Tọa đàm “Doanh nhân viết và viết về doanh nhân” do Hội đồng sách Doanh Nhân, tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn và Hội Nhà văn TP.HCM phối hợp tổ chức. Dòng sách “doanh nhân viết” bao gồm những tác phẩm truyền thụ kiến thức kinh doanh và chia sẻ kinh nghiệm thương trường. Còn dòng sách “viết về doanh nhân” tập trung ghi lại những buồn vui trong cuộc đời doanh nhân.
Doanh nhân viết và viết về doanh nhân là một mảng đề tài thú vị trên thị trường sách Việt Nam, nhưng chưa tạo được ấn tượng rõ nét. Một số doanh nhân có khả năng viết lách vượt trội như Nguyễn Thị Sơn, Lý Quí Trung, Nguyễn Cảnh Bình...
Trung bình mỗi năm ở Việt Nam xuất bản hơn 30.000 đầu sách mới, trong khi đó, sách về doanh nhân chiếm tỷ lệ rất nhỏ với khoảng 100 cuốn. Và thực tế cũng cho thấy, có khá nhiều doanh nhân viết sách trên thế giới, trở thành sách bán chạy nhất trên thế giới hiện nay với hàng triệu bản, cũng đều bán rất chạy tại Việt Nam. Doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh cho biết như vậy, và nhấn mạnh: “Thật ra thị trường sách tại Việt Nam, bạn đọc tại Việt Nam đều đang mong muốn và kỳ vọng được đọc sách của doanh nhân viết. Có điều, chúng ta chưa đủ số lượng lẫn chất lượng để có thể đáp ứng nhu cầu có thật của thị trường”.
Doanh nhân viết có quá nhọc nhằn không? Đã từng có hai cuốn sách xuất bản tại Việt Nam, doanh nhân Phan Minh Thông – Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh tiết lộ sắp có một cuốn sách được in tại Đức. Được mệnh danh là “vua hồ tiêu Việt Nam” đồng thời cũng là một nhà sưu tập tranh tầm cỡ, doanh nhân Phan Minh Thông thổ lộ: “Nhiều người bạn làm ăn nước ngoài quan tâm đến tác phẩm của tôi chủ yếu nhờ vào yếu tố văn hóa Việt Nam được tôi cài cắm trong từng trang sách. Doanh nhân Việt mà không thể hiện được văn hóa Việt thì rất khó hội nhập quốc tế”.
Viết về doanh nhân có hay dễ? Sinh ra trong một gia đình có truyền thống kinh doanh, nhà văn Lưu Vĩ Lân phân tích sự cần thiết kết hợp giữa nhà văn và doanh nhân: “Một bên là các doanh nhân, chiến sĩ trên dòng chủ lưu của đấu trường kinh tế và một bên là nhà văn, người ghi chép, chiêm niệm và phản ánh thời đại, cùng ngồi bên nhau, cùng suy tư về câu hỏi này, là một mối lương duyên hoàn hảo.
Chúng ta sẽ cùng nhau bằng các thể loại văn bản (phi hư cấu, hư cấu, thơ ca…) ghi chép lại các kinh nghiệm lịch sử này để mọi người cùng chiêm nghiệm, suy tư, học hỏi và truyền lại cho mai sau như những bài học quý giá. Ngạn ngữ Do Thái có câu: “Cái gì không nói ra thì sẽ mất đi”. Đúng vậy, bao nhiêu trải nghiệm quý giá được trả bằng xương máu đó nếu không được ghi lại, được phản tỉnh, được suy xét…thì nó sẽ mất đi và mai sau con cháu chúng ta sẽ phải trả giá để học lại bài học cũ”.
Trong giới văn chương, cũng có những cây bút chuyên nghiệp cũng là doanh nhân thành công như Trình Quang Phú, Nguyễn Phúc Lộc Thành, Trần Lê Khánh, Trần Đỗ Liêm, Trương Vạn Thành...
Thành công của tọa đàm là một văn bản hợp tác được ký kết giữa Hội Nhà văn TPHCM và Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn nhằm phát triển dòng sách về doanh nhân Việt Nam.
Nhà văn Bích Ngân – Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM hào hứng: “Nhà văn và doanh nhân, tuy khác nhau về nghề và cũng không giống nhau về nghiệp, nhưng chúng ta có cùng chung triết lý hành động: Với tác phẩm sáng tạo của mình - giá trị vật chất và giá trị tinh thần, chúng ta góp phần đem lại giá trị thụ hưởng cho con người, cho cộng đồng, cho dân tộc và có thể vượt qua ranh giới của quốc gia, chúng ta, nhà văn và doanh nhân, còn có thể góp giá trị từ sản phẩm sáng tạo của mình cho cộng đồng lớn hơn - cho cả nhân loại”.