..." ông Võ Văn Minh nhấn mạnh.
Phối hợp các tỉnh đưa phụ nữ mang thai, trẻ em... về quê
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, đối với việc về quê, Bình Dương mong muốn người lao động bình tĩnh, không tự ý đi xe máy về quê. Đối với những bà con khó khăn, có lý do chính đáng (phụ nữ mang thai, trẻ em...) thì cần đăng ký với chính quyền để được các tỉnh phối hợp có phương án đưa đón, không làm lây lan dịch bệnh.
“Thực tế, trong thời gian qua, Bình Dương đã phối hợp đưa 5.000 người về quê. Tỉnh cũng đã có văn bản gửi các tỉnh về việc tiếp tục tổ chức cho người dân khó khăn đi về, tuy nhiên ở một số tỉnh khó khăn về cách ly y tế nên chưa thể phối hợp.
Tỉnh Bình Dương mong muốn vì lợi ích chung, an toàn chung, người dân tiếp tục chia sẻ cùng vượt qua khó khăn. Tỉnh Bình Dương đang mở cửa các hoạt động sản xuất kinh doanh tạo việc làm, thu nhập để người dân dần ổn định cuộc sống. Mặc dù tỉnh Bình Dương đã trở về trạng thái bình thường mới nhưng lây nhiễm ngoài cộng đồng còn lớn, chính vì vậy nguy cơ lây lan khi người dân về các tỉnh sẽ cao. Mặt khác, ở các địa phương năng lực cách ly có giới hạn. Sau khi tình hình dịch ổn định nếu người dân có nhu cầu về quê, Bình Dương sẽ tổ chức đưa đón bà con về quê một cách an toàn”, ông Minh chia sẻ.
"Do số lượng người lao động tại địa phương quá đông, việc hỗ trợ cho người lao động cơ bản được thực hiện tốt, nhưng vẫn còn một số nơi, số chỗ giải quyết còn chậm, bộc lộ một số bất cập khiến tiền hỗ trợ chưa tới tay người lao động. Thấu hiểu được những khó khăn này, với tinh thần “cương quyết, trách nhiệm”, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập tổ thanh kiểm tra do UBKT Tỉnh ủy chủ trì nhằm kiểm tra, rà soát việc chi trả các chính sách, đảm bảo việc chi trả đầy đủ, đúng đối tượng, không bỏ sót đối tượng, không để trục lợi chính sách" - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nói.