| Hotline: 0983.970.780

Yên Bái phát triển sản phẩm OCOP từ nông sản thế mạnh, đặc trưng

Thứ Hai 25/12/2023 , 10:47 (GMT+7)

Sản phẩm OCOP được thực hiện với quy trình sản xuất sạch hơn, theo chuỗi giá trị nông sản VietGAP, hữu cơ, tạo nên uy tín thương hiệu, mang lại giá trị kinh tế cao.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn giới thiệu gian hàng sản phẩm OCOP của tỉnh với các doanh nghiệp Hàn Quốc. Ảnh: Thanh Tiến.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn giới thiệu gian hàng sản phẩm OCOP của tỉnh với các doanh nghiệp Hàn Quốc. Ảnh: Thanh Tiến.

Vùng quế 55.000 ha có 20 sản phẩm OCOP

Xác định phát triển sản phẩm OCOP là chương trình kinh tế quan trọng, những năm qua, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, giải pháp xây dựng các sản phẩm chủ lực, đặc trưng có tiềm năng thế mạnh của địa phương thành sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị thu nhập.

Văn Yên hiện có vùng quế lớn nhất cả nước với tổng diện tích hơn 55.000 ha, trong đó diện tích quế tập trung trên 30.000 ha. Tận dụng lợi thế có vùng nguyên liệu lớn, chất lượng cao, Hợp tác xã (HTX) Quế Văn Yên được thành lập năm 2018 với ngành nghề kinh doanh chính chuyên thu mua, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ cây quế. 

Huyện Văn Yên đã xây dựng nhiều sản phẩm OCOP từ quế để nâng cao giá trị. Ảnh: Thanh Tiến.

Huyện Văn Yên đã xây dựng nhiều sản phẩm OCOP từ quế để nâng cao giá trị. Ảnh: Thanh Tiến.

Đến nay, HTX đã tạo ra các sản phẩm đa dạng, được thị trường đón nhận, trong đó có 7 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP của tỉnh Yên Bái gồm: bột quế, tinh dầu quế, lọ tăm quế, quế thanh, quế điếu và Trà quế Hồng Sâm. Đây là những sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập cao cho các thành viên HTX. 

Ông Đặng Công Long, Giám đốc HTX cho biết: sản phẩm sau khi được công nhận OCOP, HTX được đặc quyền sử dụng nhãn hiệu và thứ hạng sao, in trên bao bì của sản phẩm. Hình ảnh này tạo điều kiện để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, đặc biệt là tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. Hiện HTX có 2 cơ sở chế biến, giới thiệu, kinh doanh các sản phẩm. Bên cạnh đó, HTX liên kết với doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh để quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm.

Với mục tiêu tiếp tục phát triển các sản phẩm OCOP mới từ quế và nâng tầm chất lượng xuất khẩu ra các thị trường thế giới khó tính, HTX Quế Văn Yên xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu quế bằng việc xác lập quyền chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. Phát triển sản xuất theo hướng sạch, hữu cơ gắn với vùng nguyên liệu và công nghiệp chế biến. Từ đó, nâng cao thu nhập cho thành viên, tạo việc làm cho lao động địa phương làm giàu từ chính đặc sản quế của địa phương.

Các sản phẩm OCOP từ quế có mẫu mã đa dạng được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Thanh Tiến.

Các sản phẩm OCOP từ quế có mẫu mã đa dạng được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Thanh Tiến.

Thời gian qua, nhiều cơ sở chế biến, HTX, doanh nghiệp tại huyện Văn Yên đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô sản xuất gắn với đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Chú trọng phát triển sản phẩm dựa trên đặc trưng, thế mạnh của địa phương. Đến nay, toàn huyện có 48 sản phẩm (trong đó có 20 sản phẩm từ nguyên liệu quế) của 19 chủ thể là doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác được chứng nhận OCOP, góp phần thúc đẩy sản xuất theo hướng tăng quy mô với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân. 

Theo ông Trần Đình Trọng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Văn Yên, việc phát triển các sản phẩm OCOP đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và lao động. Các địa phương đã thấy được lợi thế, cơ hội để phát huy, khai thác giá trị sản phẩm OCOP gắn với phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, huyện vận động các doanh nghiệp, HTX ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất sản phẩm OCOP.

Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc; sử dụng “quy trình xác thực chống hàng giả” vào quản trị doanh nghiệp, minh bạch quá trình hình thành và kết nối thị trường để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP. Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP, hình thành các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp (livestream) cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương.

Xây dựng OCOP từ thịt cá lăng hồ Thác Bà

Tại huyện Yên Bình, Chương trình OCOP đã góp phần phát huy đa giá trị của ngành nông nghiệp theo chủ trương chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ trọng cung sang trọng cầu. 

Huyện Yên Bình đã xây dựng được 2 sản phẩm OCOP từ đặc sản bưởi Đại Minh. Ảnh: Thanh Tiến.

Huyện Yên Bình đã xây dựng được 2 sản phẩm OCOP từ đặc sản bưởi Đại Minh. Ảnh: Thanh Tiến.

Bà Đào Thị Thanh Hiền, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Yên Bình cho biết, toàn huyện hiện có 41 sản phẩm OCOP, trong đó có 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao. Các doanh nghiệp, HTX đã chú trọng yếu tố về chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn, sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm theo quy định. Đặc biệt đã hình thành được các chuỗi giá trị OCOP, mô hình tiêu biểu hoạt động hiệu quả với vai trò tích cực của HTX và doanh nghiệp. Nhiều sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, như: Bưởi đặc sản Đại Minh, chè xanh Hán Đà, cá hồ Thác Bà…

Với lợi thế hồ Thác Bà có diện tích mặt nước hơn 19.000 ha, trên vùng hồ hiện có 2 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã, 13 tổ hợp tác và hơn 300 hộ dân nuôi cá lồng, cá quây lưới với trên 2.200 lồng cá và 230ha diện tích mặt nước quây lưới nuôi cá, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 9.000 tấn/năm. Hầu hết các cơ sở nuôi cá lồng đã đầu tư hệ thống lồng nuôi cá chất lượng cao, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng quy mô nuôi các loại cá đặc sản, nhất là những loại cá da trơn có nguồn giống bản địa, giá trị kinh tế cao như cá lăng, ngạnh, trắm, chép, rô phi…

Giống cá lăng được nuôi phổ biến trên vùng hồ Thác Bà. Ảnh: Thanh Tiến.

Giống cá lăng được nuôi phổ biến trên vùng hồ Thác Bà. Ảnh: Thanh Tiến.

Các doanh nghiệp, HTX và người dân còn liên kết trong chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như HTX Hoàng Kim liên kết với Công ty TNHH Chế biến thủy sản sạch Hải Hà, tạo ra chuỗi sản xuất khép kín, đưa sản phẩm đặc sản cá sấy hồ Thác Bà tới người tiêu dùng. Đặc biệt, đến nay đã có 4 sản phẩm được chế biến đạt tiêu chuẩn OCOP như chả, giò, xúc xích và ruốc cá lăng.

Bà Vũ Thị Thu Hương - Quản lý Công ty TNHH Thủy sản sạch Hải Hà cho biết: Để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, công ty đã đào tạo đội ngũ nhân viên lành nghề và dây chuyền máy móc hiện đại. Chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm trong các quy trình sản xuất. Với mục tiêu đưa sản phẩm vào các siêu thị lớn như Big C, Vincom, Công ty thực hiện đầy đủ các chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo đủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ: nuôi trồng, sản xuất, chế biến và bảo quản.

Công ty TNHH Chế biến thủy sản sạch Hải Hà (huyện Yên Bình) có 4 sản phẩm OCOP từ thịt cá lăng. Ảnh: Thanh Tiến.

Công ty TNHH Chế biến thủy sản sạch Hải Hà (huyện Yên Bình) có 4 sản phẩm OCOP từ thịt cá lăng. Ảnh: Thanh Tiến.

Nâng cao chất lượng, mẫu mã để xuất khẩu sản phẩm OCOP

Ông Nguyễn Đức Điển - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái cho biết: Các sản phẩm được công nhận OCOP của tỉnh có bước tiến nhanh về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm... Đặc biệt, các sản phẩm OCOP đều được thực hiện theo quy trình sản xuất sạch hơn, theo tiêu chuẩn hữu cơ và bảo vệ môi trường.

Thực tế cho thấy những sản phẩm đạt chuẩn OCOP, có chỉ dẫn địa lý và bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa được tiêu thụ dễ dàng, mang lại giá trị kinh tế cao. Điều đó, khiến sản phẩm OCOP của Yên Bái liên tục được nâng cao về chất lượng, sản lượng và tăng nhanh số lượng sản phẩm. Sau 4 năm thực hiện Chương trình OCOP, toàn tỉnh có hơn 230 sản phẩm được công nhận.

Các sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái ngày càng đa dạng về mẫu mã, nâng cao chất lượng. Ảnh: Thanh Tiến.

Các sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái ngày càng đa dạng về mẫu mã, nâng cao chất lượng. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay, thương hiệu nhiều sản phẩm nông sản OCOP của Yên Bái đã được khẳng định, nổi tiếng thị trường trong nước và quốc tế, một số sản phẩm nông sản OCOP mang tầm thương hiệu quốc gia, như chè Shan tuyết Suối Giàng; gạo Séng cù Mường Lò; bưởi Đại Minh; quế Văn Yên; miến đao Quy Mông; măng tre Bát độ Trấn Yên, cá lăng hồ Thác Bà, thị sấy Nghĩa Lộ...

Bên cạnh đó, những sản phẩm OCOP của Yên Bái đang là những sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp tỉnh, góp phần quan trọng giải quyết việc làm nông thôn, phát triển kinh tế các địa phương, nâng cao mức sống cho người nông dân.

Tỉnh Yên Bái đẩy mạnh xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm OCOP xuất khẩu. Ảnh: Thanh Tiến.

Tỉnh Yên Bái đẩy mạnh xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm OCOP xuất khẩu. Ảnh: Thanh Tiến.

Tỉnh Yên Bái đã xây dựng 11 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Trong năm 2023, các ngành chức năng của tỉnh đã hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia  nhiều hội chợ ngoài tỉnh như Quảng Ninh, Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Minh với hơn 80 sản phẩm các loại.

Qua các hoạt động xúc tiến thương mại đã tạo điện kiện cho các chủ thể giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa sản phẩm OCOP tiếp cận người tiêu dùng trong cả nước, nhiều sản phẩm được xuất khẩu tới các thị trường khó tính trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Châu Âu…

Sau 4 năm triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay tỉnh Yên Bái đã gần 230 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP, trong đó có hơn 20 sản phẩm đạt 4 sao, 200 sản phẩm 3 sao. Chương trình OCOP đã huy động được gần 130 chủ thể là doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh tham gia. 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.