Hành trình nằm rừng, ngủ suối…
Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (K72) thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước có gần 50 cán bộ, chiến sĩ được tuyển chọn từ những thanh niên ưu tú, đầy đủ sức khỏe tình nguyện nhập ngũ, cho đến những người khá dày dạn về kinh nghiệm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.
Trải qua bao gian khổ, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước (chủ lực Đội K72) đã tìm kiếm, cất bốc 2.682 bộ hài cốt quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia.
Hàng năm, vào giữa tháng 10, khi mùa mưa sắp hết, Đội K72 lại chuẩn bị lên đường. Mỗi lần xuất quân, các cán bộ, chiến sĩ Đội K72 chuẩn bị như một lần “ra trận”. Là người nhiều lần ra quân tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ trên đất Campuchia, Thiếu tá Vũ Văn Thọ - Đội phó Đội K72 đã chứng kiến nhiều hình ảnh xúc động, vỡ òa hạnh phúc không thể quên trong cuộc đời mình.
Vào buổi sáng tháng 11/2016, Đội K72 tiếp nhận thông tin từ một công nhân làm việc tại trạm Viettel thuộc huyện Keosima tỉnh Mondulkiri, Campuchia phát hiện có dấu hiệu mộ tập thể bộ đội Việt Nam tại khu vực rừng Keosima. Qua khảo sát, ban đầu đơn vị nhận thấy những bằng chứng còn sót lại sau hơn 40 năm là hố bom dày đặc, nhiều mảnh đạn, pháo còn găm lại trên thân cây già, cùng với đó là những hầm hố công sự do bộ đội Việt Nam đào. Từ đó có đầy đủ cơ sở xác định khu vực này có khả năng rất cao là nơi chôn cất liệt sĩ .
Do địa điểm cách xa khu dân cư, không có điện, nước và kể cả sóng điện thoại, hành trang của cả đội gồm bản đồ, la bàn, cuốc xẻng, quân tư trang cá nhân, đèn pin, dao phát cùng các nhu yếu phẩm gạo, cá khô, mì tôm, mắm muối bảo đảm đủ cho 7 - 10 ngày ăn. Trung bình mỗi người phải cõng trên lưng hơn 30 kg. Sau khi chuẩn bị xong, cả đội bắt đầu hành quân hơn 100 km đường rừng tới vị trí đã được xác định.
“Tuy được trang bị khá nhiều phương tiện, máy móc hiện đại để phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, nhưng trong thực tế bộ đội di chuyển chủ yếu nhờ vào các phương tiện xe cơ giới đã được người dân địa phương cải tiến để băng rừng vượt suối. Những đoạn không thể vượt qua đơn vị phải vừa phát rừng, vừa hành quân bộ bởi đặc điểm địa hình bên nước bạn còn khá hoang sơ và chỉ toàn đồi dốc, rừng rậm… Vị trí nghi có mộ liệt sĩ nằm ngay sát mét một con suối có chiều ngang hơn 30 mét, qua tàn tích để lại, đây rất có thể là căn cứ hậu cần rất lớn của quân mình”, Thiếu tá Thọ nhận định.
Sau 23 ngày miệt mài đào bới hết địa điểm này đến địa điểm khác nhưng vẫn không tìm ra được bất cứ phần mộ liệt sĩ nào, thức ăn dự trữ gần hết, sức lực toàn đội gần cạn kiệt, cả đội rất buồn, căng thẳng tuyệt vọng. Mặc khác, vì không có sóng điện thoại, toàn đội không thể báo cáo tiến độ kết quả cho lãnh đạo đơn vị, trong khi lãnh đạo cũng rất nóng ruột. Sau phút đắn đo, Thượng tá Thọ buộc phải quyết định cho toàn đội rút quân. “Lúc này cả đội vừa mừng vì sắp được về với gia đình, nhưng lại canh cánh nỗi lòng vì trên 99% cho thấy nơi này có mộ liệt sĩ, không lẽ nào tìm không thấy”, Thiếu tá Thọ nói.
Trong lúc toàn đội xuống suối để rửa tay chân, một đồng chí trong đơn vị bất ngờ phát hiện phía bên kia suối có lộ ra một phần tăng võng (loại trang bị thường được dùng để quấn thi thể liệt sĩ trước khi được chôn cất) liền hét toáng lên. Ngay lập tức, đơn vị nhanh chóng cử quân bơi sang để kiểm tra, mọi hoạt động khác dường như tạm gác lại, hồi hộp theo dõi diễn biến tình hình.
Sau khi phá bỏ dần dần tăng võng, phần xương mu bàn chân người dần lộ ra, cả đội như vỡ òa cảm xúc, sung sướng, bỏ hết cuốc xẻng, nhảy múa, hạnh phúc tột độ vì hy vọng lại được thắp lên sau nhiều ngày tưởng chừng bị dập tắt. Một bàn thờ dã chiến được lập ngay giữa đại ngàn, trước hương vong của liệt sĩ, một mặt đơn vị cầu khấn cho linh hồn tử sĩ siêu thoát về với gia đình, mặt khác khấn nguyện các anh linh thiêng mở đường chỉ lối để đưa các đồng đội còn lại về với đất mẹ Việt Nam.
Đơn vị tổ chức đào tìm tất cả các vị trí nghi có mộ liệt sĩ. Ảnh: K72.
Để đối phó vói tình hình thiếu lương thực, đơn vị phải chia đội hình ra nhiều nhóm nhỏ, nhóm thứ nhất chịu trách nhiệm xuống suối bắt cá, hái măng rừng, rau rừng phục vụ bữa ăn trước mắt cho toàn đội, nhóm thứ hai trở về khu vực đóng quân để tiếp tế lương thực và báo cáo tình hình cho chỉ huy, nhóm còn lại tiếp tục đào mở rộng phạm vi tìm kiếm. Sau 3 ngày tiếp theo, đơn vị phát hiện thêm 10 mộ chiến sĩ nằm trong khu vực này. “Khó khăn là thế, nhưng khi tìm thấy hài cốt các anh, chúng tôi không còn biết mệt mỏi là gì mà chỉ cảm thấy hạnh phúc vô cùng”, Thiếu tá Thọ hồi tưởng.
Việc tìm kiếm ra mộ liệt sĩ đã khó, công tác đưa hài cốt ra khỏi khu vực rừng cũng vất vả không kém bởi ngoài trang thiết bị, giờ đây mỗi chiến sĩ ít nhất cõng thêm trên lưng 1 phần hài cốt được bao bọc kín đáo với tổng trọng lượng gần 40 kg. Đặc thù rừng Campuchia vào mùa mưa lại thường xuất hiện lũ ống, lũ quét bất thường khiến đơn vị đối mặt không ít khó khăn trở ngại. Để đảm bảo an toàn, trước khi vượt suối, lúc nào đơn vị cũng cử người căng dây cáp từ bên này qua bên kia suối để đối phó với các tình huống bị động, bất ngờ.
Đơn vị tổ chức đào tìm tất cả các vị trí nghi có mộ liệt sĩ. Ảnh: K72.
Đợt hành quân lần này cũng vậy, đúng như dự báo, khi đơn vị đang tiến hành vượt suối, những tiếng ào ào từ xa vọng lại, ít phút sau dòng nước lớn như thác đổ từ thượng nguồn đổ về như cuốn phăng mọi thứ khi dòng nước siết chảy qua. Nhờ có sự chuẩn bị trước nên toàn đội vượt qua, tuy nhiên, duy nhất chỉ 1 đồng chí bị tuột tay, sau đó bị nước cuốn trôi hơn 40 mét, nhờ nhanh trí, đồng chí này kịp bám vào được các buội tre gai ven suối nên thoát nạn trong gang tấc, cả đội đều thót tim.
“Đó chỉ là một trong số rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ mà đơn vị phải đối mặt trong suốt hành trình tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sĩ nơi đại ngàn. Với quyết tâm nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn mấy cũng vượt qua, mỗi lần xuất quân là mỗi lần được đảng, nhà nước, đơn vị, gia đình liệt sĩ gửi trọn niềm tin nên toàn đội đều kiên định vì mục tiêu sớm đưa được các anh về với tổ quốc thiêng liêng”, Thượng tá Thọ chia sẻ.
Vì các anh, không bao giờ bỏ cuộc!
Năm 2013, Đội K72 nhận được thông tin từ ông Lê Công Hòa, Việt kiều từng sinh sống tại Campuchia cho rằng có một khu mộ chôn cất các liệt sĩ hy sinh vào năm 1974 tại phum Srae Sdau, xã Ôsaypi, thị xã Kratie, tỉnh Kratie, ông này cũng trực tiếp tham gia chôn cất 7 chiến sĩ hy sinh. Sau khi nắm đầy đủ thông tin, Đội K72 đã tổ chức 6 đợt ra quân tìm kiếm theo các vị trí được chỉ điểm, hàng trăm địa điểm, hàng chục khối đất đá được đào lên rồi lấp lại nhưng không tìm ra bất kỳ bộ hài cốt nào.
Những phần mộ liệt sĩ được tìm thấy vỡ òa trong sự hạnh phúc toàn đội. Ảnh: K72.
Tuy vậy, đối chiếu những hiện vật được tìm thấy trong lúc tìm kiếm có đầy đủ cơ sở khẳng định nơi đây từng có bộ đội Việt Nam đồn trú, và có khả năng cao do địa hình, địa vật thay đổi, các phần mộ nằm sâu dưới tầng đất chưa được đào tới. Không đành lòng bỏ cuộc, sau nhiều lần thuyết phục nhân chứng sống duy nhất còn sót lại, năm 2016, ông Lê Công Hòa đồng ý cùng với đội K72 đi đến nơi trước đây ông sinh sống để chỉ điểm. Sau khi đối chứng với với địa hình, đơn vị tiếp tục tổ chức đào tìm.
Sau 3 ngày đầu tiên các phần mộ vẫn biệt vô âm tín. Đến ngày thứ tư, từ các lớp đất được lấy lên, bằng kinh nghiệm nhiều năm tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, Thượng tá Thọ nhận định có dấu hiệu đào gần tới vị trí chôn cất. Đúng như dự liệu, đến ngày thứ 7, đơn vị đã tìm được phần mộ đầu tiên, ngoài phần xương cốt được bọc trong tăng vong, kiểm tra các hiện vật, một mảnh giấy nhỏ có tên T.H.E được giấu trong thắt lưng, 1 lược sừng trâu, 1 bút máy và 1 bài thơ ca ngợi Đảng Lao động Việt Nam. Sau gần hơn 20 ngày “mổ xẻ” toàn bộ khu đất, đơn vị phát hiện thêm 41 bộ hài cốt tương tự, nhưng phần lớn không xác định được danh tính.
Đơn vị tổ chức tìm kiếm hài cốt liệt sĩ vào ban đêm tại trường học tiểu học Ôsaypi. Ảnh: K72.
Theo Thiếu tá Thọ, từ nguồn tin của người dân, tại khu vực này, đơn vị tiếp tục tìm thấy và cất bốc thêm 35 bộ hài cốt liệt sĩ nằm ngay dưới móng nền trường học tiểu học Ôsaypi. Đây là một trong những cuộc khai quật tốn nhiều thời gian, công sức, trí tuệ của đơn vị nhất từ trước đến nay bởi ngôi trường này do chính phủ Pháp hỗ trợ xây dựng, quản lý và đi vào hoạt động từ năm 2005 và đang tổ chức giảng dạy cho các cháu học sinh tại địa phương.
Sau khi đàm phán với chính phủ Pháp và thuyết phục chính quyền địa phương thành công, việc đào bới như thế nào để không ảnh hưởng đến quá trình học tập của các em học sinh cũng là bài toán khó đối với đơn vị. Với quyết tâm bằng mọi cách phải khai quật được địa điểm này, một cuộc họp được tổ chức ngay tại hiện trường. Ngay sau đó, một phương án táo bạo được đưa ra là công tác tổ chức đào tìm phải được thực hiện vào ban đêm nhưng không làm ảnh hưởng đến công trình.
Đi đến đâu, Đội K72 cũng kết hợp giúp dân sản xuất, tu sửa nhà cửa, các điểm văn hóa công cộng. Ảnh: K72
Thiếu tá Thọ ví von, công tác đào tìm được thực hiện không khác gì thời chiến, các chiến sĩ chia ca hối hả đào sâu vào lòng đất như những “con chuột chũi”, khoét vào gầm móng nhà, mỗi người một việc không ai bảo ai, người đào đất, người soi đèn, số người còn lại sếp thành hàng chuyền tay nhau vận chuyển đất đá đã đào đưa ra ngoài, mồ hôi nhễ nhại hòa cùng bùn đất như người thợ mỏ.
“Mặc dù rất mệt nhọc, nhưng mỗi khi tìm thấy được hài cốt liệt sĩ thì mọi nỗi mệt nhọc đó dường như tan biến và tiếp thêm động lực cho các anh em cán bộ, chiến sĩ. Sau nhiều ngày đào khắp mọi ngõ ngách, đơn vị tìm thêm được 35 bộ hài cốt của các anh nhưng đáng tiếc thay, trong đó có 17 bộ không toàn vẹn do có thể trong quá trình xây dựng trường học trước đây đã lấy đi mất”, Thiếu tá Thọ xúc động nói…
Đội K72 đã tạo được tình cảm lớn với người dân Campuchia, tạo thuận lợi trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Ảnh: K72.
Đến địa phương nào, Đội K72 cũng kết hợp giúp dân sản xuất, tu sửa nhà cửa, các điểm văn hóa công cộng, tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí. Các dịp lễ tết truyền thống của nước bạn, Đội đều phối hợp với chính quyền địa phương để giao lưu, từng bước gây dựng được tình cảm đoàn kết tốt đẹp với người dân Campuchia. Cũng nhờ đó, người dân Campuchia dần có cảm tình, tích cực giúp đỡ bộ đội Việt Nam tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
“Còn thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, chúng tôi sẽ còn tổ chức tìm kiếm, quy tập. Đó là mệnh lệnh và cũng là phương châm của những người lính K72", Thiếu tá Thọ khảng khái nói.