| Hotline: 0983.970.780

Đổi thay nơi miền biên viễn

Thứ Ba 14/02/2012 , 10:35 (GMT+7)

Nhìn những ngôi nhà thoáng mát với đầy đủ tiện nghi mới thấy hết sự đổi thay kỳ diệu của nông thôn vùng biên giới Đức Cơ, tỉnh Gia Lai...

Anh K’sor Bông bên căn nhà 200 triệu đồng vừa xây xong

"Phong trào “Mái ấm công đoàn - Nghĩa tình đồng đội” đã có tác động tốt đến hoạt động kinh doanh của đơn vị. Với những hộ gia đình ở xa đến đã có nhà ở khang trang, sạch sẽ. Phong trào trên đã góp phần đưa đơn vị hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”, đại tá Phạm Văn Giang, Giám đốc Cty 72 cho biết.

Đứng chân trên địa bàn biên giới Đức Cơ, tỉnh Gia Lai (giáp biên với nước bạn Campuchia), Cty 72 (thuộc Binh đoàn 15- Bộ Quốc phòng) có trên 2.600 lao động, trong đó có gần 700 hộ người đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng. Ban đầu, vận động được bà con vào làm công nhân cao su cho Cty là vô cùng khó khăn bởi từ ngàn đời nay, đồng bào chỉ quen canh tác lạc hậu, phát đốt, tra hạt rồi giao cho… trời. Với họ, cây cao su còn vô cùng xa lạ. Nghe nói trồng cây cao su phải bảy năm sau mới cho thu hoạch nên phần đông đồng bào đều không muốn làm.

Năm 1985, bộ đội của Cty 72 về đây, khai hoang đất rừng cằn cỗi để trồng lứa cao su đầu tiên trên vùng đất khắc nghiệt này. Phải mất bao công sức vận động, lớp công nhân đầu tiên là đồng bào dân tộc thiểu số với 97 người đã vào làm công nhân cho Cty. Tuy nhiên phần vì kém hiểu biết, thêm vào đó là bị kẻ xấu kích động, xúi giục nên số công nhân trên bỏ dần, nhiều người vào tận rừng sâu đào đãi vàng. Vận động mãi, đồng bào mới quay trở lại với Cty. Thời gian đầu, cái khó vẫn luôn đeo bám, Cty phải hỗ trợ lương thực, thực phẩm hàng tháng để bà con có cái ăn, yên tâm lao động.

Năm 2006, phong trào “Mái ấm công đoàn - Nghĩa tình đồng đội” lần đầu tiên được phát động ở Cty 72. Bằng nhiều hình thức tự nguyện đóng góp của mỗi cán bộ, công nhân và sự hỗ trợ của Cty, số tiền huy động được hàng năm khá lớn, năm sau luôn nhiều hơn năm trước. Những cán bộ, công nhân có điều kiện trong đơn vị đã ý thức được rằng: Việc đóng góp này là trách nhiệm lớn lao của mình để cùng chăm lo cho đồng đội vươn lên trong cuộc sống, trên tinh thần “lá lành đùm lá rách”.

Ngoài việc góp tiền gây quỹ “Nghĩa tình đồng đội”, mỗi cán bộ, công nhân còn giúp nhau trong lao động sản xuất và xây dựng cuộc sống mới như: Hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác mủ cao su, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong vườn nhà, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu… Sau 5 năm vận động, đến nay Cty đã quyên góp được trên 3 tỷ đồng và hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố cho 135 hộ gia đình công nhân nghèo, chủ yếu là cho các hộ công nhân người đồng bào dân tộc thiểu số. Hầu hết những ngôi nhà xây dựng mới đều có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên, trong đó các chủ hộ tự nguyện đóng góp thêm một phần kinh phí để cho ngôi nhà mới của mình khang trang hơn, to đẹp hơn.

Hộ gia đình anh K’sor Dop và chị K’sor H’Lý (dân tộc J’rai) ở làng Chan (xã Ia Pnôl, huyện Đức Cơ) là công nhân của Đội 711, thuộc Cty 72 từ những ngày đều thành lập Cty. Gia đình anh chị hiện nhận khoán 3 vườn cao su (khoảng 900 cây, tương đương 2 ha). Ngoài ra, gia đình còn trồng thêm sắn, 5 sào cà phê, 3 ha cao su tiểu điền… Cuộc sống có khá giả hơn nhiều nhưng phải nuôi 6 đứa con ăn học, do vậy mà chừng ấy con người vẫn phải ở trong căn nhà gỗ ọp ẹp, chật chội.

Năm 2011, từ quỹ “Mái ấm công đoàn - Nghĩa tình đồng đội”, Cty đã hỗ trợ cho gia đình 55 triệu đồng, gia đình góp thêm vào để xây căn nhà khoảng 150 triệu đồng. Căn nhà 72 m2 bố trí khoa học, trông rất khang trang giữa vườn cà phê xanh ngát.

Chị H’Lý không giấu nổi niềm vui: “Từ khi chồng mình được tiếp nhận vào làm công nhân của Cty 72, gia đình mình không còn cảnh đói ăn, thiếu mặc như trước đây nữa, thậm chí hàng năm còn tích luỹ được thêm một số vốn. Nay Cty hỗ trợ tiền làm nhà, vợ chồng mình quyết định bỏ thêm 95 triệu đồng nữa để cho ngôi nhà được rộng rãi, khang trang hơn…”.

Cùng Đại uý Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Công đờn cơ sở Cty 72, thăm một số ngôi nhà khác trong chương trình này, mới thấy hết niềm vui của những hộ công nhân nghèo có được ngôi nhà mới kiên cố hơn, to đẹp hơn. Gia đình K’sor Bông và Rơ Lan Phunh (dân tộc J’rai) có 5 người con. Nhận khoán vườn cao su của Cty, năm 2011, gia đình lãi được trên 40 triệu đồng, 2ha sắn cũng đã cho thu về khoảng 70 triệu đồng mỗi năm. Bây giờ, gia đình anh chị đã sung túc lắm. Với số tiền từ chương trình “Mái ấm công đoàn - Nghĩa tình đồng đội” hỗ trợ, anh chị thêm vào một ít để có được căn nhà trị giá 200 triệu đồng khang trang.

Với trên 2.600 lao động toàn Cty, hiện đã có 100% hộ gia đình công nhân có nhà ở, trong đó trên 80% là nhà xây kiên cố, số còn lại là nhà “quá độ” và không còn nhà tạm. Nhiều nhà ở của công nhân được đầu tư xây dựng lên đến 700- 800 triệu đồng. Số hộ công nhân sinh sống trên địa bàn đều được dùng điện lưới, nước sinh hoạt, các phương tiện nghe nhìn, hệ thống giao thông đi lại dễ dàng trong cả hai mùa mưa nắng…

Nhìn những ngôi nhà thoáng mát với đầy đủ phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn, nhà bếp, khu vệ sinh, nền lát gạch hoa bóng loáng, mới thấy hết sự đổi thay kỳ diệu của nông thôn vùng biên này. Đại uý Nguyễn Phi Vân cho biết: "Hiện Cty đang thành lập mới thêm 2 Đội sản xuất ở vùng biên để trồng cao su trên diện tích rừng nghèo kiệt. Theo đó sẽ tiếp nhận thêm khoảng 150 lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ. Trước mắt Công ty đã vận động được trên 30 hộ ở các buôn làng ra nơi ở mới để chuẩn bị trồng mới cao su. Đây là số lao động được Công ty đặc biệt quan tâm, trong đó nhà ở cho số công nhân này là một trong những quan tâm hàng đầu. Công ty phấn đấu đến năm 2015 sẽ không còn hộ công nhân ở nhà tạm, tất cả sẽ có nhà xây khang trang, sạch sẽ”. 

Từ một phần đóng góp không lớn của mỗi hộ gia đình, mỗi sỹ quan, chiến sỹ và công nhân lao động trong đơn vị, phong trào “Mái ấm công đoàn - Nghĩa tình đồng đội” đã có ý nghĩa to lớn, mang lại hiệu quả thiết thực. Phong trào đã góp phần làm đổi thay diện mạo nông thôn Tây Nguyên nơi miền biên viễn này.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất