| Hotline: 0983.970.780

Đổi mới sáng tạo, công nghệ thông minh giúp đảm bảo an toàn nước

Thứ Bảy 18/09/2021 , 07:30 (GMT+7)

Đối mặt với biến đổi khí hậu, nguồn nước hạn chế cùng nhiều thách thức khác, các doanh nghiệp ngành nước cần đổi mới qui trình vận hành, áp dụng công nghệ mới.

Tuần Lễ Ngành Nước Việt Nam - Úc 2021 được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Tuần Lễ Ngành Nước Việt Nam - Úc 2021 được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Trước hết, việc hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo cũng như tăng cường hợp tác về phát huy sáng tạo, công nghệ mới trong nước và quốc tế sẽ hỗ trợ hiệu quả hoạt động của ngành nước và đón đầu các thách thức trong tương lai, các chuyên gia nói tại Diễn đàn "Tạo điều kiện đổi mới sáng tạo để đạt được an toàn nước".

Kết thúc diễn đàn, khép lại sự kiện "Tuần lễ ngành Nước Việt Nam - Úc 2021" có chủ đề "An toàn Cấp nước – Hướng tới sự phát triển bền vững", do Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) và Hội Nước Úc (AWA) đồng tổ chức trực tuyến từ ngày 15/9 đến hết 17/9, được Chính phủ Úc, Cơ quan Hợp tác ngành nước Úc (AWP) tài trợ và Bộ Xây dựng Việt Nam bảo trợ. Từ đây mở ra một chương trình cho hợp tác phát triển Việt - Úc phát triển trong tương lai với tầm cao mới.

Từ khi quan hệ song phương được nâng lên cấp Đối tác Chiến lược tháng 3 năm 2018, "Tuần lễ ngành Nước Việt Nam - Úc 2021" lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, có sự quan tâm của lãnh đạo các Bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp ngành nước hai bên trao đổi về những thách thức, chia sẻ các giải pháp và định hướng chính sách cho chương trình hợp tác tương lai giữa ngành nước của hai quốc gia Việt Nam - Úc.

Các thách thức điển hình cho dịch vụ cấp nước ở Việt Nam như nhu cầu sử dụng nước sạch tăng trong khi nguồn nước mặt và nước ngầm ngày càng hạn chế, khoảng 1/5 lượng nước sạch thất thoát, thất thu, hệ thống đường ống cấp cũ và mới lẫn lộn, ô nhiễm tăng, theo Giáo sư Nguyễn Việt Anh, Trưởng Bộ môn Cấp thoát nước, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Xây dựng.

Trong khi đó năng lực kiểm soát chất lượng nước còn hạn chế, vận hành hệ thống còn thủ công ở nhiều nơi, giá nước thấp không đủ bù đắp chi phí nâng cấp hệ thống, Giáo sư Nguyễn Việt Anh, đồng thời là Phó Chủ tịch VWSA, phát biểu tại Diễn đàn "Tạo điều kiện đổi mới sáng tạo để đạt được an toàn nước".

Với mục tiêu dich vụ cấp nước sạch đảm bảo an toàn và hiệu quả, hiện có các giải pháp như công nghệ xử lý nước phù hợp, quản lý và ứng phó với rủi ro, giám sát trực tuyến và kiểm soát ô nhiễm, các công nghệ thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng và hóa chất, giảm phát thải và chất gây ô nhiễm thứ cấp, Giáo sư Nguyễn Việt Anh nói.

Bên cạnh đó còn có các công nghệ quản lý thông minh, đảm bảo cấp nước an toàn với chi phí hiệu quả nhất.

Từ một góc độ khác, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, trong đó có việc hoàn thiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh mới Giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, thiết kế các chính sách hỗ trợ trung gian, khởi nghiệp, theo ông Lê Minh, Chuyên gia Thương mại hóa Công nghệ tại Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Ứng phó với Biến đổi Khí hậu của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Bên cạnh đó cần tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế để học hỏi, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, ông Minh nói.

Giới thiệu về Nhiệm vụ AquaWatch tại Úc, Tiến sĩ Amy Parker, Quyền Giám đốc Trung tâm Quan sát Trái đất, Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Quốc gia (CSIRO) nói chương trình này giám sát và quản lý chất lượng nước ở Úc bằng cách xây dựng hệ thống giám sát sử dụng vệ tinh kết nối với các cảm biến gắn tại các điểm quan trắc trên mặt đất.

Hệ thống sử dụng kết nối Internet vạn vật, cung cấp dữ liệu cảnh báo sớm và theo thời gian thực, do đó đảm bảo tính chính xác và sẵn sàng giúp đưa ra quyết định kịp thời.

"Dù chương trình này thiết kế cho nước Úc, nó cũng có thể áp dụng cho các quốc gia khác," Tiến sĩ Parker nói.

Khái quát về khung pháp lý thúc đẩy sáng tạo trong ngành nước Úc, ông Mike Woolston, Trưởng nhóm Thực hành Nước Công ty Frontier Economics, nói đổi mới ngành nước sẽ mang lại các lợi ích như giảm chi phí cung cấp dịch vụ cấp thoát nước, cải thiện chất lượng và phạm vi các dịch vụ nước và nước thải, cũng như giải quyết các vấn đề lớn hơn trong quản lý nước.

Hợp tác trong tương lai

Phát biểu bế mạc sự kiện, ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch VWSA, bày tỏ mong muốn hai Hội ngành nước Việt Nam và Úc tiếp tục chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về thể chế, giúp Việt Nam xây dựng Luật Cấp Thoát nước.

VWSA cũng mong muốn AWA chia sẻ hỗ trợ trong xây dựng hệ thống qui chuẩn, tiêu chuẩn cấp nước an toàn, các tiêu chí cấp nước an toàn cho hệ thống cấp nước sạch, số hóa ngành nước và ngành xây dựng, nâng cao năng lực quản lý vận hành, quản trị tài chính, tài sản,… đồng thời thành viên hai hội ngành nước Việt Nam và Úc sẽ tiếp tục "bắt tay hợp tác" trong các kết nối tương lai.

"Tuần lễ ngành Nước Việt Nam - Úc 2021" quy tụ hơn 370 thành viên của VWSA và hàng trăm doanh nghiệp tại Úc, tập hợp 22 bài tham luận từ các diễn giả Việt Nam và 18 bài của diễn giả quốc tế với hơn 50 ý kiến chia sẻ tại năm diễn đàn: Lãnh đạo Trẻ ngành nước; Đại dịch Covid-19 và Kế hoạch thích ứng; An toàn cấp nước cho phát triển bền vững: Chính sách và quy định; Tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia vào ngành nước; Đổi mới sáng tạo để đạt được an toàn cấp nước.

Do ảnh hưởng của đại dịch, năm diễn đàn ban đầu dự kiến tổ chức tại hội trường ở Hà Nội đã được chuyển thành diễn đàn trực tuyến để đảm bảo an toàn mùa dịch trong khi vẫn đáp ứng được yêu cầu của Ban Tổ chức về thời gian và tính cấp bánh của chủ đề xuyên suốt.

Úc và Việt Nam là đối tác trong các hiệp định thương mại tự do: Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Úc-New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Úc bảy tháng đầu năm 2021 tăng gần 50% so với cùng kỳ lên 6,88 tỷ đô la Mỹ, theo số liệu của Hải quan Việt Nam.

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Cần Thơ đề xuất dự án chống ngập, sạt lở bảo vệ gần 2.800ha nội ô

TP Cần Thơ vừa đề xuất Chính phủ đầu tư Dự án chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ gần 2.800ha.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tai nạn lao động tại công trình trái phép làm 3 người bị thương

Tối 12/5, trong lúc đang đổ mái nhà trên địa bàn phường Tiền Phong (thành phố Thái Bình), xe bồn chở bê tông tươi bất ngờ sập cẩu khiến ba người bị thương.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm