Là tỉnh công nghiệp, Bình Dương có tốc độ đô thị hóa nhanh, thực trạng sạt lở thường xuyên xảy ra đặt ra nhiều thách thức công tác phòng chống thiên tai.
Thời gian qua, công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Bình Dương ngày càng được triển khai mạnh mẽ và phát huy được hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho người dân. Trong đó, giải pháp xây dựng các công trình bờ kè chống sạt lở là một trong những hành động cụ thể và đạt hiệu quả cao, từng bước chủ động giảm thiểu thiệt hại do thiên tai xảy ra.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, mời quý vị và các bạn theo dõi ghi nhận do các phóng viên Báo Nông Nghiệp Việt Nam khu vực Đông Nam bộ thực hiện.
Ông MAI VĂN THÁI
Xã Thạnh Hội, TP. Tân Uyên, tỉnh Bình Dương
Hồi xưa nhà tôi có 600 m2 mà giờ còn có 400m2. Ngoài gia đình tôi thì khu này có khoảng 20 hộ bị y chang như vậy, mỗi nhà mất khoảng vài trăm mét vuông. Sạt lở như vầy thì tôi cũng sợ, nhiều khi tối ngủ bị rơi xuống sông nữa.
Sau nhiều năm chờ đợi, người dân tại khu vực cổ rùa cũng có thể ngủ an giấc, khi dự án xây dựng kè chống sạt lở cù lao Rùa (vị trí cổ Rùa) được xây dựng và đưa vào vận hành ngay từ những tháng đầu năm 2023. Dự án có chiều dài gần 1.000m với hình thức kè mái nghiêng, kết cầu “mềm sinh thái” được gia cố bằng thảm đá bọc PVC kết hợp hành lang đi bộ và điện chiếu sáng, với kinh phí thực hiện ước tính khoảng 55 tỷ đồng.
Bà NGUYỄN THỊ TẮNG
Xã Thạnh Hội, TP. Tân Uyên, tỉnh Bình Dương
Từ ngày mà xây bờ kè đến giờ thì tôi thấy cảnh quan nó cũng đẹp, nên ngủ yên giấc không có lo sạt lở nữa.
Ông PHÙNG TẤN PHÁT
Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hội, TP. Tân Uyên, tỉnh Bình Dương
Cũng nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, đã xây dựng được bờ kè, cụ thể là khu vực cổ rùa. Nhờ sự quan tâm đó thì người dân xã Thạnh Hội rất là phấn khởi.
Theo lãnh đạo địa phương, dự án đã cơ bản giải quyết vấn đề sạt lở tại điểm nóng cổ rùa. Tuy nhiên, hiện nay trên toàn bộ cù lao Rùa có khoảng 6 điểm sạt lở với tổng chiều dài khoảng 2,5km, trong đó đoạn cổ rùa bị xói lở từ hai phía nên chiều rộng chỉ còn khoảng 85m, trong khoảng 10 năm qua tốc độ sạt lở khu vực này là từ 1 - 2m/năm, có những khu vực sạt lở nghiêm trọng 3m . Để đảm bảo toàn bộ khu vực cù lao rùa được bảo vệ, cần nhiều giải pháp thực thi.
Còn đây là công trình bờ kè chống sạt lở sông Đồng Nai đoạn thuộc phường Uyên Hưng, thành phố Tân Uyên đã được xây dựng để giảm thiểu tình trạng sạt lở. Công trình này có tổng chiều dài toàn tuyến là 1.850m và tổng kinh phí thực hiện là 400 tỷ đồng. Ngoài ra, công trình này còn bao gồm hệ thống công viên và đèn chiếu sáng.
Ông NGUYỄN THANH THOẠI
PCT UBND Phường Uyên Hưng, TP. Tân Uyên, tỉnh Bình Dương
Nói về sạt lở thì trên địa bàn phường Uyên Hưng đỉnh điểm từ năm 2005- 2008 rất là cao. Với sự nguy hiểm như vậy thì dưới sự quan tâm của các cấp lãnh đạo thì đã xây dựng được tuyến đường bờ kè chống sạt lở sông Đồng Nai khu phố 1 đã được thi công xây dựng xong, đến nay thì đã hoàn thành phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Dương, hiện có 60 điểm sạt lở cũ từ các năm trước ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp, đường giao thông và nhà ở của người dân. Để ứng phó, các cơ quan ban ngành tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch dành kinh phí đến hơn 9.800 tỷ đồng để thực hiện các đề án phòng, chống sạt lở bờ sông đến năm 2030.
Ông VŨ NGỌC THÌN
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Dương
Trong những năm qua thì tỉnh Bình Dương đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và đề ra nhiều kế hoạch cụ thể, ngoài việc tu bổ các hệ thống pctt như bờ kè, đê, bao đập hồ chứa, thì các giải pháp phi công trình cũng được chú trọng.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung rà soát, bổ sung và hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý khai thác cát, sỏi, xây dựng công trình ven sông và xử lý sạt lở.
Đồng thời, tỉnh cũng sẽ triển khai xây dựng kè, hệ thống quan trắc, theo dõi và giám sát diễn biến sạt lở bờ sông và lòng dẫn.
Những năm gần đây, hiện tượng thời tiết dị thường không theo quy luật đã gây ra nhiều thiệt hại về người và của. Dự báo những năm tiếp theo, tình hình thời tiết và thiên tai sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp và khó lường do tác động của biến đổi khí hậu. Mặc dù thiên tai diễn ra bất thường, cực đoan, trái quy luật, song với những giải pháp Bình Dương đặt ra cho việc chuẩn bị, phòng, chống thiên tai nói chung, sạt lở nói riêng trước mắt đã đạt hiệu quả, từng bước chủ động giảm thiểu thiệt hại dothiên tai gây ra. Qua đó góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững của địa phương.