| Hotline: 0983.970.780

CẢI CÁCH & PHÁT TRIỂN

Đối thoại doanh nghiệp về kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu

Chủ Nhật 15/10/2023 , 16:31 (GMT+7)

Có những thủ tục theo quy định pháp luật phải 24 giờ mới trả kết quả, nhưng hiện có những thủ tục theo đường bộ chỉ 4 giờ đồng hồ đã được thông quan.

7 mặt hàng nông sản tỉ đô

Ngày 14/10, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) tổ chức “Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu thuộc địa bàn quản lý của Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I”.

Đối thoại được tổ chức với mong muốn minh bạch hóa các quy định, thủ tục hành chính và hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp cũng như đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện các quy định về kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu một cách hiệu quả.

Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu thuộc địa bàn quản lý của Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I diễn ra chiều 14/10. Ảnh: Hồng Thắm.

Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu thuộc địa bàn quản lý của Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I diễn ra chiều 14/10. Ảnh: Hồng Thắm.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt nói: Doanh nghiệp cần phải nâng cao nhận thức đối với các quy định của pháp luật về công tác kiểm dịch thực vật; tìm hiểu đầy đủ quy định của các nước có quan hệ thương mại với Việt Nam; khi xảy ra những hợp không mong muốn cần phối hợp trực tiếp với cơ quan quản lý để có những biện pháp xử lý kịp thời…

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết: “Với sự nỗ lực của toàn ngành, công tác bảo vệ thực vật đã ngày càng được hoàn thiện; hệ thống văn bản pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn đã được kiện toàn, giúp ngành bảo vệ thực vật nói chung, công tác kiểm dịch thực vật được kiện toàn ở các khâu”.

Ông Đạt cho hay, thời gian qua hàng hóa nông sản của Việt Nam đã tiếp cận được nhiều thị trường khó tính. Mỗi thị trường có những yêu cầu khác nhau về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác hàng hóa… Đây cũng là một trong những khó khăn, thách thức của ngành. Tuy nhiên với chủ trương chung của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Cục Bảo vệ thực vật đã không ngừng tiến hành rà soát để cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo mọi điều kiện đồng hành với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành bảo vệ thực vật cũng đã kiện toàn các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Hiện nay có khoảng 139 tiêu chuẩn, quy chuẩn, góp phần minh bạch hóa các quy trình, kiện toàn các hồ sơ, đơn giản hóa thủ hành chính để tạo điều kiện cho xuất nhập khẩu hành hóa nhanh chóng.

“Có những thủ tục theo quy định pháp luật phải 24 giờ mới trả kết quả, nhưng hiện có thủ tục chỉ cần 10 giờ, có thủ tục theo đường bộ chỉ cần 4 giờ đồng hồ đã được thông quan nhằm đáp ứng đầy đủ theo các chủ trương, công ước cũng như thỏa thuận của các nước mà Việt Nam đã ký kết”, ông Đạt nói.

Ông Đạt cho hay, lượng hàng hóa xuất khẩu ngày càng gia tăng, các thị trường ngày càng mở rộng và đa dạng. Đến nay Việt Nam đã xuất khẩu hơn 140 quốc gia trên thế giới và gần 200 nước có quan hệ thương mại.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nói: 'Ngành bảo vệ thực vật đã kiện toàn các tiêu chuẩn, quy chuẩn'. Ảnh: Hồng Thắm.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nói: "Ngành bảo vệ thực vật đã kiện toàn các tiêu chuẩn, quy chuẩn". Ảnh: Hồng Thắm.

Ông Đạt khẳng định: “Kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Riêng 9 tháng đầu năm nay 2023, xuất khẩu nông sản đạt 38,5 tỉ USD, trong đó rau quả đạt 4,2 tỉ USD, gạo đạt 3,66 tỉ USD, cà phê, hồ tiêu đều tăng... Đây là một thành công của ngành nông nghiệp, trong đó có sự góp phần không nhỏ của ngành bảo vệ thực vật”.

“Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã mở cửa được nhiều thị trường khó tính. Dự kiến năm nay có thêm sầu riêng, dừa gia nhập ngành hàng xuất khẩu tỉ USD, nâng tổng số mặt hàng nông sản xuất khẩu tỉ USD là 7 mặt hàng. Do vậy yêu cầu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… của các nước chúng ta phải hoàn thiện và kiện toàn”, ông Đạt nhấn mạnh.

Tìm hiểu kỹ yêu cầu kiểm dịch của nước nhập khẩu

Ông Phan Mạnh Hùng, Trưởng phòng Kỹ thuật (Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I) cho biết, 9 tháng đầu năm 2023, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I đã kiểm dịch 22.410 lô hàng xuất khẩu với khối lượng đạt hơn 3,9 triệu tấn; kiểm dịch 38.851 lô hàng nhập khẩu, khối lượng hơn 8,13 triệu tấn; thông báo an toàn thực phẩm là 14.844 lô hàng, khối lượng hơn 96 triệu tấn.

Ông Hùng đưa ra một số lưu ý trong danh mục các đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam. Ông cho biết, các doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi cần để ý thêm về 4 loại côn trùng, gồm mọt da glabrum (Trogoderma glabrum -  Herbst), mọt cứng đốt (Trogoderma granarium Everts), mọt da vệt thận (Trogoderma inclusum LeConte), mọt da ăn tạp (Trogoderma variabile Ballion) trong danh mục này.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt (giữa), Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I Nguyễn Trung Hà (phải) và Trưởng phòng Kỹ thuật (Cục Bảo vệ thực vật) Lê Sơn Hà (trái) điều hành phần đối thoại với doanh nghiệp. Ảnh: Hồng Thắm.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt (giữa), Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I Nguyễn Trung Hà (phải) và Trưởng phòng Kỹ thuật (Cục Bảo vệ thực vật) Lê Sơn Hà (trái) điều hành phần đối thoại với doanh nghiệp. Ảnh: Hồng Thắm.

Cũng theo ông Hùng, trong năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023 đối với các lô hàng xuất khẩu đã phát hiện hàng nhiễm sinh vật gây hại Frankliniella occidentalis; F.intonsa; Thrip sp.; Macrosiphum euphobiae; Pinnaspis chinensi trên cải thảo, bắp cải, lá chuối lá dong đi Đài Loan, Nhật Bản; Dysmicoccus neobrevipes; Plannococcus minor; Phenacoccus solennopis trên mít, thanh long, sầu riêng đi Trung Quốc. Phát hiện hàng có mang theo đất trên gừng cử, cụ đậu, củ nghệ đi Nhật Bản, Hàn Quốc, EU…

“Khi có dự định xuất khẩu hàng hóa, nên tìm hiểu kỹ yêu cầu kiểm dịch của các nước nhập khẩu”, ông Hùng khuyến cáo.

Còn đối với các lô hàng nhập khẩu đã phát hiện nhiễm sinh vật gây hại như Trogoderma grannarium trên lúa mỳ, ngô từ Ấn Độ, Pakistan; Trogoderma variabile trên DDGS từ Canada; Caryedon serratus trên lạc từ Ấn Độ; Cirsium arvense trên lúa mỳ, đỗ tương từ Nga, Mỹ, Ukraine. Đặc biệt còn phát hiện dư lượng Aflatoxxin vượt ngưỡng giới hạn cho phép trên lạc từ Ấn Độ.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính

Ông Nguyễn Mạnh Linh, Công ty TNHH CJ Food Việt Nam - Chi nhánh Hiệp Phước tại Hải Phòng băn khoăn, trong Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, sau khi kiểm tra thông thường đạt kết quả 3 lô liên tục sẽ chuyển sang hình thức kiểm tra giảm. Tuy nhiên hiện nay doanh nghiệp chưa xác định được hải quan hay chi cục kiểm dịch sẽ đưa ra quyết định này.

Đại diện Phòng An toàn thực phẩm (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết, theo điều 19, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, Hải quan là cơ quan thực hiện thủ tục kiểm tra giảm. Điều kiện kiểm tra giảm là tất cả hồ sơ đều có thể là đối tượng kiểm tra giảm nhưng cơ quan hải quan sẽ kiểm tra lấy mẫu ngẫu nhiên 5%. Về phía ngành kiểm dịch thực vật, không quy định trình tự thủ tục kiểm tra giảm.

Dự kiến năm nay có thêm dừa gia nhập ngành hàng xuất khẩu tỉ USD. Ảnh: TL.

Dự kiến năm nay có thêm dừa gia nhập ngành hàng xuất khẩu tỉ USD. Ảnh: TL.

Ông Vũ Tiến Thành, Công ty Thành Lâm - doanh nghiệp nhập khẩu gỗ tự nhiên từ châu Phi và châu Mỹ về Việt Nam kiến nghị, cần sớm xem xét việc cấp giấy chứng thư kiểm dịch điện tử để hòa nhập với xu hướng thế giới.

Về vấn đề này, ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng kỹ thuật (Cục Bảo vệ thực vật) cho hay, chứng thư kiểm dịch điện tử rất dễ làm giả, đã phát hiện nhiều trường hợp như vậy. Tuy nhiên Cục Bảo vệ thực vật ghi nhận ý kiến này và cố gắng hướng đến vấn đề này trong thời gian tới.

Kết luận tại hội nghị, Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt nói, các ý kiến đóng góp hôm nay mang tính thẳng thắn, trực tiếp. Có 3 vấn đề cần quan tâm, một là làm thế nào để hiểu một cách thống nhất các quy định, tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Hai là vẫn còn những trường hợp mà các quy định pháp luật còn vướng, còn gây khó khăn cho doanh nghiệp. Thứ ba là mong muốn đơn giản hóa, áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn nữa trong vấn đề giải quyết thủ tục hành chính.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng cũng như tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật trong công tác kiểm dịch thực vật, Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt đề nghị Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I thời gian tới cần tăng cường phổ biến các văn bản pháp luật, các điều kiện của các nước nhập khẩu để doanh nghiệp, cá nhân nhận thức và hiểu rõ hơn nữa trong vấn đề thực hiện các thủ tục hành chính về kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu.

Niêm yết, công khai các quy trình, trình tự thủ tục về kiểm dịch thực vật tại các hệ thống một cửa quốc gia để doanh nghiệp hiểu rõ hơn cũng như dễ dàng thực hiện nhằm giảm thời gian, nhanh chóng và thuận lợi.

Rà soát nội quy, quy chế để chấn chỉnh lại các điều kiện cơ sở hạ tầng để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, hiệu quả, đúng quy định pháp luật…

Xem thêm
Bầu bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13

Trung ương bầu bổ sung ông Lê Minh Hưng, Đỗ Văn Chiến, Nguyễn Trọng Nghĩa và bà Bùi Thị Minh Hoài vào Bộ Chính trị.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Cần có các giải pháp tiếp cận thị trường nông sản tổng quan hơn'

Đây là ý kiến kết luận của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Trưởng Ban Chỉ đạo chất lượng, ATTP và phát triển thị trường, tại phiên họp lần thứ nhất của ban.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dự án hơn 200 tỷ đồng bị hư hỏng phần kè do thi công ẩu

Hạng mục công trình kè biển chắn sóng chạy dọc đường ven biển huyện Hoằng Hóa chưa bàn giao đã xuống cấp. Nguyên nhân do chất lượng công trình không đảm bảo.