Thời tiết nắng nóng cùng với độ ẩm cao, không khí ô nhiễm khiến da đổ mồ hôi, tích tụ bụi bẩn gây tổn thương và là cơ hội cho những bệnh về da mùa hè phát triển. Các bệnh da liễu trong mùa hè có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng trẻ em và người cao tuổi dễ mắc bệnh hơn, vì trẻ em sức đề kháng chưa hoàn thiện, còn người cao tuổi thì sức đề kháng càng ngày càng bị suy giảm.
Một số bệnh về da hay gặp trong mùa hè
Rôm sảy: Đây là tình trạng da có những nốt mẩn đỏ, có mụn nước trong, đôi khi có mụn mủ xen lẫn. Rôm sảy thường xuất hiện ở các vị trí là các vùng da bài tiết nhiều mồ hôi như ngực, lưng, trán, mặt và cổ,...
Mụn trứng cá: Mùa hè nắng nóng là nguyên nhân làm da tăng tiết mồ hôi và bã nhờn, khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào lớp biểu bì, gây mụn trứng cá.
Viêm nang lông là tình trạng viêm nhiễm ở phần nông của nang lông. Viêm nang lông thường gây ra triệu chứng khó chịu cho người bệnh như: vùng da viêm bị ngứa, xuất hiện sẩn, mụn mủ, vết trợt do gãi. Diễn biến viêm nang lông thường dai dẳng, hay tái phát do những yếu tố thuận lợi như môi trường ô nhiễm, nóng và ẩm.
Viêm da do nhiễm khuẩn là viêm da do liên cầu (Streptococcus) hoặc do tụ cầu có thể bị nhiễm khuẩn da bởi liên cầu hoặc tụ cầu ở một vùng nào đó (da đầu, trán...) hoặc có thể rải rác toàn thân. Bệnh gây ngứa và các nốt da bị viêm thường có mụn mủ. Đối với viêm da do liên cầu thì các mụn mủ thường rất nhỏ, nhưng viêm da do tụ cầu thì mụn mủ to hơn.
Thực chất các mụn mủ này là các ổ áp-xe, nếu ở da vùng đầu thì hay gọi là chốc đầu. Viêm da do tụ cầu đáng ngại nhất là viêm da do tụ cầu vàng, bởi vi khuẩn này có độc lực cao, sức đề kháng rất mạnh và kháng lại hầu hết các loại kháng sinh, ngay cả các loại kháng sinh thế hệ mới.
Viêm da dị ứng còn gọi là viêm da cơ địa hay gặp ở một số cơ thể có cơ địa dị ứng. Viêm da dị ứng điển hình là bệnh chàm thường gây ngứa, có thể là chàm mạn tính hoặc chàm cấp tính. Hầu hết bệnh chàm thường tiến triển thành chàm mạn tính.
Đối với bệnh chàm có nhiều dạng khác nhau như chàm tiếp xúc (do da thường xuyên tiếp xúc với các dị nguyên), chàm tiết bã (do cơ địa tăng tiết bã nhờn), chàm vi khuẩn (bệnh chàm có kèm theo bội nhiễm vi khuẩn) hay chàm thể tạng.
Vùng da thường xuất hiện chàm là má, cánh mũi, cằm, nách, bẹn, khuỷu tay, khoeo chân. Biểu hiện của bệnh chàm điển hình nhất là ngứa, nổi ban đỏ, nổi mụn nước nhỏ li ti. Các mụn nước có thể tự khô rồi tróc vảy hoặc vỡ một cách tự nhiên hoặc do ngứa mà người bệnh gãi làm xây xước da và vỡ các mụn nước, gây nhiễm khuẩn.
Viêm da ứ trệ hay gặp ở người trưởng thành, nhất là người cao tuổi. Biểu hiện của bệnh là có các đám da đỏ ở vùng cổ chân, da thường thô, ráp, ngứa nhiều, da vùng bị bệnh thường bị dày lên, ngứa và xuất hiện mụn nước. Nếu gãi làm vỡ các mụn nước sẽ bị nhiễm khuẩn tạo thành các mụn mủ.
Vảy nến là một bệnh đáng lo ngại nhất của da. Gọi là bệnh vảy nến bởi vì vảy có màu trắng đục, bóng, giống màu của nến. Một số bệnh vảy nến thuộc loại nặng như vảy nến thể khớp hoặc bệnh vảy nến đỏ da toàn thân. Bệnh vảy nến ít nguy hiểm nhưng làm cho người bệnh khó chịu và những người xung quanh thấy ái ngại khi tiếp xúc. Hơn nữa, vảy tạo ra rất nhanh, bong lớp này sẽ xuất hiện lớp khác ngay.
Hắc lào: Bệnh do một loại nấm gây ra và có khả năng lây lan mạnh cho các vùng da khác trong cơ thể và lây cả cho người khác nếu ngủ chung giường, mặc chung quần áo, chăn màn, dùng chung khăn tắm...
Lang ben: Đặc điểm của bệnh cũng rất dễ nhận biết là khi thấy xuất hiện những đốm da màu trắng riêng lẻ hoặc tụ từng mảng, gây ngứa khi ra mồ hôi hay khi đi dưới trời nắng gắt.
Viêm kẽ: Triệu chứng của viêm kẽ thường ngứa rát, đau ở các nếp của cơ thể. Những chỗ này thường trở nên đỏ, nứt và thượng bì ướt, trợt ra. Bệnh có thể gặp ở người ra mồ hôi nhiều, béo phì, đái tháo đường, tuổi cao, vệ sinh kém...
Phòng tránh các bệnh ngoài da mùa hè thế nào?
Giữ gìn vệ sinh cá nhân: Cần thường xuyên tắm rửa, đảm bảo làn da luôn khô thoáng và sạch sẽ. Sau một ngày làm việc mệt nhọc hoặc sau khi tiết nhiều mồ hôi, cần phải vệ sinh cơ thể sạch. Đồ đùng cũng phải được vệ sinh sạch sẽ, khô, không dung chung quần áo, khăn tắm, chăn, gối,…
Mặc quần áo cotton: Vải cotton sẽ giúp cho làn da thoáng, thấm mồ hôi, thoát nhiệt và cảm thấy mát mẻ.
Bảo vệ da: Khi đi ra ngoài trời nắng, cần bảo vệ da thật kỹ bằng cách đội nón mũ rộng vành, mặc quần áo dài, mang khẩu trang, bao tay, tất để tránh ánh nắng, bụi bẩn. Thoa các loại kem chống nắng chỉ số chống nắng cao để bảo vệ da.
Đảm bảo dinh dưỡng: Cần bổ sung các loại vitamin, chất xơ trong chế độ ăn hàng ngày. Lưu ý, nên hạn chế các chất kích thích, cà phê, các loại thực phẩm có thể gây dị ứng như tôm, cua, mực... Từ bỏ thói quen ăn thực phẩm, đồ ăn vặt nhiều dầu mỡ. Thực phẩm nhiều dầu mỡ làm trầm trọng thêm tình trạng trứng cá và mụn; làn da quá nhiều dầu còn khiến lỗ chân lông bị bít tắc, gây nên mụn đầu đen.
Uống nước đủ và đều: Càng uống nhiều nước, cơ thể càng đào thải các độc tố tốt hơn và phục hồi da nhanh. Do đó, cần bổ sung đầy đủ tối thiểu 2 lít nước mỗi ngày cho cơ thể. Nếu đang thực hiện các bài tập nặng trong điều kiện nóng bức thì cần uống 0,4 đến 0,9 lít mỗi giờ. Tránh uống đồ uống quá lạnh, vì chúng có thể gây ra chứng co rút ruột. Không uống rượu vì nó sẽ làm cho bạn mất nước nhiều hơn.
Không cào gãi, chà xát, cậy, nặn: Khi bị viêm da, tuyệt đối không cào, gãi, chà xát hay cậy, nặn vì điều đó sẽ làm cho da tổn thương, bị chầy xước dẫn tới bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Điều chỉnh nhịp độc và thời điểm làm việc: Tự điều chỉnh nhịp độ hoạt động khi làm việc, tập luyện, vui chơi ngoài trời nắng. Nếu có thể, hãy cố gắng ở trong môi trường có máy điều hòa nhiệt độ. Nên sắp xếp các hoạt động ngoài trời vào buổi sáng và tối.
Cần đi khám để được tư vấn và điều trị: Khi có dấu hiệu mắc các bệnh da liễu, hãy đến ngay bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị cũng như hướng dẫn phương pháp phòng ngừa thích hợp.