| Hotline: 0983.970.780

Độc đáo tổ xung kích phòng, chống thiên tai

Thứ Ba 05/12/2023 , 08:44 (GMT+7)

Bình Dương Luôn có mặt ngay từ thời khắc đầu tiên để sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn, họ là những đội xung kích phòng chống thiên tai cơ sở.

Uyên Hưng là một trong 2 phường trọng điểm về thiên tai của TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Để giảm tổn thất về người và tài sản, địa phương này đặc biệt coi trọng công tác xây dựng và củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại chỗ...

Sạt lở bờ sông Sài Gòn đoạn thuộc xã An Tây (thị xã Bến Cát). Ảnh: Trần Phi.

Sạt lở bờ sông Sài Gòn đoạn thuộc xã An Tây (thị xã Bến Cát). Ảnh: Trần Phi.

Ông Nguyễn Thanh Thoại, Phó Chủ tịch UBND phường Uyên Hưng, TP Tân Uyên cho biết, trước mùa mưa bão, phường rà soát và kiện toàn đội xung kích phòng, chống thiên tai; đồng thời, phối hợp với TP Tân Uyên tổ chức tập huấn kỹ thuật bảo vệ tuyến đê sông Đồng Nai; kỹ năng chằng chống nhà cửa, sơ tán và bảo vệ tài sản của người dân khi thiên tai xảy ra…

Nòng cốt của Đội xung kích phòng chống thiên tai phường Uyên Hưng là dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên, cán bộ về hưu, nông dân... Ngoài chịu trách nhiệm xử lý giờ đầu sự cố thiên tai, các đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã còn chốt canh những nơi nguy hiểm, cứu trợ, giữ an ninh trật tự vùng bị cô lập...

Nói cách khác, đây là lực lượng nòng cốt trong thực hiện phòng ngừa, ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả sự cố, thiên tai tại các địa phương theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

Ông Vũ Ngọc Thìn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Dương cho biết, ngoài kết quả đạt được, nhiều đội xung kích phòng, chống thiên tai ở cấp xã, phường hiện còn hạn chế về kỹ năng, thiếu trang thiết bị nên gặp nhiều khó khăn khi xảy ra tình huống xử lý khẩn cấp, thiên tai diện rộng. Nguyên nhân là do một số địa phương thiếu kinh phí nên chưa thường xuyên tập huấn, huấn luyện kỹ năng ứng phó từng loại hình thiên tai, sự cố cho lực lượng xung kích cấp cơ sở...

“Hạnh phúc lớn nhất của tôi là được làm những việc có lợi cho bà con làng xóm, mỗi tuần, mỗi tháng tổ xung kích đều tổ chức họp, để có phương án chuẩn bị khi sự cố xảy ra, nhưng để công việc đạt hiệu quả hơn, tôi mong các cấp, các ngành thường xuyên tập huấn để có thêm kỹ năng cứu hộ, cứu nạn, sơ tán dân. Thực tế, nhiều năm nay chúng tôi làm bằng kinh nghiệm là chủ yếu với dụng cụ đơn giản như đèn pin, cuốc, xẻng, dao… tự trang bị”, ông Huỳnh Văn Tây, Tổ trưởng Tổ Xung kích phòng, chống thiên tai phường Uyên Hưng, TP Tân Uyên bày tỏ.

Ông Nguyễn Thanh Thoại, Phó Chủ tịch UBND phường Uyên Hưng họp tổ xung kích PCTT. Ảnh: Trần Phi.

Ông Nguyễn Thanh Thoại, Phó Chủ tịch UBND phường Uyên Hưng họp tổ xung kích PCTT. Ảnh: Trần Phi.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đội xung kích phòng, chống thiên tai, Phó Chủ tịch UBND phường Uyên Hưng cho biết, UBND phường đã xây dựng kế hoạch, đề xuất kinh phí bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hộ đê, sơ tán dân thoát khỏi vùng ngập úng..., nâng cao trình độ chuyên môn cho đội xung kích. Đồng thời, đề xuất kinh phí cho các đội viên tổ đội xung kích để họ có thêm động lực giúp đỡ bà con.

Cùng với phường Uyên Hưng, 45 phường, 5 thị trấn và 41 xã khác trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng đã xây dựng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai với tổng số hơn 300 người... “Nhờ có lực lượng này, tỉnh Bình Dương đã chủ động hơn trong thực hiện phòng ngừa, ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong những năm gần đây...”, ông Vũ Ngọc Thìn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Dương chia sẻ.

Nhiều điểm sạt lở được xác định là vùng nguy hiểm tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: Trần Phi.

Nhiều điểm sạt lở được xác định là vùng nguy hiểm tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: Trần Phi.

Trước đó vào tháng 8/2023, tại tỉnh Bình Dương, trời liên tục đổ mưa gây ngập một số tuyến đường. Đặc biệt, những khu vực đất giáp sông sạt lở. Khu vực bờ sông Đồng Nai thuộc phường Thái Hòa (TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) có nhiều điểm sạt lở và được xác định vùng nguy hiểm. Nhờ lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kịp thời hỗ trợ bà con, nên không xảy ra thiệt hại về người. Tuy nhiên, vụ việc đã khiến khoảng 2.345m2 đất trôi xuống sông; sạt nền, cột góc và vách tường 1 căn nhà tạm.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.