Nguồn vốn vay hỗ trợ hiệu quả cho nông dân
Tại xã Tân Nghĩa (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), gia đình anh Vũ Viết Bảo sản xuất ổn định với 3ha cà phê. Hơn 3 năm trước, khi cà phê trên vườn bắt đầu già cỗi, kém năng suất, gia đình anh Bảo nhận được sự hỗ trợ từ dự án VnSAT Lâm Đồng để thực hiện ghép cải tạo vườn cà phê. Thông qua dự án, gia đình đã làm các thủ tục vay vốn với tổng số tiền gần 400 triệu đồng.
"Được vay số tiền lớn cùng với những ưu đãi về lãi suất nên gia đình anh có điều kiện để ghép cải tạo cà phê. Đến nay, toàn bộ vườn 3ha đều đã ghép hoàn chỉnh với giống chất lượng cao. Cây phát triển đều, đẹp và cho năng suất vượt trội", anh Vũ Viết Bảo nói và cho biết thêm, trước đây vườn cây già cỗi nên năng suất chỉ đạt khoảng 7 tấn nhân/3ha, còn mùa vụ vừa qua năng suất đã đạt 10 tấn nhân/3ha. Dự kiến, năm nay năng suất sẽ cao hơn nữa.
Theo anh Vũ Viết Bảo, nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình rất hữu ích đối với bà con nông dân, đặc biệt trong giai đoạn giá cà phê xuống thấp như hiện nay.
Tương tự, gia đình anh Nguyễn Nhất Toàn (xã Đức Minh, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông) là hộ dân trồng cà phê lâu năm ở Đăk Nông với tổng diện tích khoảng 1,7 ha. Khoảng 3 năm trước, khi gia đình đang loay hoay tìm nguồn vốn để tái canh cà phê thì nhận được sự hỗ trợ từ VnSAT. Lúc đó, gia đình được hỗ trợ vay với số tiền gần 100 triệu đồng với lãi suất 7%/năm.
"Khi nhận được tiền, gia đình đã tập trung vào cải tạo vườn, thực hiện tái canh với diện tích 1 ha bằng giống chất lượng cao của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI). Hiện nay, vườn đã bước vào giai đoạn cho kinh doanh và đạt năng suất 4 tấn nhân/ha. Đây là mức năng suất cao, giúp gia đình cải thiện nguồn thu nhập", anh Toàn thổ lộ.
Cũng theo anh Toàn, ngoài việc được dự án hỗ trợ vốn tín dụng tái canh cà phê, gia đình anh cũng được tham gia vào chương trình sản xuất cà phê sạch. Theo đó, nguồn vốn vay giúp gia đình mua sắm trang thiết bị, đặc biệt là hệ thống máy chế biến ướt để đảm bảo sản phẩm sau thu hoạch.
"Những năm gần đây, giá cà phê liên tục sụt giảm nên nguồn thu của chúng tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. May mắn là dự án đã hỗ trợ kịp thời nên việc tái canh, sản xuất không bị gián đoạn", anh Toàn chia sẻ.
Tại Đăk Lăk, Tổ hợp tác Đoàn Kết (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) có 3 hộ dân được vay ưu đã từ dự án VnSAT. Những hộ này được vay 200 triệu đồng với lãi suất 7%/năm từ năm 2016.
Ông Bùi Văn Hoàn, Tổ trưởng Tổ hợp tác Đoàn Kết cho biết, thời điểm dự án VnSAT cho vay, nhiều thành viên trong Tổ rất có nhu cầu. Tuy nhiên, những hộ này sổ đỏ đã thế chấp ở ngân hàng nên không đáp ứng được điều kiện.
“Tham gia dự án VnSAT, người dân được tập huấn khoa học kỹ thuật, từ đó phát hiện bệnh cho cây cà phê nhanh. Họ cũng được hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, đồng thời bón phân hợp lý, biết chăm sóc vườn cây theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, từ đó hình thành vùng trồng cà phê bền vững”, ông Hoàn cho biết thêm.
Mong muốn VnSAT tiếp tục hỗ trợ vốn vay
Ông Thái Xuân Quang, Giám đốc HTX nông nghiệp Minh Tân Đạt (huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk) cho biết, đơn vị có 2 thành viên được vay tín dụng theo dự án VnSAT để thực hiện tái canh cà phê.
Theo Ban quản lý dự án VnSAT Kon Tum, đơn vị đã cung cấp số hộ, diện tích đã tái canh cà phê cho các ngân hàng BIDV, NN-PTNT, Sacombank… Đến nay, đã giải ngân vốn vay cho 14 hộ với tống diện tích cà phê là 25,6 ha. Tổng số tiền các hộ dân vay là 2,58 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại Gia Lai, tính từ 1/12/2019 đến 31/5/2020, đã có 573 hộ dân tái canh cà phê trên tổng diện tích hơn 1.100ha được vay nguồn vốn tín dụng từ dự án VnSAT. Theo đó, các ngân hàng cho vay được hơn 197 tỷ đồng, đạt 99,7% kế hoạch được giao.
Theo ông Quang, 2 hộ này có diện tích hơn 2ha. Trong đó một hộ được vay 250 triệu đồng, hộ còn lại vay 90 triệu đồng để tái canh cà phê.
“Sau 3 năm vay vốn, vườn cà phê tái canh theo đúng quy trình kỹ thuật của dự án VnSAT nên phát triển tốt, ít sâu bệnh. Hiện những vườn cà phê này đã cho thu bói với sản lượng lớn”, ông Quang nói.
Theo ông Quang, nếu không có chương trình vay vốn tính dụng từ dự án VnSAT, 2 hộ này gặp nhiều khó khăn trong việc tái canh cà phê. “Những hộ này có thu nhập trung bình, một lần bỏ ra số tiền lớn như vậy để tái canh rất khó. Tuy nhiên rất may có dự án VnSAT nên họ được vay ưu đãi để tái canh vườn cà phê của gia đình”, ông Quang chia sẻ.
Ông Nguyễn Tấn Duy, Giám đốc HTX Xây dựng – Thương mại và Dịch vụ Phượng Hoàng (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) cho biết, hiện nay, phần lớn các thành viên trong HTX đều muốn vốn vay tín dụng từ dự án VnSAT để tái canh cà phê.
Nguồn vốn tín dụng từ dự án VnSAT đã phát huy hiệu quả, giúp nhiều hộ dân mạnh dạn thực hiện tái cach cà phê.
Cụ thể, nguồn vốn này có thể vay theo hình thức tín chấp, chỉ cần thông qua HTX bảo lãnh, người dân sẽ vay được từ 50 - 70 triệu đồng. Cùng với đó, lãi suất cho vay từ nguồn vốn này cực kỳ thấp, đây là điều kiện mà nhiều hộ dân rất mong chờ.
“Hiện nay nhiều hộ dân đang ấp ủ để trồng những giống cà phê mới, tạo ra năng suất cao. Nếu họ vay được nguồn vốn tín dụng từ VnSAT, sẽ mạnh dạn tái canh cà phê”, ông Duy nói và cho biết, vì chưa tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng từ dự án VnSAT nên người dân không dám tái canh, vẫn chấp nhận sử dụng giống cũ cho năng suất thấp.
Theo ông Duy, trung bình 1ha cà phê thực hiện tái canh hết khoảng 100 triệu đồng cho năm đầu tiên, năm tiếp theo hết khoảng 50 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ, nếu không được hỗ trợ từ nguồn vốn vay từ VnSAT, rất khó để người dân mạnh dạn thực hiện tái canh.
Ông Lê Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án VnSAT tỉnh Gia Lai cho biết, hiện nay nhu cầu vay vốn tái canh cà phê rất lớn nhưng lại khó tiếp cận do hạn mức nguồn vốn từ các ngân hàng đã hết. Bên cạnh đó, nhiều người dân muốn vay nhưng do không nằm trong vùng dự án nên không được hỗ trợ.
Đặc biệt, người dân khó tiếp cận nguồn vốn này do không đảm bảo về thủ tục, hồ sơ. Phần lớn người dân trước đó đã vay ngân hàng khác nên giờ không có tài sản thế chấp dẫn đến việc không thể thực hiện tái canh cà phê như mong muốn.
Để tháo gỡ vấn đề này, ông Tuấn cho biết, phía ngân hàng cũng đã nới lỏng việc cho vay bằng cách chốt khoản nợ cũ của người dân. Sau đó, họ định giá lại vườn cây cà phê, nếu giá trị cao hơn so với khoản vay cũ thì người dân sẽ được vay khoản chênh lệch.
“Nguốn vốn tín dụng từ VnSAT ở khu vực Tây Nguyên được giải ngân rất hiệu quả. Đáng lẽ, năm 2019 đã hết hạn mức nhưng thấy nhu cầu vay vốn của người dân vẫn rất lớn, các tỉnh Tây Nguyên đã xin hạn ngạch từ hợp phần lúa gạo ở khu vực ĐBSCL để người dân tiếp tục được vay", ông Tuấn thông tin.
"Nếu như trước đây, người dân trồng cà phê phải vay vốn từ các ngân hàng thương mại với lãi suất cao thì nay vay thông qua dự án VnSAT lãi suất thấp hơn rất nhiều. Đặc biệt, khi người dân vay vốn từ dự án VnSAT sẽ được ân hạn trong 5 năm đầu không phải trả lãi và gốc, đến khi thu hoạch mới phải trả ngân hàng. Theo ông Tuấn, với gói tín dụng này, người dân được vay tối đa 320 triệu đồng, trong đó bao gồm cả 110 triệu đồng đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm", ông Lê Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án VnSAT tỉnh Gia Lai cho biết.