Đã thành lệ, phiên chợ đồ chơi dành cho trẻ em được mở vào sáng mùng hai Tết Nguyên đán hàng năm tại đình Phong Lôi Tây (thôn Phong Lôi, xã Đông Hợp, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình). Đây là phiên chợ quê hiếm hoi chỉ bán toàn đồ hàng, đồ chơi dành cho trẻ em.
Theo các cụ cao niên, chợ được hình thành vài chục năm về trước, từ thời hợp tác xã những năm 1960. Làng quê đồng bằng Bắc bộ vốn nghèo khổ, làm lũ, người dân trong làng quanh năm tất bật bươn chải, đầu tắt mặt tối, không có thời gian và điều kiện kinh tế chăm lo cho con cái, đến món đồ chơi ngày Tết cũng không có.
Khi những lo toan, khó khăn đã vợi bớt, ngày xuân năm mới, người lớn mới có thời gian nghĩ tới bọn trẻ. Lũ trẻ con, đầu năm có tiền mừng tuổi, lì xì của người lớn mới rủ nhau đi mua đồ chơi, là những thức hàng quê kiểng như những con giống nặn đất màu, những con tò he, những con vật bằng bột, vừa là đồ chơi, vừa là món ăn… được bày bán. Cứ thế, lâu dần, chỗ mua bán hình thành phiên chợ đồ chơi cho trẻ nhỏ, trải mấy chục năm qua.
Đình Phong Lôi nằm ngay sát đường quốc lộ, khi những lo toan cơm áo đã vợi bớt, điều kiện kinh tế phát triển, ngôi đình được tu sửa khang trang, trở thành nơi diễn ra các hoạt động văn hóa cộng đồng hằng năm, cũng là nơi họp phiên chợ đồ chơi.
Từ sáng sớm, lũ trẻ đã được bố mẹ dẫn ra chơi chợ, tự tay chọn cho mình những món đồ ưa thích. Đồ chơi được đổ đống trên tấm bạt trải trên sân đình. Cả chục quầy hàng quay quần trên chiếc sân gạch khá rộng, tấp nập kẻ bán, người mua…
Vì khách hàng toàn là trẻ con nên chủ hàng cũng bán giá phải chăng, chủ yếu mang lại may mắn, nụ cười đầu năm. Những ánh mắt trẻ thơ háo hức nhìn như dán chặt vào những món quà xanh đỏ, đó là niềm hạnh phúc tuổi thơ được chúng mang theo suốt cuộc đời.
Ông Nguyễn Xuân Tặng (Bí thư Đảng bộ xã Đông Hợp) cho biết, phiên chợ đồ chơi dành cho trẻ em là một trong những nét đẹp của đời sống văn hóa của làng quê, xã chủ trương giữ thành lệ, đúng sáng mồng hai hàng năm chợ sẽ họp và kéo dài cho tới hết buổi sáng. Dù chỉ trong thời gian rất ngắn nhưng nó cũng là nét độc đáo, riêng có của thôn làng.