| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp Việt làm gì để đối phó thương chiến Mỹ - Trung?

Thứ Sáu 11/10/2019 , 14:30 (GMT+7)

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan có cuộc trao đổi với PV về “Vai trò doanh nhân trong phát triển đất nước”...

chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Năm 2018, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế: DN tư nhân chiếm 42,08%, DN nhà nước 27,67%, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 20,28%, còn lại là các nguồn thu khác. Cũng năm 2018, đóng góp cho đầu tư phát triển: DN tư nhân 43,3%, DN nhà nước 33,3%, DN FDI 23,4%. 

Có thể thấy khu vực DN tư nhân có sức sống khá mãnh liệt, đáng chú ý là đã phát triển ở ngành chế biến và chế tạo. Tuy nhiên, DN nước ta phát triển chủ yếu nhờ lao động giá rẻ, vào thời kỳ mới sẽ gặp thách thức gì? 

Theo Ngân hàng Thế giới thì tính chất của toàn cầu hóa đang thay đổi, dòng chảy thương mại và đầu tư chậm lại. Các chuỗi giá trị toàn cầu đã chín muồi dẫn tới thách thức xuất khẩu và tăng trưởng dựa trên công nghiệp chế tạo nhờ lao động giá rẻ. Thương mại dịch vụ và dòng chảy dữ liệu qua biên giới tăng, chủ nghĩa bảo hộ tăng gây thêm rủi ro cho tăng trưởng, các nước giàu tăng đầu tư vào tự động hóa và các nền kinh tế mới nổi bắt đầu giảm công nghiệp hóa. Đặc biệt tốc độ tăng trưởng chậm lại ở các nước thu nhập trung bình khi tăng lương nhanh hơn tăng năng suất làm giảm năng lực cạnh tranh trong các ngành thâm dụng lao động giá rẻ. 

Bà có thể cho biết chiến lược của ba nước liên quan nhiều mặt đến nước ta là Trung Quốc, Mỹ và Nhật? 

Trung Quốc nêu “Sáng kiến Vành đai Con đường”, dự định đầu tư 150 tỷ USD (cần 1.300 tỷ USD cho 10 năm tới), trong đó cho đường sắt 75 tỷ, đường bộ 18,4 tỷ, sân bay 17,5 tỷ, cảng biển và cảng sông 25,4 tỷ. Các hành lang kinh tế: Cầu lục địa Á-Âu, Trung Quốc-Mông Cổ-Nga, Trung Quốc-Trung Á-Tây Á, Trung Quốc-Bán đảo Đông Dương, Trung Quốc-Bangladesh-Myanmar-Ấn Độ, Trung Quốc-Pakistan.

Mỹ có “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” nhằm phát triển tự do, rộng mở, quản trị và hợp tác, can dự kinh tế (các chương trình cải thiện môi trường đầu tư và thúc đẩy sáng tạo, thuận lợi cho các dự án kết nối, thúc đẩy các thỏa thuận thương mại tự do, bình đẳng và có đi có lại).

Nhật Bản có chiến lược với ba trụ cột: Phổ biến và định hình các giá trị cơ bản như thượng tôn pháp luật và tự do, an toàn hàng hải, hàng không; tăng cường sự phồn vinh kinh tế; đảm bảo hòa bình và ổn định.

Vậy cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ tác động trực tiếp đến nước ta như thế nào?

Trước hết là tác động của chủ nghĩa bảo hộ leo thang. Thuế quan tăng làm tăng chi phí đầu vào và giá sản phẩm cuối cùng dẫn tới GDP và thương mại toàn cầu suy giảm khiến cho tăng trưởng thương mại, xuất nhập khẩu và FDI ở Việt Nam sẽ khó khăn hơn, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.  Những hệ quả bất định về môi trường đầu tư và thương mại toàn cầu làm dòng vốn rút chạy khỏi các thị trường mới nổi, các chuỗi cung ứng toàn cầu bị xáo trộn, FDI suy giảm. 

Áp lực cạnh tranh có thể lớn hơn nữa khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung trở thành chiến tranh tiền tệ, các chuỗi cung ứng đứt gẫy, thị trường thế giới chia tách.

Trong tình hình đó, Việt Nam sẽ tham gia các chuỗi cung ứng như thế nào? 

Nước ta có nền kinh tế mở nên khó tránh những tác động trên. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và nguồn nhập khẩu lớn nhất; Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, biến động ở hai nền kinh tế đó sẽ tác động tới thương mại của Việt Nam.

Thống kê năm 2017, Việt Nam có thặng dư thương mại 41,5 tỷ USD với Mỹ, nhưng thâm hụt 21,3 tỷ USD với Trung Quốc. Mức chênh lệch thương mại với cả 2 có thể tăng khi Việt Nam có thể bị Mỹ áp dụng các biện pháp nhằm giảm thâm hụt thương mại của họ; bị nghi ngờ và trừng phạt nếu để Trung Quốc “mượn xuất xứ”  xuất khẩu sang Mỹ nhằm lẩn tránh thuế. Việt Nam có thể có sự chuyển hướng thương mại và thêm dòng đầu tư của Trung Quốc cùng các nước khác chuyển từ Trung Quốc sang, mang theo cả những cơ hội và thách thức mới.

Bà Phạm Chi Lan trình bày trước các doanh nghiệp tiêu biểu ĐBSCL.

Để hạn chế ảnh hưởng xấu của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, các DN nước ta cần chú ý điều gì?

Tăng xuất sang Mỹ thì cũng phải tăng nhập nguyên liệu và sản phẩm đầu vào từ họ. Cần đề phòng Trung Quốc dùng Việt Nam làm nước trung chuyển để xuất hàng Trung Quốc qua Mỹ dưới nhãn hiệu “Made in Việt Nam” để tránh thuế; chú ý 3 kênh chính là các DN có vốn đầu tư của Trung Quốc hoạt động ở Việt Nam, hàng Trung Quốc đổi thành nhãn hiệu Việt Nam hoặc nhãn hiệu nước thứ ba, Trung Quốc dùng các nước trung chuyển khác (như Campuchia). 

Các DN nước ta cần theo dõi, kiểm soát để bảo đảm hàng xuất từ Việt Nam có đủ giá trị địa phương (local content) cần thiết; cần hiểu, giám sát lẫn nhau làm nghiêm túc, tránh gian lận để khỏi rơi vào “tầm ngắm” của Mỹ, gây tổn hại cho cả ngành hàng và nền kinh tế.

Bà có thể cho biết một vài vấn đề cụ thể mà DN nước ta cần chú ý?

Tăng xuất khẩu sang Mỹ làm tăng xuất siêu nhanh, dễ gây phản ứng từ Mỹ, dễ bị Mỹ đánh giá là nước đối tác “thao túng tỷ giá hối đoái” (tháng 5/2019 Mỹ đã xếp Việt Nam vào diện 9 nước “phải theo dõi”). Chú trọng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (tháng 4/2019, Mỹ xếp Việt Nam vào diện 36 nước gây quan ngại về tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ). Cần cân nhắc việc sử dụng Hoa Vĩ và các công nghệ cao của Trung Quốc bị Mỹ cấm giao dịch.

Còn các hiệp hội DN cần làm gì thưa bà?

Trước hết, theo dõi diễn biến ở các thị trường, tác động thực tế trong nước và ở các ngành, kể cả diễn biến chính sách (điều chỉnh, ứng phó, chiến lược mới). Tiếp theo, có hành động phù hợp với thị trường trong nước; thị trường Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia tham gia các hiệp định thương mại tự do; thị trường thứ ba (thị trường, sản phẩm, bạn hàng thay thế; công nghệ, mô hình kinh doanh mới).

Các hiệp hội DN cũng cần sát cánh với Nhà nước để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ DN về thông tin, hướng dẫn, phòng chống gian lận trong thương mại và đầu tư; thực thi nghiêm túc các chính sách nhằm phát triển nội lực; thực hiện chính sách kinh tế đối ngoại thông minh, vì lợi ích Việt Nam. Tóm lại, các hiệp hội DN tập trung sức nâng cao cho phía nhà nước và DN năng lực cạnh tranh, năng lực sáng tạo, năng lực kết nối, môi trường cho phát triển bền vững và bao trùm để vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội phát triển.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Chất lượng là yếu tố số 1 để nâng cao thương hiệu rau quả Việt Nam

‘Để nâng cao giá trị thương hiệu ngành rau quả Việt Nam, chất lượng là yếu tố số 1, sau đó mới đến giá cả', Phó Tổng Giám đốc Doveco Nguyễn Thanh Tùng cho hay.

Hà Nội sắp phê duyệt chủ trương cải tạo lại ba chung cư cũ

UBND TP. Hà Nội có văn bản kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP. Dương Đức Tuấn về việc thực hiện đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ở Hà Nội.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.