Lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, vở cải lương thể nghiệm “Đợi Kiều” vừa được công diễn tại Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM cho thấy một thế hệ trẻ có khung hướng tìm kiếm những vẻ đẹp mới từ kho tàng nghệ thuật của cha ông.
Nhóm nghệ sĩ trẻ đã vận động vài nhà tài trợ nhỏ lẻ để dàn dựng “Đợi Kiều” với khao khát thể hiện “từ một sân khấu cải lương rất đẹp đến một Truyện Kiều rất mới”, thực sự rất đáng khen ngợi. Họ là ai nhỉ? Có bốn nhân vật chủ chốt, biên kịch kiêm đạo diễn Đào Lê Na, chuyển soạn cải lương Lê Hồng Phước, biên đạo và trình diễn múa Lê Mai Anh, diễn viên Hồng Bảo Ngọc. Họ đều đang trẻ, đang nhiều nhiệt huyết và đang không ngại va vấp để tương tác với thẩm mỹ công chúng đương đại.
Nếu so với hai tác phẩm lấy cảm hứng từ Truyện Kiều gần đây là bộ phim “Kiều” của nhà sản xuất Mai Thu Huyền và vở kịch “Thúy Kiều – một kiếp đoạn trường” của Nhà hát kịch Hà Nội, thì vở cải lương thể nghiệm “Đợi Kiều” hoàn toàn lép vế về mức độ đầu tư. Những ai muốn tìm sự hoành tráng hay sự diêm dúa thì chắc chắn sẽ thất vọng khi đi xem “Đợi Kiều”. Thế nhưng, “Đợi Kiều” có những ưu điểm khác.
Lấy cảm hứng từ Truyện Kiều thì điều kiện có sẵn chính là những câu thơ rúng động tâm can của Nguyễn Du. Có thể chọn hàng chục, hàng trăm đoạn thơ từ Truyện Kiều để biểu đạt tâm lý nhân vật một cách xao xuyến và thuyết phục. Thế nhưng, nếu chỉ bám vào sự vận động thi ca “sen tàn cúc lại nở hoa, sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân” thì tác phẩm phái sinh chỉ nằm ở dạng “một lời đã trót thâm giao, dưới dày có đất trên cao có trời”. “Đợi Kiều” là một sự thể nghiệm, được cộng hưởng cải lương, vũ đạo, cổ nhạc và hát thơ.
Ưu điểm thứ nhất là cái tên “Đợi Kiều”, đây là một ý tưởng thú vị. “Đợi Kiều” để bày tỏ sự cảm thông. Ai đợi Kiều? Thúy Vân, Hoạn Thư, Giác Duyên và Đạm Tiên đều đợi Kiều để thổ lộ những riêng tư với Thúy Kiều mà diễn biến Truyện Kiều chưa nói hết.
Ưu điểm thứ hai là không đưa Thúy Kiều lên sàn diễn. Thúy Kiều chỉ ẩn hiện sau phông màn như một cái bóng mờ của ký ức, của hoài niệm. Kể chuyện cuộc đời Thúy Kiều mà không có mặt Thúy Kiều cũng là một cách tái dựng chân dung nhân vật, mà không sợ sự mặc định nhan sắc “hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”.
Ưu điểm thứ ba là dàn nhạc gồm 16 nhạc công phô diễn ngón nghề ngay trên sân khấu, theo từng phân cảnh của vở diễn. Yếu tố “sống” này của dàn nhạc giúp tăng khả năng tương tác của “Đợi Kiều” với khán giả.
Ngoài ba ưu điểm trên thì cũng phải kể thêm đóng góp không thể phủ nhận của diễn viên Hồng Bảo Ngọc- quán quân Bông Lúa Vàng 2019. Diễn viên Hồng Bảo Ngọc lần lượt hóa thân thành Thúy Vân, Hoạn Thư, Giác Duyên và Đạm Tiên chứng tỏ sự đa sắc của một tài năng trẻ 19 tuổi. Nói thẳng ra, diễn viên Hồng Bảo Ngọc không phải của một cô đào ăn ảnh nhưng lại có tố chất một cô đào thực lực.
Điều gì đọng lại sau vở cải lương thể nghiệm “Đợi Kiều”? Trước hết là nhiệt huyết và đam mê của giới trẻ với di sản nghệ thuật dân tộc, sau nữa là biên đoạn mở về sự trẻ hóa của Truyện Kiều và cải lương. Và điều băn khoăn là khả năng phổ cập đến đông đảo công chúng của những vở diễn như “Đợi Kiều” gần như rất ít ỏi. Vì sao? Vì không có nguồn lực tài chính. Đã đến lúc phải xây dựng những quỹ hỗ trợ văn hóa để tiếp sức cho giới trẻ có tinh thần sáng tạo như ê-kíp thực hiện “Đợi Kiều”./.