Bức tranh sáng giữa "đêm trường Covid"
Những năm qua, HTX Sản xuất - Thương Mại - Dịch vụ - Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh, Gia Lai) liên tục duy trì, phát triển mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cà phê với 369 hộ dân. Ngoài ra, HTX còn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho các hộ nuôi heo tại địa phương với 100 hộ dân.
Bên cạnh đó, HTX đã mở hướng đa dạng hoá sản phẩm cho thành viên thông qua việc trồng xen các loại cây ăn trái khác như sầu riêng, mãng cầu, bơ…
Để có đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông sản, HTX đã kết với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp sản xuất cà phê theo quy trình sản xuất cà phê bền vững 4C. Theo đó, hàng năm HTX cung cấp cho Công ty TNHH Vĩnh Hiệp khoảng 1.000 tấn cà phê. Ngoài ra, HTX còn liên kết với Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty TNHH bán lẻ Lê BRG, Công ty TNHH QUICORNAC… trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản khác.
Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX Ia Mơ Nông cho biết: Nhằm xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, HTX luôn cung cấp thông tin mùa vụ, giá cả, tình hình thị trường kịp thời cho nông dân. Đồng thời hỗ trợ người dân dân về phân bón, vật tư nông nghiệp, hệ thống tưới tiết kiệm, cũng như mở các lớp tập huấn, hướng dẫn về sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn theo chuẩn VietGAP, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý…
Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2021, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu rau quả Doveco Gia Lai (Doveco Gia Lai) vẫn được duy trì tương đối tốt và ổn định với sản phẩm chủ lực là chanh dây với mức bình quân công suất chế biến 150 – 170 tấn/ngày.
Ngoài ra, Doveco Gia Lai từ tháng 7/2021 còn chế biến các sản phẩm như dứa, xoài, bơ, thanh long… Đến nay, các sản phẩm của Công ty sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó, đặc biệt xuất khẩu vẫn được duy trì ổn định. Cụ thể trong năm 2021, sản lượng chanh dây dự kiến đạt 22.000 tấn, doanh thu khoảng 70 triệu USD, tăng 30% so với năm 2020.
Ông Đinh Gia Nghĩa, Giám đốc Doveco Gia Lai cho biết, Doveco rất trú trọng đến việc phát triển vùng nguyên liệu qua các hình thức liên doanh, liên kết, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các HTX, người dân. Đến nay, Doveco đã liến kết với người dân, HTX trồng hơn 6.000 ha chanh dân và 10 ha dứa.
“Qua việc tổ chức xây dựng vùng nguyên liệu, Doveco và các HTX, hộ nông dân đã tạo được mối quan hệ ngắn kết và cộng sinh.
Theo đó, Doveco hỗ trợ hướng dẫn bà con áp dụng kỹ thuật công nghệ trong sản xuất và phòng chống dịch bệnh, đảm bảo tuân thủ được các quy định khắt khe tại các thị trường quốc tế.
Đến nay, trình độ sản của người dân đã được nâng cao, tăng năng suất và đảm bảo được các tiêu chuẩn chất lượng”, ông Nghĩa chia sẻ.
Doanh thu tăng gấp đôi năm trước
Là doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 của cả nước, năm 2021, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp vẫn có mức tăng trưởng rất ấn tượng so giữa "bão Covid-19". Sản lượng cà phê năm 2021 của công ty ước đạt khoảng 115 ngàn tấn, với doanh thu hơn 5.500 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2020.
Ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết, do dịch bệnh Covid-19, người dân đã tích trữ cà phê để sử dụng trong gia đình rất lớn dẫn đến nguồn cung tăng mạnh. Điều này lại chính là cơ hội cho các doanh nghiệp có thương hiệu, uy tín về chất lượng cà phê tăng trưởng.
Theo ông Hiệp, để đảm bảo được các quy định khắt khe của các thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp phải liên kết được vùng nguyên liệu đạt chuẩn. Muốn vậy, phải kết nối được với các HTX, tổ hợp tác để xây dựng các tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm phù hợp, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. Khi chất lượng được nâng cao, cũng đồng nghĩa với việc thu nhập của người dân được đảm bảo.
“Thông qua các lớp tập huấn về sản xuất và tái canh cà phê theo tiêu chuẩn chất lượng, HTX và người dân trên địa bàn Gia Lai đã từng bước thay đổi tập quán canh tác. Lúc này, người dân đã biết cách cùng nhau liên kết với doanh nghiệp để tạo ra những sản phẩm cà phê chất lượng”, ông Hiệp nói và cho biết, Công ty đã xây dựng được vùng liên kết sản xuất cà phê với các HTX và tổ hợp tác với diện tích 25 ngàn ha.
Sự vào cuộc quyết liệt của ngành nông nghiệp
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai cho biết, trong thời gian đầu của đợt dịch Covid-19, các mặt hàng nông sản, đặc biệt là các sản phẩm nông sản tươi sống đã gặp khó khăn trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của ngành nông nghiệp, đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ tiêu thụ nông sản.
Cụ thể, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT cũng như Sở NN-PTNT các tỉnh miền Trung, khu vực phía nam và các sàn thương mại điện tử... để liên tục kết nối, đưa ra nhiều giải pháp tiêu thụ nông sản cho người dân, HTX, doanh nghiệp.
Với sự quyết liệt đó, nông sản trên địa bàn cơ bản đã tiêu thụ hết. Đặc biệt, sau thời gian hết giãn cách xã hội, giá cả một số mặt hàng đã tăng cao như cà phê, hồ tiêu, rau củ quả... Đây cũng là điều kiện thuận lợi giúp người dân, HTX, doanh nghiệp tăng doanh thu trong thời điểm cuối năm.
Đến nay, toàn tỉnh có 231 ngàn ha cây trồng đã thực hiện liên kết sản xuất. Trong có có 72 HTX, 145 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất. Trong đó, ấn tượng phải kể đến Doveco Gia Lai đã thực hiện liên kết chuối sản xuất hơn 3.500 ha trồng chanh dây với người dân, HTX.
Ngoài ra, chuỗi liên kết sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, RA, Organic ... của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp với diện tích trên 20 ngàn ha đã thu hút được rất nhiều HTX và người dân tham gia. Nhờ đó, cà phê năm nay có chất lượng tốt, Vĩnh Hiệp trở thành đơn vị xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 của cả nước.
Cùng với đó, còn có các chuỗi liên kết sản xuất rau quả chất lượng cao của các HTX tại Thị xã An Khê, huyện Đăk Pơ... cũng mang lại dấu ấn cho thị trường nông sản của Gia Lai.
“Đây là mô hình rất hay mà lãnh đạo tỉnh Gia Lai hết sức quan tâm. Chính mô hình này mà Gia Lai mới thực hiện sản xuất đồng bộ theo quy trình, tiêu chuẩn nhất định để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, sản lượng lớn. Từ đó, giúp địa phương kích cầu thị trường xuất khẩu tốt hơn. Khi xuất khẩu tốt hơn, sẽ đem lại nguồn thu cho doanh nghiệp, HTX, nông dân tăng cao, qua đó thực hiện tái sản xuất cho những năm tiếp theo”, ông Có nhấn mạnh.
Cũng theo ông Có, hiện tỉnh Gia Lai cũng đã xây dựng kế hoạch liên kết phát triển sản xuất đối với nông, lâm, thủy hải sản. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển nông sản theo chuỗi liên kết, cơ sở hạ tầng, vật tư nông nghiệp. Đặc biệt, sẽ hỗ trợ người dân, HTX thực hiện chứng nhận sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đóng gói bao bì, cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Mới đây, tại hội thảo phát triển vùng nguyên liệu cà phê ở Gia Lai, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Bộ đang xây dựng và triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025.
Vùng nguyên liệu được xác định là điểm khởi đầu, nền tảng để phát triển các chuỗi giá trị hiệu quả, bền vững, nâng cao chất lượng nông sản, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, qua đó đẩy mạnh chế biến nhằm nâng cao gia trị, tăng sức cạnh tranh sản phẩm.
Để thực hiện Đề án này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã chỉ đạo các địa phương phải đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ HTX phát triển vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, các địa phương cần tổ chức sản xuất và quản trị vùng nguyên liệu. Cụ thể, phát triển, củng cố, nâng cao năng lực cho HTX và thành viên trong các vùng nguyên liệu, khuyến nông và chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ cho các HTX, người dân tham gia liên kết.