| Hotline: 0983.970.780

Dọc đường biên Mường Lát: [Bài 1] Gần 3 thập kỷ loay hoay tìm lối ra

Thứ Hai 26/08/2024 , 08:00 (GMT+7)

Gần 3 thập kỷ qua, Mường Lát vẫn loay hoay trồng cây gì, nuôi con gì để phát triển kinh tế. Đây cũng là 1 trong số các địa phương nghèo nhất cả nước.

Từ năm 2011 đến nay, Trung ương và tỉnh Thanh Hóa đã “đổ” vào Mường Lát hơn 1,1 nghìn tỷ đồng, thế nhưng huyện Mường Lát vẫn chưa thoát nghèo. Vòng luẩn quẩn nghèo đói vẫn bám riết lấy dân bản hết năm này qua năm khác. Gần 3 thập kỷ, địa phương này vẫn hoay nuôi cây gì, trồng cây gì? Câu hỏi đó cứ ám ảnh trong tâm trí nhiều thế hệ lãnh đạo, người dân nơi đây là không tài nào dứt ra được. 

Nghèo đói, lạc hậu

Khác hẳn mấy năm trước, đường lên Mường Lát nay đã thuận tiện hơn nhiều. Tuy nhiên, cũng không thể chủ quan với những khúc cua tay áo, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu hun hút. Cánh tài xế sợ nhất sạt lở núi mỗi khi qua khu vực cắm biển cảnh báo nguy hiểm. Cả cung đường trải dài hàng chục km chỉ thấy thấp thoáng vài căn nhà sàn ẩn mình bên kia triền núi.

Mặt trời đứng nắng, núi non vẫn bao trùm màn sương giăng dày đặc. Dọc đường biên xã Trung Lý, xuất hiện vài ba chiếc lều lán dựng tạm chỉ đủ chỗ cho 2 người ngồi bán dưa chuột. Mấy đứa trẻ vùng cao quần áo xuệch xoạc bám chặt gấu váy mẹ, rong ruổi đi rừng. Cuộc sống ảm đạm vùng biên viễn xứ Thanh cứ “trói” chặt dân bản hết ngày này qua tháng nọ.

Đồng bào dân tộc Mông bán dưa ven đường. Ảnh: Thanh Tùng.

Đồng bào dân tộc Mông bán dưa ven đường. Ảnh: Thanh Tùng.

Người hiểu tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây khó ai qua được ông Lương Minh Thông, nguyên Bí thư Huyện ủy Mường Lát. Ông Thông lên vùng biên giới nhận công tác từ đầu những năm đầu 90 của thế kỷ trước, thời điểm huyện Mường Lát tách ra từ huyện Quan Hóa (năm 1997).

Theo ông Thông, áp lực mà lãnh đạo huyện Mường Lát phải đối mặt khi đó là nạn trồng cây thuốc phiện và nạn di cư của đồng bào dân tộc Mông. Sự cộng hưởng các yếu tố tiêu cực đó khiến đời sống người dân cứ luẩn quẩn trong nghèo, đói, lạc hậu. Cách đây hàng chục năm trước, Mường Lát được xem là “thủ phủ” của cây thuốc phiện, khi đa phần người dân nơi đây đều trồng và sống nhờ cây thuốc phiện.

Ngoài ra, việc di cư của hàng chục nghìn người Mông từ các tỉnh phía Bắc đến Mường Lát đi kèm là nhiều hủ tục lạc hậu như đốt rừng làm rẫy khiến đất và rừng ở đây suy kiệt nghiêm trọng. “Tập quán của đồng bào Mông di cư, nay đây, mai đó. Chỗ đất tốt thì họ sinh sôi, lập bản, khi đất đã trở nên cằn cỗi thì họ di cư. Bởi thế, có thời điểm, độ che phủ rừng tại huyện Mường Lát chỉ còn hơn 50% do bà con đốt rừng làm nương rẫy. 

Trước hệ lụy từ cây thuốc phiện và tập quán di cư của đồng bào dân tộc Mông, Trung ương và tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết, chính sách, nhằm xóa bỏ cây thuốc phiện và phát triển kinh tế đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong số các chính sách đó, nổi bật là chính sách giao đất lâm nghiệp, hỗ trợ gạo cho người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng.

Cũng theo nguyên Bí thư huyện ủy Mường Lát, các chính sách này đã góp phần cao nhận thức cho người dân trong bảo vệ và phát triển rừng, chấm dứt tình trạng du canh du cư, chuyển đổi tập quán canh tác quảng canh, phát rừng làm nương rẫy sang trồng rừng tập trung, chăn nuôi bán chăn thả, thâm canh lúa nước...

Các chính sách nêu trên đã giúp Mường Lát tăng độ che phủ rừng từ 58% năm 2012 lên 77% năm 2023; đất trống, đồi núi trọc cơ bản đã được phủ xanh, hạn chế xói mòn, lũ lụt, giảm thiểu tối đa các vụ cháy rừng, môi trường sinh thái trên địa bàn huyện Mường Lát được cải thiện rõ rệt. Hiện tượng đốt nương làm rẫy giảm đi nhiều. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 59% năm 2012, nay còn 37% (chưa tính hộ cận nghèo).

Đường lên Mường Lát nay đã thuận tiện hơn nhiều so với trước đây. Ảnh: Quốc Toản.

Đường lên Mường Lát nay đã thuận tiện hơn nhiều so với trước đây. Ảnh: Quốc Toản.

Loay hoay trồng cây gì, nuôi con gì

Nuôi con gì, trồng cây gì để phát triển kinh tế cho đồng bào Mường lát là câu hỏi mà lãnh đạo và người dân Mường Lát loay hoay tìm lời giải suốt gần 3 thập kỷ. Theo ông Thông, trong gần 30 năm qua, Mường Lát đã du nhập, trồng các loại cây khác nhau như: Cây mận, cây đào, cà phê, cao su, lạc, luồng, xoan, nhưng tất cả mới dừng lại ở mức... thử nghiệm. 

Từ năm 2006-2010, người dân Mường Lát chủ yếu sống nhờ cây ngô với diện tích hơn 6.000ha. Tuy nhiên thổ nhưỡng ở Mường Lát không giống như các vùng khác, cây trồng chủ yếu canh tác trên đất dốc, khó chăm sóc, bón phân nên đất nhanh bạc màu, dễ bị rửa trôi khi mưa xuống. Bởi vậy việc thâm canh cây ngô gặp khó khăn và giá trị kinh tế hàng hóa không cao.

Địa hình Mường Lát chủ yếu là đồi núi, quỹ đất sản xuất eo hẹp khiến việc quy hoạch vùng sản xuất gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Quốc Toản.

Địa hình Mường Lát chủ yếu là đồi núi, quỹ đất sản xuất eo hẹp khiến việc quy hoạch vùng sản xuất gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Quốc Toản.

Từ năm 2010 trở đi, cây xoan được đưa vào trồng ồ ạt với diện tích đạt gần 17.000ha và kỳ vọng là cây xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng biên giới. Thế nhưng chỉ được vài năm thì người dân chặt vứt bỏ khá nhiều. Trong 3 năm đầu tiên, cây xoan phát triển khá mạnh, nhưng đến năm thứ 4 trở đi bắt đầu ngừng phát triển và còi cọc.

Ông Thông cũng đưa ra một thực tế đáng buồn, trên địa bàn huyện Mường Lát chỉ có hơn chục doanh nghiệp, nhưng hầu hết là doanh nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng, kinh doanh nhỏ lẻ, không có doanh nghiệp sản xuất, chế biến sâu nông lâm sản tầm cỡ.

“Trước đây, huyện đã tìm nhiều cách kêu gọi các nhà đầu tư đặc biệt là trong lĩnh vực chế biến, sản xuất nông lâm sản, nhưng sau khi khảo sát xong thì họ đều… lắc đầu. Lý do đưa ra là không ai xây dựng nhà máy chế biến ở một huyện vùng cao, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, chưa hình thành vùng chuyên canh lớn, chưa xác định được cây trồng chủ lực, lại tốn thêm chi phí vận chuyển. Bởi vậy, dù có yêu mến, chia sẻ với đồng bào Mường Lát đến mấy thì doanh nghiệp cũng phải sống được cái đã”.

Cũng theo ông Thông: “Mường Lát là huyện có 4 vùng tiểu khí hậu. Trước đây khi chưa có đánh giá về thổ nhưỡng, thì trồng cây gì, nuôi con gì cũng mới dừng lại ở việc tự phát. Nay, nếu muốn thu hút doanh nghiệp đầu tư vùng chuyên canh cũng phải có nước tưới. Không doanh nghiệp hay cá nhân nào đầu tư đường ống cắm thẳng xuống sông Mã để lấy nước lên sản xuất cả. Làm thế thì tiền núi không lại. Trong khi đó, dù diện tích tự nhiên lớn (81,2 nghìn ha), nhưng quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm chưa đầy 3%, địa hình chia cắt phức tạp nên việc phát triển sản xuất rất khó khăn”.

Hơn chục năm về trước Mường Lát vinh dự được đón nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đến động viên, thăm hỏi, đặc biệt chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2011. Sau chuyến công tác đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thành lập Ban chỉ đạo phát triển kinh tế, xã hội Mường Lát gồm các cán bộ chuyên môn, nằm vùng, bám bản, phối hợp cùng chính quyền địa phương hướng dẫn bà con phát triển kinh tế. Thế đã gần 3 thập kỷ, nhưng kỳ vọng về một Mường Lát thoát nghèo vẫn chưa trở thành hiện thực.

Đến nay, toàn huyện có hơn 8,8 nghìn hộ dân thì có tới hơn 51% số hộ nghèo và cận nghèo. Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt hơn 25 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ người dân mù chữ còn khá cao (4,3%). Mường Lát là huyện duy nhất của tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.