LTS: Lạm dụng hóa chất, canh tác thiếu bền vững không chỉ khiến đất đai ở khu vực miền núi ngày càng bị vắt kiệt dinh dưỡng, năng suất, chất lượng cây trồng giảm mà còn gia tăng xói mòn, sạt lở đất, tăng nguy cơ lũ quét trong mùa mưa. Giải pháp canh tác nông nghiệp bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường đang là yêu cầu cấp thiết.
Bắt bưởi "đẻ" ra cam, quýt
Ông Đặng Quang Du quê gốc Hưng Yên, nhưng vào Thanh Hóa lập nghiệp gần chục năm nay. Nhận thấy tiềm năng về thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu nơi đây phù hợp với cây ăn quả, ông Du cùng 3 người khác (gồm ông Nguyễn Đức Minh, Trịnh Thế Anh, Đỗ Văn Bích) đã góp vốn, thuê đất, cải tạo vườn trồng keo thành vùng trồng cây có múi tại thôn Đồng Trung, xã Yên Lạc (huyện Như Thanh, Thanh Hóa) với diện tích hơn 40ha.
Năm 2016, ông Du bắt đầu trồng hàng nghìn gốc bưởi Diễn, bưởi hồng, quýt Thái Lan. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, công quyết định chuyển từ trồng bưởi sang trồng cam Canh và quýt Thái Lan, bởi cây bưởi khi ấy không mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
“Bưởi Diễn, bưởi da xanh có đặc điểm chịu hạn tốt, rất khỏe. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, các giống bưởi này được trồng đại trà tại nhiều địa phương khiến thị trường dần bão hòa. Nhiều nơi đã chuyển đổi diện tích trồng bưởi Diễn sang trồng cam Canh vì nhu cầu thị trường lớn hơn”, ông Du cho biết.
Vài năm sau, khi hàng nghìn gốc bưởi Diễn, bưởi hồng đang độ sinh trưởng, ông Du và cộng sự quyết định cắt thân, cành, chỉ trừ lại phần gốc để ghép. Quá trình “lai” giữa cam Canh và quýt Thái trên gốc bưởi Diễn cũng khiến ông tốn khá nhiều thời gian và công sức.
Ban đầu ông thử nghiệm ghép quýt Thái Lan, cam Canh vào gốc bưởi Diễn trên diện tích nhỏ rồi nhân rộng khi thấy hiệu quả. Để ghép cam Canh và quýt Thái Lan trên hàng nghìn gốc bưởi Diễn, ông Du đã thuê hàng chục chuyên gia và công nhân kỹ thuật ở tỉnh Hải Dương, Hưng Yên cùng ăn, cùng ở tại vườn cây.
Ông Du cho biết: “Cam, chanh, bưởi đều ghép được với nhau vì cùng là nhóm cây ăn quả có múi. Tuy nhiên, trong quá trình ghép phải chọn được mắt ghép khỏe, thân cây được ghép phải to, không bị sâu bệnh và có tuổi đời từ 4 - 5 năm mới dưỡng được mắt ghép tốt. Do thân cây bưởi Diễn khỏe nên sau khi ghép, mắt ghép nảy mầm, ra lộc rất nhanh. Trái cam và quýt được ghép trên cây bưởi Diễn có chất lượng như ở chính gốc của nó chứ không hề “lai” màu sắc, mùi vị của bưởi như nhiều người vẫn nghĩ”.
Theo ông Du, cam Canh là cây ăn quả khó tính. Do đó, người trồng đòi hỏi phải có kỹ thuật chuyên sâu. Mặt khác, đây là cây không ưa nắng nóng kéo dài cho nên chỉ hợp với khí hậu 4 mùa ở miền Bắc. Nếu đưa cây cam Canh vào miền Nam trồng sẽ không hiệu quả.
Vườn quýt Thái của ông Du và các cộng sự của ông hiện đã cho thu hoạch 3 vụ, sản lượng đạt gần 200 tấn, mang lại thu nhập từ 4,5 - 5 tỷ đồng mỗi vụ. Mỗi lần thu hoạch, vườn cây ăn quả của ông chật kín container đứng xếp hàng chờ tới lượt gom hàng. Riêng cây cam Canh, cuối năm nay mới cho lứa quả đầu tiên. Tính cả vòng đời cây từ 30 đến 40 năm, vườn cây ăn quả hàng nghìn gốc có thể đem về doanh thu hàng trăm tỷ đồng cho chủ vườn trong tương lai.
Lấy cỏ nuôi cam
Vườn cây ăn quả của ông Du nằm trên đồi thoải, được quy hoạch bài bản từ lối đi đến hệ thống tưới tự động. Khác với nhiều vườn cây ăn quả khác, khu vực trồng cam Canh và quýt Thái Lan của ông Du cỏ mọc um tùm, cao tới nửa thân cây. Giữa hai hàng cây ăn quả được ngăn cách bởi một đường rãnh rộng 5 - 6m, sâu 40cm kéo dài khoảng 200m từ đỉnh tới chân đồi để thoát nước mỗi khi mưa lớn và ngăn rửa trôi, xói mòn đất.
Vườn cây ăn quả của ông Du áp dụng phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ. Điều đặc biệt là tại mỗi gốc cây, đường rãnh, ông Du đều để thảm thực vật phát triển tự nhiên, cỏ mọc um tùm giúp cây không bị cháy rễ khi trời nắng và thối rễ khi trời mưa. Gần chục năm nay, khu vực đồi dốc này chưa bao giờ bị xói mòn hay rửa trôi đất. Tất cả là nhờ thảm thực vật được phủ kín vườn.
“Đặc trưng của cây có múi là “sợ” nước. Khi mưa dồn dập kéo dài sẽ rất dễ gây thối rễ. Do vậy, cỏ mọc quanh gốc cây được xem như lớp đệm sinh học quan trọng giúp cho cây phát triển. Khi mưa xuống cỏ sẽ che đậy bộ rễ, hút một phần nước, ngăn rửa trôi và giúp đất thoáng khí. Khi hết mùa mưa hoặc thời điểm bón phân, chúng tôi dọn cỏ và vun vào gốc, tạo ra phân hữu cơ tự nhiên rất tốt sau khi cỏ hoai mục”, anh Nguyễn Đức Minh, cán bộ phụ trách kỹ thuật, đồng thời là cổ đông tại vườn cây ăn quả chia sẻ.
Vườn cây ăn quả rộng hơn 40ha với hàng nghìn gốc cam Canh, quýt Thái Lan được bón chủ yếu bằng phân hữu cơ (80% phân bón cho cây là phân chuồng được ủ bằng chế phẩm sinh học), còn lại 20% phân vô cơ sẽ dùng vào việc kích thích quả nhanh lớn và được bón theo thời điểm phù hợp.
“Nếu lạm dụng phân vô cơ để tiết kiệm thời gian và chi phí thì sẽ nhanh làm chai và hỏng đất, vắt kiệt sức của cây. Tuy nhiên, khi đậu quả phải kết hợp sử dụng phân bón vô cơ để đảm bảo dinh dưỡng cho cây nuôi quả”, anh Nguyễn Đức Minh cho biết.
Cũng theo anh Minh, để phòng chống bệnh, vườn cây ăn quả sử dụng các chế phẩm sinh học giúp cây tăng khả năng đề kháng và tiêu diệt côn trùng gây bệnh. “Trong các chế phẩm sinh học đã có các loại nấm có khả năng đối kháng và tiêu diệt mầm bệnh, thúc đẩy phát triển của cây trồng và tăng cường cơ chế phòng thủ chủ động của cây. Giai đoạn trước khi thu hoạch 45 ngày chúng tôi sẽ dừng hoàn toàn việc sử dụng các chế phẩm sinh học để đảm bảo an toàn thực phẩm”, anh Minh chia sẻ.
Theo anh Minh, trong việc chăm sóc cây có múi nói chung, có hai giai đoạn quan trọng quyết định thành bại của vườn cây đó là quá trình “bắt hoa, tạo quả” và giai đoạn trước thu hoạch.
“Nếu chăm cây tốt quá thì khó bắt được quả. Do đó, trước thời điểm cây ra hoa khoảng hơn 1 tháng phải ngừng cung cấp dinh dưỡng và nước cho cây để cây dễ ra hoa, đậu quả.
Đến giai đoạn thu hoạch thường xuất hiện hiện tượng rụng quả, thối quả do nấm, côn trùng gây ra. Để khắc phục tình trạng này, trang trại đã đặt nhiều bóng đèn tại nhiều vị trí trong vườn, phía dưới là bể chứa có dầu luyn để khi côn trùng rơi xuống sẽ bị bó cánh”, anh Minh chia sẻ.
Anh Minh cho biết thêm, trồng cây trên đồi dốc khó khăn nhất là nguồn nước tưới. Do đó, cách đây vài năm, chủ vườn đã khắc phục khó khăn này bằng cách đầu tư hệ thống tưới tự động khoảng 3 tỷ đồng để đưa nước từ phía dưới chân đồi đến từng gốc cây cách đó gần 1km. Cả vườn cây ăn quả bạt ngàn chỉ cần một lần ấn nút điều khiển là xong việc tưới.
Hiên nay, vườn cây ăn quả của gia đình ông Du và cộng sự đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục lao động địa phương, có thời điểm lên tới 40 người. Ông Du và công sự còn liên kết với các đại lý, chuỗi cung ứng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ hàng trăm tấn quýt Thái Lan mỗi năm.