| Hotline: 0983.970.780

Người trồng cà phê VnSAT mong muốn có nhiều doanh nghiệp lớn cùng đồng hành

Chủ Nhật 26/12/2021 , 08:58 (GMT+7)

Dự án VnSAT đã giúp nông dân trồng cà phê ổn định sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị. Tuy nhiên, các sản phẩm cà phê vẫn chưa được tiêu thụ quy mô lớn.

Tại tỉnh Lâm Đồng, Dự án VnSAT hình thành và có nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất cà phê. Các chương trình dự án đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân về phương thức sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm.

Ông Trần Văn Xuất, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Ban (thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) cho biết, các mô hình của Dự án VnSAT hỗ trợ đều phát triển vượt trội so với cách làm truyền thống. Đặc biệt, người dân đã biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác để giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận. Cũng theo ông Xuất, thời gian qua, Dự án VnSAT đã hỗ trợ hợp tác xã trong việc thực hiện quy trình thu hái cà phê chọn lọc, phơi và sơ chế để nâng cao chất lượng cho sản phẩm.

Người trồng cà phê VnSAT ở Lâm Đồng mong muốn các doanh nghiệp lớn ký kết, bao tiêu sản phẩm. Ảnh: M.H.

Người trồng cà phê VnSAT ở Lâm Đồng mong muốn các doanh nghiệp lớn ký kết, bao tiêu sản phẩm. Ảnh: M.H.

Cũng theo ông Xuất, hiện nay, Hợp tác xã liên kết với các hộ thành viên và ký hợp đồng thu mua cà phê tươi với giá cao hơn giá thị trường. Các hộ thành viên vì thế cũng phải tập trung sản xuất theo quy trình chuẩn, thu hái cà phê tuyển chọn chín 100%. Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đã được Hợp tác xã tổ chức tốt, tuy nhiên, phần đầu ra thị trường lớn thì Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Ban vẫn còn nhiều trắc trở. 

"Với sự hỗ trợ của Dự án VnSAT, mỗi năm, hợp tác xã chúng tôi sản xuất khoảng 100 tấn cà phê nhân cao cấp và 150 tấn nhân thường. Hiện nay, các sản phẩm cao cấp của chúng tôi được một doanh nghiệp bao tiêu, còn lại chúng tôi vẫn phải xoay sở tìm đầu ra", ông Trần Văn Xuất thổ lộ và cho biết thêm, hiện nay, hợp tác xã vẫn chưa thể ra với thị trường lớn và đang cố gắng tìm đối tác để đưa sản phẩm chất lượng cao xuất khẩu.

Ở xã Tân Nghĩa (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), những năm gần đây, nhờ sự hỗ trợ của Dự án VnSAT nên các thành viên trong Hợp tác xã Tân Nghĩa đã tiếp cận được khoa học, kỹ thuật, tập trung sản xuất cà phê đạt hiệu quả cao. Đa phần các mô hình tái canh theo đầu tư của dự án đã bước vào giai đoạn kinh doanh và đạt năng suất từ 3,5-4 tấn nhân/ha. Việc vườn cà phê tái canh với giống chất lượng cao đã giúp nông dân ổn định sản xuất, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

Mô hình cà phê do VnSAT hỗ trợ có sự phát triển vượt trội. Ảnh: M.H. 

Mô hình cà phê do VnSAT hỗ trợ có sự phát triển vượt trội. Ảnh: M.H. 

Theo ông Bùi Trung Đảng, thành viên Hợp tác xã Tân Nghĩa, cà phê tái canh của VnSAT có sự phát triển đồng đều và năng suất vượt trội so với mô hình thường. Năng suất cà cao hơn, nhân to hơn nên người dân rất phấn khởi. "Chúng tôi tiết kiệm được chi phí đầu vào mà chất lượng sản phẩm cao hơn rất nhiều. Có điều, sản phẩm thu hoạch xong vẫn bán xô cho các thương lái nên chịu cảnh ngộ chung. Mong sao đầu ra được tổ chức tốt hơn để quy trình được vẹn toàn", ông Bùi Trung Đảng chia sẻ.  

Ông Nguyễn Minh Ngọc, Giám đốc Hợp tác xã Tân Nghĩa (xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh) cho hay, hiện nay, hợp tác xã đã xây dựng mô hình liên kết sản xuất cà phê sạch, cà phê bền vững. Mỗi vụ cà phê, hợp tác xã đứng ra thu mua khoảng 40% sản lượng cà phê của các thành viên. Phần còn lại, các thành viên bán cho thị trường tự do. "Hợp tác xã đang tập trung phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và đang mở rộng thị trường, tìm đối tác. Khi có các đối tác ký hợp đồng bao tiêu số lượng lớn thì hợp tác xã sẽ tiêu thụ cà phê cho thành viên nhiều hơn", ông Nguyễn Minh Ngọc thổ lộ.

Ông Nguyễn Phùng Hạnh, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án VnSAT Lâm Đồng cho hay, thời gian qua, được sự hỗ trợ của VnSAT nên người dân, hợp tác xã và các tổ hợp tác đã đi vào quy trình liên kết sản xuất. Người dân đã có những thay đổi về phương thức canh tác, thu hoạch, sơ chế, chế biến để nâng cao giá trị cho sản phẩm. Tuy nhiên, các sản phẩm cà phê hiện chủ yếu được tiêu thụ bởi thị trường truyền thống, chưa có sự liên kết và tiêu thụ bởi các doanh nghiệp quy mô lớn.

Mô hình cà phê tái canh VnSAT cho năng suất cao. Ảnh: M.H.

Mô hình cà phê tái canh VnSAT cho năng suất cao. Ảnh: M.H.

"Hiện nay chưa có doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt thị trường, liên kết để chế biến sâu đưa ra thị trường. Đây là tình trạng chung của tỉnh và dự án cũng nằm trong cái chung này", ông Nguyễn Phùng Hạnh nói.

Cũng theo ông Nguyễn Phùng Hạnh, giải pháp cho vấn đề này hiện nay là ngành nông nghiệp và tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tàu để liên kết với hợp tác xã, ký hợp đồng bao tiêu với người dân, hợp tác xã, tổ hợp tác.

Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cũng khuyến khích người dân, hợp tác xã, tổ hợp tác tập trung vào chế biến sâu để tăng giá trị sản phẩm. Ngoài ra, ngành nông nghiệp và các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cũng hướng đến thực hiện các biện pháp như tổ chức các cuộc xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm để giới thiệu đến thị trường. Song song với đó là khuyến khích người dân, hợp tác xã, tổ hợp tác tập trung sản xuất cà phê đặc sản, sản phẩm OCOP để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. 

Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh Lâm Đồng do Sở NN-PTNT Lâm Đồng làm chủ đầu tư, thực hiện tại 8 huyện/thành phố. Thời gian thực hiện dự án từ 2015-2020 và đã được gia hạn đến hết năm 2022. Quy mô dự án là 16.500 ha cà phê và 15.000 hộ nông dân tham gia. Dự án kêu gọi thành lập 41 tổ chức nông dân, trong đó có 7 hợp tác xã và thành lập mới 34 tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững. Đến nay, nông dân tham gia dự án đã tăng lợi nhuận 20,73% so với trước khi tham gia dự án và tăng 21,28% so với nông dân ngoài vùng dự án.

Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT

Xem thêm
Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Yến Sào Khánh Hòa lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia

Công ty Yến Sào Khánh Hòa vinh dự lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia và là doanh nghiệp duy nhất của Khánh Hòa đạt được kết quả này trong năm 2024.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...